Châu Á và châu Âu khủng hoảng vì biến thể Delta

21/07/2021 - 06:32

PNO - Indonesia, Iran và Pháp đã trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng khi biến thể Delta rất dễ lây lan đang tàn phá toàn cầu.

Biến thể Delta có khả năng lây truyền cao, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, đang càn quét toàn cầu, làm bùng phát các đợt dịch mới ở châu Âu và châu Á, tấn công phần lớn những người chưa được chủng ngừa.

Tính đến nay, thế giới đã báo cáo hơn 4 triệu người chết vì COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Indonesia đã vượt qua Ấn Độ và Brazil trở thành điểm nóng COVID-19 toàn cầu, số ca nhiễm SARS-CoV-2 và tử vong liên tục dẫn đầu thế giới trong tuần qua. Trong ngày 19/7, Indonesia đã báo cáo kỷ lục số người chết hàng ngày với hơn 1.300 trường hợp.

Các nhà chức trách đã cấm các cuộc tụ tập, bao gồm các sự kiện truyền thống trong lễ hội Eid al-Adha của người Hồi giáo, hạn chế di chuyển của người dân nhưng tình hình dịch bệnh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.

Vượt Ấn Độ và Brazil, Indonesia trở thành điểm nóng dichj COVID-19 toàn cầu.
Vượt Ấn Độ và Brazil, Indonesia trở thành điểm nóng dịch COVID-19 toàn cầu.

Không riêng Indonesia, phần lớn khu vực Đông Nam Á đều đang đặt trong tình trạng báo động vì sự gia tăng số ca mắc COVID-19. Philippines đã cảnh báo người dân về một đợt phong tỏa mới khi phát hiện các cụm nhiễm biến thể Delta, trong khi Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc kéo dài trong 2 tháng, cho đến cuối tháng 9, để đối phó với dịch COVID-19 lây lan diện rộng. Trong tuần qua, Thái Lan ghi nhận trung bình hàng ngày hơn 10.000 ca mắc COVID-19 và 100 người tử vong.

Singapore, quốc gia đã tránh được đợt bùng phát dịch tồi tệ trong nhiều tháng qua, cho biết sẽ tái áp dụng hạn chế các cuộc tụ tập và cấm ăn uống trong nhà hàng, sau khi gia tăng đột biến các trường hợp lây truyền trong cộng đồng liên quan đến quán karaoke và cảng cá.

Iran, quốc gia hứng chịu đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất ở Trung Đông, tiếp tục phải đối mặt với làn sóng bùng dịch lần thứ năm do biến thể Delta thúc đẩy. Các văn phòng chính phủ và ngân hàng ở thủ đô Tehran và tỉnh Alborz lân cận đã đóng cửa trong sáu ngày,  hầu hết các cửa hàng không thiết yếu cũng như trung tâm thương mại và rạp chiếu phim đều tạm ngừng hoạt động.

Tương tự châu Á, châu Âu cũng đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới, một phần nguyên nhân do biến thể Delta và phần còn lại do nới lỏng các biện pháp hạn chế COVID-19.

Trong ngày 20/7, Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới đang gia tăng với tốc độ chưa từng có trong suốt nhiều tháng qua, với hơn 18.000 trường hợp mắc COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết: “Mức độ lây lan của virus đã tăng lên khoảng 150% trong tuần trước”. 

Bên cạnh đó, Anh và Nga cũng đang vật lộn với số ca nhiễm SARS-CoV-2 và tử vong tiếp tục gia tăng trong nhiều tuần qua.

Đến nay gần 3,7 tỷ liều vắc xin COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu nhưng hầu hết các mũi tiêm đều bị các quốc gia giàu có thâu tóm, trong khi các quốc gia nghèo hơn đang tụt hậu nặng trong cuộc đua tiêm chủng.

Chung Thu Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI