Châu Á tìm cách ứng phó với thiên tai đang ngày càng tăng

19/10/2024 - 18:48

PNO - Hiện tượng La Nina đang gây ra nhiều cơn bão lớn. Các chuyên gia dự báo khu vực Đông Nam Á sẽ có lượng mưa cao trên mức trung bình trong những tháng tới. Thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục gây khó cho nông nghiệp, đe dọa du lịch và sản xuất công nghiệp...

Cần phương cách mới

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Mỹ và Singapore cho thấy, tình trạng khí hậu ấm lên ​​sẽ làm tăng khả năng hình thành bão gần bờ biển Đông Nam Á. Với Việt Nam, tình hình trên có thể làm tăng thêm khó khăn đối với những nỗ lực khắc phục hậu quả rất lớn của cơn bão Yagi vừa qua. Cơ quan Khí tượng thủy văn Việt Nam dự báo ​​một số khu vực trung tâm công nghiệp có thể xảy ra một số trận lũ lụt cho đến tháng 3/2025. The Weather Company dự báo Việt Nam có thể hứng chịu nhiều cơn bão nhiệt đới hơn bình thường cho đến tháng Tư năm sau.

Một con đường ở huyện Hạ Phố, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc hồi tháng 7/2024, khi cơn bão Gaemi khiến hàng chục người thiệt mạng, gây thiệt hại lớn về hạ tầng giao thông - Nguồn ảnh: Xinhua
Một con đường ở huyện Hạ Phố, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc hồi tháng 7/2024, khi cơn bão Gaemi khiến hàng chục người thiệt mạng, gây thiệt hại lớn về hạ tầng giao thông - Nguồn ảnh: Xinhua

Thái Lan thì đang phải đối mặt với thiệt hại lên tới 904 triệu USD do đợt lũ lụt ở phía bắc. Philippines - nơi hứng chịu trung bình 9 cơn bão mỗi năm - cũng đang phải vật lộn với khó khăn, khắc phục hậu quả của các cơn bão Gaemi hồi tháng Bảy, Yagi hồi tháng Chín và Krathon trong tháng Mười. Cơ quan Thời tiết Philippines dự đoán: phần lớn quần đảo này có thể có lượng mưa cao hơn mức trung bình cho đến cuối năm và cao hơn 160% so với mức trung bình vào tháng 1/2025. Singapore cũng đã đưa ra cảnh báo lũ lụt hôm 14/10.
Sự hung hãn ngày càng tăng của các cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương đang buộc các doanh nghiệp và chính phủ các nước cân nhắc, tìm kiếm những phương cách mới hiệu quả để chống bão. “Cơn bão Yagi đã cho thấy, nếu chúng ta muốn bảo vệ tương lai đất nước và nền kinh tế thì không còn cách nào khác là phải bắt đầu ngay bây giờ” - Bruno Jaspaert - Chủ tịch EuroCham Việt Nam - nói. Ông cũng cho rằng Yagi có thể thúc đẩy Chính phủ Việt Nam thắt chặt các quy định về xây dựng công nghiệp, tăng cường sức chống bão của các tòa nhà.

Cơ sở hạ tầng chống chịu với biến đổi khí hậu

Các quốc gia châu Á hiện phải đối mặt với thách thức kép về phát triển cơ sở hạ tầng và vấn đề biến đổi khí hậu. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu với biến đổi khí hậu là cấp thiết trước tình hình lũ lụt, bão và các thiên tai khác tiếp tục tàn phá các quốc gia khắp khu vực. Tuy nhiên, vấn đề là việc phát triển những cơ sở hạ tầng như vậy đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn. Indonesia đã phát hành trái phiếu xanh và đã huy động được hơn 7 tỉ USD kể từ năm 2018, nhằm tài trợ cho các dự án cắt giảm khí thải và thúc đẩy tính bền vững bao gồm năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và tái trồng rừng. Malaysia và Bangladesh cũng đã bắt đầu phát hành trái phiếu xanh, đóng góp vào các nỗ lực của khu vực nhằm chống biến đổi khí hậu.

Sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng phục hồi khí hậu là rất quan trọng trên khắp châu Á. Tại Indonesia, các mô hình tài chính hỗn hợp do PT Sarana Multi Infrastruktur thuộc Bộ Tài chính quản lý đã thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân hỗ trợ các dự án xanh. Cách tiếp cận này cũng được thực hiện ở Ấn Độ và Philippines. Việt Nam và Thái Lan cũng đã phát triển các quỹ bảo lãnh cơ sở hạ tầng tương tự để thu hút đầu tư xanh.

Các chính phủ cũng đang đưa ra các công cụ tài chính - bao gồm trợ cấp và ưu đãi thuế - để thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ năng lượng mới và tái tạo. Điều này làm giảm gánh nặng tài chính cho nhà đầu tư, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp. Nhiều nước cũng đưa ra chiến lược và kế hoạch hành động về đa dạng sinh học.

ASEAN Taxonomy - hệ thống phân loại tài chính bền vững do Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á xây dựng - đảm bảo rằng các dòng tài chính khu vực luôn hỗ trợ cho phát triển bền vững. Sự liên kết đó rất quan trọng để thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và tạo điều kiện cho các khoản đầu tư xanh xuyên biên giới. Hành trình của châu Á hướng tới cơ sở hạ tầng chống chịu với biến đổi khí hậu là hành trình đổi mới và hợp tác.

Nam Anh (theo SCMP, Bloomberg, EAF)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI