Châu Á tìm nguồn cung thay thế trong bối cảnh lo ngại an ninh lương thực toàn cầu

21/03/2022 - 07:24

PNO - Giá dầu và giá nông sản tăng cao do cuộc xung đột Nga và Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về giá lương thực trên toàn thế giới. Để kiểm soát tình hình, các nước châu Á cố gắng tìm nguồn cung mới.

Indonesia mua lúa mì từ các nguồn cung cấp khác

Các nhà sản xuất lương thực Indonesia cho biết đang tìm kiếm các nguồn nhập khẩu lúa mì thay thế khác khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu ảnh hưởng đến việc thu mua lúa mì của họ.

Indonesia cố gắng tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu lúa mì thay thế Ukraine.
Indonesia cố gắng tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu lúa mì thay thế Ukraine

Bà Ratna Sari Loppies, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất bột mì Indonesia, có các thành viên là những nhà nhập khẩu và xay xát lúa mì chính của Indonesia, cho biết ít nhất 8 container bao gồm 160 tấn lúa mì cần cho sản xuất bột mì đã bị mắc kẹt cho đến nay.

Mặc dù thừa nhận tác động là nhỏ nhưng các nhà sản xuất bột mì địa phương có khả năng sẽ chuyển hướng mua nguyên liệu từ các nguồn khác để thay thế cho lúa mì Ukraine.

Malaysia áp đặt kiểm soát giá, trợ cấp để giảm áp lực chi phí

Tình hình biến động của thế giới đã gián tiếp làm tổn hại đến an ninh lương thực của Malaysia thông qua việc giá phân bón, thức ăn chăn nuôi cùng nhiều thứ khác tăng mạnh.

Trong khi tổng kim ngạch thương mại của Malaysia với Ukraine và Nga chỉ chiếm 0,5% nhưng ngành công nghiệp gia cầm của nước này lại phụ thuộc nhiều vào thức ăn nhập khẩu, với khoảng 90% từ các nước như Ukraine, Brazil và Argentina.

Malaysia áp đặt kiểm soát giá, trợ cấp để giảm áp lực chi phí
Malaysia áp đặt kiểm soát giá, trợ cấp để giảm áp lực chi phí

Vào năm 2020, Malaysia đã chi khoảng 1,12 tỷ USD cho nhập khẩu thức ăn động vật. Việc phụ thuộc vào thức ăn chăn nuôi gà từ nước ngoài đã khiến giá gà và trứng gà tại đây tăng mạnh, buộc chính phủ phải áp đặt các biện pháp kiểm soát giá để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng.

Ấn Độ chuẩn bị cho giá dầu ăn tiếp tục tăng cao

Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với nhiều cú sốc khi biến động từ Ukraine và Nga có nguy cơ làm tăng giá các sản phẩm chủ chốt, vốn đã tăng từ 10-30% kể từ năm ngoái, thách thức mạnh mẽ nỗ lực của quốc gia Nam Á trong việc kiểm soát lạm phát.

Các hộ gia đình Ấn Độ chịu áp lực nặng nề khi giá lương thực tăng cao.
Các hộ gia đình Ấn Độ chịu áp lực nặng nề khi giá lương thực tăng cao

Ấn Độ tiêu thụ khoảng 1,8 triệu tấn dầu ăn mỗi tháng, trong đó khoảng 60% là nhập khẩu. Dầu hướng dương chiếm khoảng 200.000 tấn trong lượng dầu tiêu thụ hàng tháng, với 85% nguồn cung đến từ Ukraine và 14,3% khác từ Nga trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 2 năm nay.

Khi các chuyến hàng từ khu vực Biển Đen bị đình trệ vì xung đột, có những lo ngại rằng ngân sách hộ gia đình, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp hơn, sẽ càng căng thẳng thêm trước bất kỳ đợt tăng giá tiếp theo.

Úc thu hoạch ngũ cốc kỉ lục

Nông dân Úc đang có những vụ thu hoạch ngũ cốc bội thu có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực cho thế giới, vốn đã khiến giá ngũ cốc và các mặt hàng chủ lực khác tăng vọt.

Úc thu hoạch ngũ cốc kỉ lục.
Úc thu hoạch ngũ cốc kỉ lục

Ukraine là một trong những quốc gia màu mỡ nhất thế giới. Quốc gia này và nước láng giềng Nga chiếm 25% xuất khẩu lúa mì và hơn 30% xuất khẩu lúa mạch toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc xung đột có thể làm giảm nguồn cung lúa mì, lúa mạch và các mặt hàng chủ lực khác như bắp và dầu hướng dương, đặc biệt là khi nông dân không thể đảm bảo nhiên liệu và phân bón, phần lớn trong số đó đến từ Nga. 

Minh Hương (theo Straitstimes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI