Châu Á: Trẻ em và phụ nữ đang là nạn nhân thường trực của ngộ độc chì

15/11/2022 - 12:15

PNO - Ở châu Á, hoạt động sản xuất chì vẫn tiếp diễn trên diện rộng bất chấp mối nguy tiềm ẩn lên sức khỏe con người.

Ngày qua ngày, con trai của Sayla Akhter phải sống chung với khói bụi từ một cơ sở tái chế pin axit chì được mở trái phép ngay cạnh nhà họ, ở ngoại ô thành phố Tangail (miền trung Bangladesh). Từng cuộn khói độc lan tỏa vào không khí, khiến các ngôi nhà xung quanh phủ đầy bụi chì. Cư dân trong vùng đều hít thở khó khăn. Về sau, nhiều người bắt đầu phát bệnh.

Nhờ một chiến dịch vận động thành công, một năm sau đó, nhà máy tự phát này bị đóng cửa. Thế nhưng đã quá muộn để ngăn chặn tác hại từ quá trình phơi nhiễm chì. Con trai nhỏ của Akhter, Siam, tương tự đông đảo người dân địa phương, đang từng ngày chống chọi bệnh tật. Người mẹ trẻ tiết lộ: “Khắp Tangail, có rất nhiều đứa trẻ đau ốm vì nhiễm độc chì như con tôi. Chúng liên tục nhiễm bệnh về hô hấp và tiêu hóa. Trước đây mọi thứ không tệ thế này”.

Sau khoảng thời gian dài sống đằng sau nhà máy, Siam thậm chí có dấu hiệu tổn thương thần kinh. “Thằng bé giờ mắc chứng hay quên. Con tôi vẫn đến trường đều đặn nhưng dường như nó không nhớ trong ngày đã xảy ra chuyện gì. Tôi rất lo cho tương lai của con”, Akhter nói.   

Ở Nam Á, hoạt động tái chế pin axit chì tạo ra một ngành công nghiệp lợi nhuận cao nhưng hầu hết diễn ra trái phép và tự phát. (Ảnh: Getty)
Ở Nam Á, hoạt động tái chế pin axit chì tạo ra một ngành công nghiệp lợi nhuận cao nhưng hầu hết diễn ra trái phép và tự phát. (Ảnh: Getty)

Những hệ quả đáng sợ

Ở phương Tây, các chính sách quản lý cần thiết, nhất là để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ nhiễm độc chì đã được nghiêm túc thực thi. Thế nhưng tại nhiều quốc gia đang phát triển thuộc Nam Á, tiêu biểu như Ấn Độ và Bangladesh, hoạt động sản xuất chì vẫn được ưu tiên vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế dẫu mối đe dọa sức khỏe luôn ẩn hiện phía sau.    

Hiện nay, khoảng 800 triệu người trên thế giới đang có nồng độ chì trong máu trên ngưỡng an toàn 5µg/dl, theo số liệu từ UNICEF. Đối với trẻ nhỏ, ngộ độc chì để lại hậu quả đặc biệt trầm trọng. Hàm lượng lớn chì đi vào cơ thể sẽ tấn công hệ thần kinh trung ương, gây ra tình trạng co giật, hôn mê, thậm chí tử vong. Ở mức thấp hơn, chì có thể khiến trẻ mắc phải một số bệnh lý như thiểu năng, rối loạn hành vi. Đáng ngại hơn cả, tác động nguy hiểm lên hệ thần kinh của chì được tin là không thể chữa trị.

Lesley Onyon, một quan chức cấp cao về an toàn hóa chất của WHO, chia sẻ: “Ngộ độc chì thực tế đã trở thành một "cuộc khủng hoảng" mặc dù vấn đề này đang bị những nhà hoạch định chính sách tại nhiều quốc gia bỏ qua. Chì thuộc nhóm 10 loại hóa chất nguy hại hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các nước thành viên của WHO hãy có hành động quyết liệt hơn để bảo vệ sức khỏe người lao động, trẻ em và phụ nữ”.

Công nhân trong một nhà xưởng sản xuất chì tại Bangladesh làm việc khi không có thiết bị bảo hộ. (Ảnh: Getty)
Công nhân trong một nhà xưởng sản xuất chì tại Bangladesh làm việc khi không có thiết bị bảo hộ - Ảnh: Getty

Ngành kinh doanh tạm bợ và nguy hiểm

Tại Bangladesh, nền kinh tế phát triển khởi sắc thời gian gần đây một phần được thúc đẩy bởi ngành sản xuất và tái chế pin axit chì. Pin từ chì cung ứng năng lượng cho hàng triệu chiếc xe ba bánh chạy điện, phương tiện vận tải quan trọng ở thủ đô Dhaka. Để làm ra loại pin này, một ngành công nghiệp gây tranh cãi đã hình thành. Ước tính, trong các thành phố lớn của Bangladesh tồn tại hàng ngàn cơ sở tái chế pin axit chì - phần lớn đều hoạt động tự phát và trái phép.

Thực trạng tương tự đang diễn ra ở Ấn Độ. Một trong số nhiều khu vực tập trung cơ sở tái chế pin axit chì tọa lạc tại thị trấn nhỏ Murad Nagar, bang Uttar Pradesh, giáp ranh thủ đô New Delhi. Nơi đây tập trung những xưởng tái chế phi pháp, chuyên nấu chảy chì. Pin axit chì được xử lý bằng cách đốt nóng sẽ thải ra lượng lớn khói độc. Trẻ vị thành niên hành nghề nhặt phế liệu thường dùng tay trực tiếp chạm vào loại rác độc hại này. Đối tượng có nguy cơ bị phơi nhiễm cao không kém là các hộ dân sinh sống gần cơ sở tái chế.

Nhóm phụ nữ làm công việc lọc chì ở khu tái chế hoạt động trái phép tại Murad Nagar. (Ảnh: TheThirdPole)
Nhóm phụ nữ làm công việc lọc chì ở khu tái chế hoạt động trái phép tại Murad Nagar - Ảnh: TheThirdPole

Ấn Độ đang dẫn đầu thế giới về số ca bệnh gây ra bởi phơi nhiễm chì, theo thống kê năm 2019 của đại học Oxford. Lần lượt xếp sau là Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh.  

Một bé gái tại Trung Quốc đang được lấy mẫu kiểm tra nồng độ chì trong máu. (Ảnh: AFP)
Một bé gái tại Trung Quốc đang được lấy mẫu kiểm tra nồng độ chì trong máu - Ảnh: AFP


Như Ý (theo TheTelegraph, TheThirdPole)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI