Châu Á trên đà bắt kịp thế giới trong sản xuất dược phẩm

16/10/2021 - 12:11

PNO - Một số công ty dược phẩm lớn nhất thế giới đóng vai trò trung tâm trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đại dịch cũng tạo ra ảnh hưởng lớn cho ngành dược phẩm toàn cầu, đặc biệt là những doanh nghiệp ở châu Á.

COVID-19 đã tạo ra một thị trường trị giá hàng tỷ USD cho các loại vắc xin để ngăn ngừa tử vong, mở cửa lại nền kinh tế và bắt đầu quá trình chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới.

Trong năm 2020 vừa qua, 50 công ty dược phẩm lớn nhất thế giới đạt được doanh thu khổng lồ lên đến 851 tỷ USD. Vì vậy, nếu thế giới bị kẹt trong một cuộc chiến dường như bất tận với các chủng COVID-19 mới, nhu cầu dài hạn về vắc xin sẽ rất lớn, duy trì một hoạt động kinh doanh sinh lợi cao cho các công ty dược phẩm. 

 

Châu Á đang trên đà bắt kịp Mỹ và châu Âu trong việc sản xuất dược phẩm, nhờ những thay đổi và động lực từ đại dịch COVID-19
Châu Á đang trên đà bắt kịp Mỹ và châu Âu trong việc sản xuất dược phẩm, nhờ những thay đổi và động lực từ đại dịch COVID-19

Theo trang Companies Market Cap, năm công ty dược phẩm lớn nhất thế giới là Johnson & Johnson (J&J), Roche, Pfizer, Eli Lilly và Novartis. Là nhà sản xuất vắc xin COVID-19 hàng đầu Bắc Mỹ, Pfizer có mức tăng trưởng vượt bậc trong quý II/2021. Pfizer và Moderna được dự đoán đạt tổng thu nhập hơn 52 tỷ USD từ vắc xin trong năm 2021 và sẽ duy trì ở mức cao trong nhiều năm tới. Mặc dù Johnson & Johnson và AstraZeneca đã cam kết bán vắc xin với giá gốc cho đến sau đại dịch, nhưng giai đoạn này không có gì ngăn cản công ty chuyển sang mô hình vì lợi nhuận từ vắc xin COVID-19.

Theo trang The Diplomat, từ những năm 1960, các chính phủ phương Tây đã mở rộng đáng kể những tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ (IP) toàn cầu để bảo vệ công nghệ và củng cố lợi thế cạnh tranh đối với các loại thuốc giá trị cao. Dù vậy, COVID-19 dường như đã thúc đẩy các doanh nghiệp phải thích ứng. Bên ngoài Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), hầu hết việc phát triển vắc xin đang diễn ra ở châu Á. Khu vực này là nơi có ngành dược năng động, với chi phí sản xuất thấp, khả năng đổi mới nhanh…

Tính đến tháng 10, Trung Quốc có số lượng nhà phát triển vắc xin COVID-19 cao thứ hai trên thế giới (46) sau Mỹ (120), tiếp theo là Ấn Độ và Canada (24). Ở những nơi khác tại châu Á, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) đang nghiên cứu loại vắc xin mRNA ngang tầm với vắc-xin của Pfizer, nhưng có mức giá cạnh tranh hơn. Chính phủ Hàn Quốc đang đầu tư 2 tỷ USD với mục tiêu trở thành nhà sản xuất vắc xin hàng đầu toàn cầu vào năm 2025. Tương tự, Nhật Bản cũng dành 3 tỷ USD cho việc phát triển vắc xin nội và ứng cử viên vắc xin của hãng dược Shionogi có thể ra mắt cuối năm 2021. 

Sự bứt phá về tăng trưởng dược phẩm của châu Á đến vào thời điểm thích hợp, khi sự thay đổi cơ cấu trong thị trường thuốc toàn cầu làm suy yếu lợi thế truyền thống của phương Tây. Theo Công ty Fortune Business Insights (Ấn Độ), quy mô thị trường dược liệu toàn cầu đạt mức 164,2 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến đạt 261,28 tỷ USD vào năm 2026.

Châu Á Thái Bình Dương đang trên đà vượt qua châu Âu và Bắc Mỹ trong tương lai gần nhờ có nguồn nguyên liệu thô dồi dào và chi phí lao động thấp hơn. Trong khi đó, đã có sự tăng trưởng vượt bậc ở các thị trường mới nổi, nơi có nhu cầu cao về thuốc generic giá rẻ (loại thuốc tương tự như thuốc gốc, được sản xuất tự do sau khi bản quyền của thuốc gốc hết hạn). 

 Tấn Vĩ (theo The Diplomat, Globe Newswire, Statista)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI