Châu Á: Giới trẻ đổ xô phẫu thuật thẩm mỹ để mong thay đổi cuộc đời

24/01/2022 - 07:02

PNO - Không chỉ Hàn Quốc, giới trẻ nhiều quốc gia châu Á khác cũng chuộng “dao kéo” với mong muốn sở hữu ngoại hình đẹp hơn, có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống cũng như công việc. Chính vì thế, ngày càng nhiều phụ nữ và cả nam giới sẵn sàng phẫu thuật thẩm mỹ.

Nếu trước đây giới trẻ châu Á mà phần lớn là ở Hàn Quốc, Nhật Bản chuộng phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) vì muốn đẹp hơn, chạy theo các chuẩn đẹp mới như mắt to, mũi cao, mặt thon dài, làn da trắng thì giờ đây, xu hướng làm đẹp còn mang một ý nghĩa khác: tìm cơ hội trong công việc.

Bất chấp đại dịch, ngành làm đẹp châu Á vẫn tăng trưởng mạnh
Bất chấp đại dịch, ngành làm đẹp châu Á vẫn tăng trưởng mạnh

“Tôi là dân tỉnh lên thành phố và nhìn chung tôi có ngoại hình không đẹp. Tôi luôn cảm thấy kém cỏi và mất tự tin nên đã tìm đến trung tâm làm đẹp để sửa mũi và tẩy trắng da”, Xia Shurong - một nhà nghiên cứu nam giới, 27 tuổi, người Trung Quốc - cho biết.

Xia Shurong không phải là trường hợp hiếm hoi khi ngày càng có nhiều nam giới có học thức ở Trung Quốc lựa chọn PTTM để mang lại lợi thế trong cuộc sống của họ. Theo iResearch (công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường, cung cấp dịch vụ kinh doanh trực tuyến tại Trung Quốc), khoảng 17% nam giới trưởng thành ở Trung Quốc đã từng tìm đến PTTM và đại đa số thực hiện thủ thuật đầu tiên trước tuổi 30.

Theo các bác sĩ thẩm mỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, phần lớn người trẻ chọn tái tạo mắt và mũi. “Họ nâng mũi và cắt mắt là nhiều. Một nhóm khác thì muốn chỉnh sửa sao cho gương mặt trở nên thanh lịch, dễ nhìn. Phẫu thuật có thể thay đổi nét mặt và điều này rất tốt cho các mối quan hệ với xã hội, bởi vẻ ngoài kém cỏi có thể đồng nghĩa với việc bỏ lỡ các cơ hội làm việc và kiếm tiền tốt cho bản thân”, tiến sĩ Xia Zhengyi - giám đốc một trung tâm làm đẹp ở Bắc Kinh - cho biết.

Trong khi đó, khi bước vào mùa đông, học sinh trung học ở Hàn Quốc lại đổ xô đến các trung tâm thẩm mỹ tranh thủ “thay đổi ngoại hình”. Điều đáng nói, nếu như trước đây, nhiều phụ huynh không ủng hộ kế hoạch dao kéo để thay đổi ngoại hình của con thì nay họ thậm chí còn hỗ trợ tìm địa chỉ uy tín cho con. 

Theo bác sĩ Hur Wu-jin tại quận Gangnam, nhiều người coi năm cuối cấp, sinh viên năm thứ tư hoặc ngay trước khi đi làm là thời điểm lý tưởng để thay đổi ngoại hình. Bởi đây là thời điểm một người sẽ chuyển từ nhóm xã hội này sang nhóm xã hội khác nên họ có thể tránh được sự chú ý sau khi phẫu thuật. Ngoài ra, sở dĩ nhiều người chọn mùa đông là “thời điểm vàng” để PTTM vì sau kỳ nghỉ này, những người làm phẫu thuật sẽ có thời gian phục hồi và việc chỉnh sửa sẽ trông đẹp tự nhiên hơn.

Vốn được xem là “kinh đô làm đẹp”, doanh thu của các trung tâm làm đẹp ở xứ kim chi không chỉ từ trong nước mà còn từ khách hàng ở nhiều quốc gia khác khi làn sóng du lịch làm đẹp nở rộ. Đến khi đại dịch bùng nổ, cứ ngỡ nguồn thu từ ngành công nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng như bao ngành khác nhưng, ngược lại nó đã chứng kiến một đợt tăng trưởng mạnh, nhất là vào năm 2020. Theo Gangnam Unni - nền tảng PTTM trực tuyến lớn Hàn Quốc - ngành công nghiệp này ước tính có giá trị khoảng 10,7 tỷ USD vào năm 2020, tăng 9,2% so với năm 2019 và tăng hơn 11,8 tỷ USD trong năm 2021.

Riêng tại Trung Quốc, sau một thập kỷ kể từ năm 2012, PTTM ở nước này từ điều cấm kỵ thành cơn sốt trong giới trẻ. Năm 2020, có 5.150 cơ sở thẩm mỹ y khoa mới được mở tại nước này bất chấp đại dịch, đẩy quy mô thị trường phẫu thuật làm đẹp của Trung Quốc vượt qua con số 30,5 tỷ USD, chiếm 17% thị phần toàn cầu. Theo ước tính của Hiệp hội Thẩm mỹ Trung Quốc, ngành công nghiệp thẩm mỹ nước này sẽ đạt giá trị 46 tỷ USD trong năm nay dù vào năm 2013, chỉ có giá trị khoảng 6,5 tỷ USD. 

 Thu Thanh (theo AFP, SCMP, Korea Times)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI