Châu Á: Ngày càng nhiều người trẻ chọn cuộc sống độc thân

12/02/2022 - 06:00

PNO - Không chỉ đối diện với vấn đề dân số già, tỷ lệ sinh giảm, các nước châu Á mà nổi bật là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc còn gặp phải tình trạng không ít người trẻ tuyên bố chọn cho mình cuộc sống độc thân.

Min Kyeong-seok - 37 tuổi - đã không ngại đi ăn ở nhà hàng hay ở khách sạn sang trọng một mình và chia sẻ trải nghiệm này trên blog Một người hạnh phúc của cô. “Tôi muốn cho mọi người thấy rằng, tôi đang sống hạnh phúc dù độc thân. Người Hàn Quốc thường xem những người độc thân là đáng thương, hoặc thiếu thốn về kinh tế, tâm lý, thậm chí là thể chất. Nhưng tôi không cần phải ở cùng người khác để thưởng thức một bữa ăn ngon hoặc đi cùng ai để được mọi người nghĩ rằng tôi hạnh phúc”, cô nói.

Do ngày càng nhiều người trẻ chọn không kết hôn, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất thế giới vào năm 2021 - ẢNH: AFP
Do ngày càng nhiều người trẻ chọn không kết hôn, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất thế giới vào năm 2021 - Ảnh: AFP

Chọn cuộc sống honjok (một thuật ngữ Hàn Quốc dành cho những người chọn các hoạt động một mình một cách tự nguyện và tự tin, không quan tâm đến đánh giá của người khác) đang là xu hướng ở Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Min là một trong số ngày càng nhiều người trẻ chấp nhận cuộc sống độc thân, không bị ràng buộc, thậm chí là thề không kết hôn.

Vào năm 2020, tỷ lệ hộ độc thân ở Hàn Quốc đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại với 31,7%. Điều này cũng kéo theo tỷ lệ kết hôn và sinh con thấp kỷ lục.

Tại Trung Quốc, tỷ lệ kết hôn đang giảm mạnh. Vào năm ngoái, chỉ có 8,13 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn, giảm 12% so với năm 2020. Đây cũng là năm thứ bảy liên tiếp tỷ lệ này giảm. Nếu so với năm 2013 (13,47 triệu cặp đăng ký kết hôn), tỷ lệ này đã giảm đến 40%. Một cuộc điều tra dân số trong năm vừa qua cho thấy nước này đã trải qua mức thấp nhất trong sáu thập kỷ về tỷ lệ sinh.

Ở châu Á, việc sở hữu một ngôi nhà được coi là điều kiện tiên quyết để kết hôn, thậm chí ở Trung Quốc, ngoài nhà thì còn phải có xe hơi. Chi phí nuôi dạy con cái cũng trở nên đắt đỏ hơn và gánh nặng gia đình, giáo dục đã khiến nhiều người phải ngừng kế hoạch lập gia đình. Tiến sĩ Ye Liu - giảng viên cấp cao tại Viện Lau China thuộc trường King’s College London - cho biết: “Thái độ của giới trẻ Trung Quốc với hôn nhân là mối đe dọa lớn đối với các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang diễn ra dù cho chính phủ nước này đang tìm mọi cách để khuyến khích giới trẻ kết hôn và sinh con”.

Đối với Lee Ye-eun - một sinh viên ở Seoul - tình trạng bất bình đẳng giới tràn lan đã ảnh hưởng đến cách sống của cô. “Tôi sẽ không hẹn hò, không kết hôn và chắc chắn là sẽ không sinh con - ngay cả khi bạn cho tôi tiền”, cô gái 25 tuổi chia sẻ. Lee Ye-eun nói rằng việc chấp nhận cuộc sống độc thân sẽ tạo cho cô và những người trẻ khác các trò tiêu khiển mới. Thời gian cho mình trở nên quý giá hơn và cô hy vọng sẽ tạo ra một cộng đồng gồm những người có cùng chí hướng. Thông qua một ứng dụng dành cho phụ nữ, cô đã tham gia một nhóm để cùng chơi các môn thể thao như leo núi, bóng đá...

Kang Ye-seul - 27 tuổi, sinh viên đại học - cũng quyết định không kết hôn, cô nói rằng cuộc sống độc thân mang lại cho mình nhiều tự do hơn và cho phép theo đuổi các sở thích riêng. “Tôi cảm thấy như đang ở trong một thế giới hoàn toàn khác. Trước đây, tôi luôn khao khát hạnh phúc, tự hỏi nó là gì, dựa trên tiêu chí nào để đánh giá và tò mò về tiêu chuẩn của người khác. Nhưng nay, mỗi ngày trôi qua, tôi đều thấy rất vui và hạnh phúc, thế là đủ”. 

Lệ Chi (theo Guardian, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI