Châu Á đang “nín thở” trước “cơn bão” dữ dội Omicron

29/12/2021 - 22:04

PNO - Châu Á không còn là thành trì vững chắc trước sự tấn công của biến thể mới Omicron khi số ca mắc đang tăng lên mỗi ngày và không có dấu hiệu dừng lại ở nhiều nước trong khu vực.

Theo quan sát và đánh giá của các chuyên gia y tế thì châu Á, nơi có dân số đông nhất địa cầu, đang phải căng mình chuẩn bị cho sự xâm nhập không thể tránh khỏi của Omicron.

Người dân các nước châu Á đang đối mặt với nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể Omicron - Ảnh: Eugene Hoshiko/AP
Người dân các nước châu Á đang đối mặt với nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể Omicron - Ảnh: Eugene Hoshiko/AP

Nỗi ám ảnh mang tên Omicron ở các quốc gia châu Á

Khách quan mà nói, những quy định cách ly khắt khe đối với khách quốc tế nhập cảnh cùng với việc đeo khẩu trang phổ biến đã và đang giúp làm chậm lại sự lây lan của biến thể mới này tại châu Á. Một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đang nhanh chóng tái áp dụng các quy định phòng dịch đối với du khách nhập cảnh vào nước mình sau vài tuần nới lỏng để thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, không vì vậy mà số ca mắc COVID-19 ở các nước châu Á giảm đi. Ngược lại, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về khả năng gia tăng số ca mắc mới, sẽ hết sức đáng lo ngại trong những tháng sắp tới, nhất là khi ngày càng có nhiều báo cáo cho thấy tính hiệu quả của vắc xin COVID-19, nhất là các loại vắc xin do Trung Quốc sản xuất, là rất thấp đối với biến thể mới Omicron.

Ở Ấn Độ, nơi đang dần quay trở lại cuộc sống bình thường mới sau đợt thảm họa COVID-19 diện rộng cướp đi hàng triệu sinh mạng của người dân hồi đầu năm nay, giờ đây cũng đang phải “nín thở” khi biến thể Omicron quay trở lại quốc gia tỷ dân này với hơn 700 ca mắc cho đến thời điểm hiện tại.

Ấn Độ đang phải khẩn trương tăng cường trang thiết bị y tế cho hệ thống bệnh viện trước nguy cơ biến thể Omicron tấn công quốc gia tỷ dân này - Ảnh: Altaf Qadri/AP
Ấn Độ đang phải khẩn trương tăng cường trang thiết bị y tế cho hệ thống bệnh viện trước nguy cơ biến thể Omicron tấn công quốc gia tỷ dân này - Ảnh: Altaf Qadri/AP

Thủ đô New Delhi đã ra lệnh cấm mọi hoạt động tụ tập đông người dịp Giáng sinh và Năm mới cùng với lệnh giới nghiêm và yêu cầu tiêm vắc xin được đưa ra ở nhiều địa phương khác trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi người dân đều tuân thủ và chấp hành quy định phòng chống dịch của chính phủ Ấn Độ.

“Nhiều người vẫn tỏ ra chủ quan với dịch bệnh. Họ không đeo khẩu trang khiến tôi rất sợ”, anh Mahesh Kumar, một tài xế taxi ở New Delhi nói. “Tôi phải đi làm để kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng nếu chẳng may nhiễm bệnh thì ai sẽ lo cho vợ con tôi?”.

Với nước Úc, tình hình đang trở nên ngày càng nghiêm trọng với số ca mắc COVID-19 do biến chủng mới đang tăng lên mỗi ngày khiến một quan chức cấp bang phải thốt lên đầy lo lắng: “Omicron đang di chuyển với tốc độ nhanh một cách đáng ngại”. Thái Lan cũng không khá hơn khi vừa đạt đỉnh 700 ca, Hàn Quốc với hơn 500 ca và Nhật Bản xác nhận đã có hơn 300 ca mắc mới. Kể cả Trung Quốc nơi được cho là đang áp dụng những biện pháp kiểm soát dịch khắt khe nhất thế giới cũng đã ghi nhận ít nhất 8 ca nhiễm mới đây.

“Chúng tôi rất muốn tin rằng, triệu chứng của Omicron gây ra cho người mắc có thể nhẹ. Tuy nhiên, với tốc độ lây lan nhanh khủng khiếp của nó thì số lượng người nhiễm gia tăng với cấp số nhân dẫn đến tình trạng quá tải của bệnh viện và hệ thống y tế”, một quan chức y tế Nhật Bản nhận xét.

Nhật Bản đề cao cảnh giác trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron - Ảnh: Koji Sasahara/AP
Nhật Bản đề cao cảnh giác trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron - Ảnh: Koji Sasahara/AP

Mũi tiêm tăng cường và mối lo vắc xin Trung Quốc

Đài Loan, nơi việc đeo khẩu trang gần như là điều hiển nhiên của người dân khi ra khỏi nhà, cũng đang bắt đầu chạy đua với việc tiêm mũi vắc xin tăng cường cho dân chúng. Đài Loan đặt mục tiêu tất cả công dân đều được tiêm vắc xin đầy đủ trước khi đón Tết Âm lịch vào cuối tháng 1/2022.

Các nghiên cứu cho đến nay đều chứng minh tính hiệu quả của mũi tiêm tăng cường đối với vắc xin Pfizer, AstraZeneca và Moderna trước biến chủng Omicron. Tuy nhiên, một nghiên cứu do Đại học Hồng Kông vừa mới công bố cho thấy vắc xin Sinovac của Trung Quốc không tạo đủ kháng thể để cơ thể con người chống lại được biến thể Omicron, kể cả khi tiêm mũi tiêm tăng cường.

Điều này khiến một số quốc gia trước đây dựa vào nguồn vắc xin do Trung Quốc cung cấp đang phải khẩn trương chuyển sang các loại vắc xin khác để tiêm mũi tăng cường cho người dân của mình.

Một nhân viên y tế Thái Lan đang được tiêm mũi tiêm tăng cường bằng vắc xin AstraZeneca. Trước đó, phần lớn người dân nước này được tiêm vắc xin Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc - Ảnh: Sakchai Lalit/
Một nhân viên y tế Thái Lan đang được tiêm mũi tiêm tăng cường bằng vắc xin AstraZeneca. Trước đó, phần lớn người dân nước này được tiêm vắc xin Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc - Ảnh: Sakchai Lalit/AP

Chẳng hạn như Thái Lan, vốn sử dụng phần lớn vắc xin Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc trước đó, giờ đây đang đề nghị tiêm mũi tăng cường cho người dân bằng vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer. Với Indonesia, nơi vắc xin Sinovac được tiêm cho 270 triệu dân thì đang khẩn trương tiêm mũi tăng cường bằng vắc xin Moderna, trước mắt là cho đội ngũ nhân viên y tế.

Mặc dù số ca mắc COVID-19 không cao, nhưng chính sách Zero COVID-19 của Trung Quốc đang khiến nhiều người dân rơi vào cảnh thiếu lương thực và thực phẩm - Ảnh: Ng Han Guan/AP
Mặc dù số ca mắc COVID-19 không cao, nhưng chính sách "Zero COVID-19" của Trung Quốc đang khiến nhiều người dân rơi vào cảnh thiếu lương thực và thực phẩm - Ảnh: Ng Han Guan/AP

Nguyễn Thuận (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI