Châu Á có cơ hội cải tạo nguồn lợi biển sau đại dịch

15/05/2020 - 05:40

PNO - Các đại dương có thể phục hồi do đại dịch COVID-19, nhưng cần có sự quyết tâm hành động vì môi trường và nguồn lợi biển.

Việc ngừng hoạt động tạm thời do đại dịch COVID-19 có thể đem lại cho các đại dương mong manh cơ hội để phục hồi, nếu chính phủ, người dân và những tổ chức liên quan quyết tâm hành động vì môi trường và nguồn lợi biển.

Báo cáo đầy hứa hẹn 

Trong suốt nhiều tháng hạn chế hoạt động của con người, trữ lượng thủy sản phần nào phục hồi, lượng khí thải carbon giảm bớt và công nghệ thân thiện môi trường được thúc đẩy. Theo báo cáo mới - công bố bởi Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hiệp quốc về châu Á và Thái Bình Dương (UNESCAP) ngày 13/5, hiện tại châu Á có cơ hội để tạo ra tương lai mới sau đại dịch, xây dựng dựa trên tính bền vững và khả năng phục hồi cho các đại dương.

Các cộng đồng đánh cá ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Ảnh: Mediacorp
Các cộng đồng đánh cá ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Ảnh: Mediacorp

Thư ký điều hành UNESCAP - bà Armida Salsiah Alisjahbana - nói với kênh CNA: "Châu Á và Thái Bình Dương không thể tồn tại mà không có đại dương. Điều này có nghĩa là tất cả các quốc gia phải tập hợp các nguồn lực và cam kết cùng nhau chống lại các mối đe dọa trên biển. Chúng ta cần phải hành động để thay đổi hoàn toàn, từ cá nhân đến chính phủ".

Biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức và ô nhiễm biển nổi lên như những thách thức lớn nhất trong việc ngăn chặn sự suy thoái của đại dương. Các đại dương quanh khu vực đang chứng kiến độ pH và ô-xy giảm, mực nước biển tăng, nhiệt độ trung bình ấm hơn và môi trường sống chính của thủy sản như các rạn san hô, rừng ngập mặn ven biển tiếp tục giảm dần diện tích. Những điều này đem đến rủi ro bất lợi cho đa dạng sinh học và cũng khiến vô số cộng đồng sống dựa vào đại dương có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.

Thiếu dữ liệu về “sức khỏe” của biển

Vùng biển châu Á tấp nập nhất trên thế giới vì sở hữu các tuyến đường vận chuyển hàng hóa toàn cầu lớn, đồng thời hơn 60% sản lượng cá đánh bắt trên biển của thế giới đến từ châu Á và Thái Bình Dương. Lượng khí thải carbon từ vận chuyển quốc tế được Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF dự báo sẽ tăng tới 250% vào năm 2050. Dù các quy định, công nghệ mới dự kiến sẽ giảm sự gia tăng đó, việc chuyển đổi sang vận chuyển “xanh” vẫn là một thách thức.

Trong khi đó, có những lo ngại về ngành công nghiệp đánh bắt cá giữa đại dịch COVID-19; đáng chú ý hơn cả là sức khỏe và phúc lợi của các cộng đồng ven biển khi nhu cầu thị trường sụt giảm, hạn chế thương mại, gia tăng các hoạt động bất hợp pháp. Dù vậy, sự hiểu biết và quá trình đưa ra giải pháp đang bị cản trở bởi việc thiếu dữ liệu cần thiết về đại dương, đặc biệt là số liệu về bảo vệ môi trường theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững - vốn được Liên hiệp quốc mô tả như “kế hoạch hành động cho người dân, hành tinh và sự thịnh vượng”. 

Cải tạo biển

Những lợi ích trực quan từ việc giảm hoạt động của con người ở vùng biển Đông Nam Á thể hiện rõ trong những tuần gần đây, với nhiều báo cáo về sự xuất hiện trở lại của các loài động vật hoang dã, bao gồm cá heo, cá voi và dugong ở Thái Lan, Malaysia.

Tín hiệu khả quan trên trùng với kế hoạch của chính phủ Thái Lan nhằm thực hiện các giai đoạn đóng cửa bắt buộc đối với những công viên quốc gia từ 1-2 tháng mỗi năm, tạo điều kiện phục hồi tự nhiên. Động thái này dự kiến mở rộng tới 133 công viên quốc gia, theo tiền lệ đóng cửa và phục hồi liên tục của địa điểm du lịch nổi tiếng Maya Bay ở miền nam Thái Lan. Một số lượng lớn cá mập rạn san hô đã trở lại vùng nước trong của vịnh ngay sau khi các hoạt động du lịch dừng lại. Theo tiến sĩ Thon Thamrongnawasaw - nhà khoa học và giảng viên nổi tiếng tại Đại học Kasetsart (Thái Lan), thời gian ngừng hoạt động này được chứng minh là cơ hội hiếm hoi để tự nhiên phục hồi. 

Ngọc Hạ (theo Channel News Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI