Châu Á tái mở cửa nhanh hơn sau đại dịch

28/09/2022 - 07:39

PNO - Châu Á - khu vực chống chọi với đại dịch lâu nhất bằng những đợt phong tỏa nghiêm ngặt - đang dỡ bỏ dần các hạn chế xã hội nhằm nối lại hoạt động kinh tế và hồi sinh ngành du lịch.

Trong hơn 2 năm, nhiều nước châu Á đã áp dụng các hạn chế biên giới cứng rắn nhằm ngăn chặn ca nhiễm COVID-19. Ngay cả khi phần còn lại của thế giới đã giảm bớt sự kiểm soát, nhiều nước vẫn tiếp tục yêu cầu du khách dành thời gian xét nghiệm hoặc giới hạn số lượng khách đến hằng ngày. Tuy nhiên, chỉ trong một tuần qua, một số chính phủ châu Á cuối cùng đã tuyên bố chấm dứt việc kiểm dịch và các hạn chế đi lại khác trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế. 

Mở cửa để thúc đẩy kinh tế và du lịch

Peter Collignon - giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y thuộc Đại học Quốc gia Úc - cho biết, các nước châu Á đã nhận ra việc hạn chế xã hội không còn cần thiết khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao. Tại Hồng Kông (Trung Quốc), các quan chức thông báo hôm 23/9 rằng thành phố sẽ hủy bỏ chính sách kiểm dịch du khách, đánh dấu sự “rút lui” khỏi chiến lược “Zero COVID”. Dù vậy, những du khách đến Hồng Kông vẫn bị cấm tham gia vào các hoạt động được coi là có rủi ro cao, như ăn uống trực tiếp, trong vòng ba ngày từ lúc đến và phải thường xuyên xét nghiệm PCR. Cùng ngày, Thái Lan cũng thông báo sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp do đại dịch vào cuối tháng. 

Người dân và du khách đi qua các quán bar và nhà hàng ở quận Shimbashi của Tokyo. Các doanh nghiệp hy vọng đồng USD mạnh và đồng yên suy yếu sẽ giúp thu hút nhiều du khách quốc tế đến Nhật hơn - ẢNH: BLOOMBERG
Người dân và du khách đi qua các quán bar và nhà hàng ở quận Shimbashi của Tokyo. Các doanh nghiệp hy vọng đồng USD mạnh và đồng yên suy yếu sẽ giúp thu hút nhiều du khách quốc tế đến Nhật hơn - Ảnh: Bloomberg

Hôm 22/9, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ mở cửa trở lại cho tất cả khách du lịch cá nhân vào ngày 11/10. Nước này cũng sẽ khôi phục quyền miễn thị thực cho du khách từ các quốc gia được miễn thị thực trước đại dịch. Trước đây, Nhật Bản buộc du khách tham gia các tour du lịch trọn gói nếu họ muốn đến thăm đất nước này. Điều đó đã làm chậm quá trình phục hồi du lịch. Chỉ có 8.000 khách du lịch đến thăm xứ sở hoa anh đào vào tháng Bảy, thấp hơn nhiều so với mức 80.000 lượt khách hằng ngày trước đại dịch. Một quốc gia châu Á khác mở cửa đón khách du lịch sau hơn hai năm là Bhutan, với điều kiện tất cả du khách phải trả 200 USD “phí phát triển bền vững” mỗi ngày. 

Tại Singapore, quốc gia đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế dịch bệnh vào tháng 8, giá khách sạn đang ở mức cao nhất trong 10 năm. Dù vậy, kinh nghiệm ở các quốc gia từ New Zealand đến Hàn Quốc cho thấy du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ phải mất vài năm nữa mới có thể hồi phục về mức của năm 2019. Sự phục hồi của khu vực này chậm hơn so với ở châu Âu, nơi các chỉ số cho thấy du lịch và chi tiêu trong mùa hè này gần đạt đỉnh trước đại dịch. Lý do lớn nhất cho sự phục hồi du lịch chậm là Trung Quốc, quốc gia vốn là nguồn khách du lịch hàng đầu khắp châu Á. Hiện việc cấp hộ chiếu chậm lại và kiểm dịch gắt gao đối với những người từ nước ngoài trở về khiến người dân Trung Quốc rất khó rời khỏi đất nước.  

Duy trì chuỗi cung ứng

Ngay cả khi thế giới đang lo lắng về sự sụp đổ của các chuỗi cung ứng toàn cầu và mối đe dọa của làn sóng nội địa hóa, các chuỗi cung ứng ở một số nơi tại châu Á thực sự phát triển tốt hơn trong và nhất là sau đại dịch. Các doanh nghiệp ở châu Á đã vượt qua sự thay đổi của địa chính trị và hàng rào phong tỏa biên giới để tập trung vào xây dựng hệ thống hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm để duy trì quan hệ thương mại thông suốt. 

Theo Bank of America Corp, dòng chảy các sản phẩm công nghệ cao, máy móc công nghiệp và tư liệu sản xuất giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đạt mức 300 tỷ USD vào năm 2021. Đây là mức cao nhất kể từ khi hai nước thiết lập mối quan hệ kinh tế vào năm 1992. Hitachi Ltd - một trong số các công ty công nghiệp lớn nhất của Nhật Bản có hoạt động kinh doanh khổng lồ tại Trung Quốc - lưu ý trong báo cáo thu nhập mới nhất vào tháng 7 rằng “không có sự gián đoạn chuỗi cung ứng nào” suốt quý đầu năm 2022. 

Khi quy mô thương mại ở châu Á tăng lên, sự phụ thuộc lẫn nhau cũng tăng theo. Nguyên liệu, linh kiện và hàng hóa chế biến, tiêu dùng được luân chuyển tự do và với khối lượng lớn giữa các quốc gia. Các công ty công nghiệp chuyên môn hóa sản phẩm theo thời gian khi nhu cầu từ các đối tác thương mại của họ phát triển. Nhiều nhà cung cấp từ những quốc gia khác nhau được thu hút vào chuỗi cung ứng, khiến chúng ngày càng mở rộng và sâu hơn. 

Tấn Vĩ (theo Bloomberg, CNA, WSJ, Fortune
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI