Châu Á chưa thể lơ là trước Omicron

23/02/2022 - 07:30

PNO - Trong khi các nước châu Âu dỡ bỏ những hạn chế phòng dịch cuối cùng thì châu Á đang bùng nổ những ca nhiễm mới. Điều này cho thấy, đại dịch vẫn còn đó và sự lơ là có thể mang đến những nguy hại.

Vẫn oằn mình chống dịch

Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan… đang chứng kiến sự gia tăng ca nhiễm khi biến thể Omicron càn quét. Gần đây, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trên dưới 100.000 ca/ngày. Hôm 21/2, Thái Lan đã nâng cấp độ cảnh báo dịch lên mức bốn (sát mức cao nhất) khi số ca nhiễm và tử vong tăng. Còn Hồng Kông đang đứng trong tâm dịch khi ca nhiễm tăng mỗi ngày, bệnh viện quá tải… 

Theo các cơ quan y tế, vì nhiều lý do, tỷ lệ tiêm vắc-xin ít nhất một mũi ở những người cao niên từ 80 tuổi trở lên tại Hồng Kông mới chỉ đạt có 43%. Tiến sĩ Karen Grepin - phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Hồng Kông - cho rằng dù tỷ lệ này đã tăng thêm 22% vào đầu tháng Giêng nhưng vẫn chưa đủ để bảo vệ nhóm dân số có nguy cơ cao nhất. 

Các bệnh viện ở Hồng Kông (Trung Quốc) đang quá tải và không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân - ẢNH: REUTERS
Các bệnh viện ở Hồng Kông (Trung Quốc) đang quá tải và không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân - ẢNH: REUTERS

Riêng Thái Lan, tuy du lịch đã mở nhưng sự gia tăng ca nhiễm khiến chính phủ nước này phải đưa ra những cảnh báo. Người phát ngôn Bộ Y tế Rungrueng Kijphati cho biết: Theo Trung tâm Điều hành khẩn cấp (EOC), các cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới, ca nặng và các trường hợp tử vong tiếp tục gia tăng, nguy cơ lây nhiễm ngày càng tăng ở các nhóm gia đình và những người thân quen do tham gia các hoạt động tập thể. Ông Rungrueng thông tin các cá nhân thuộc những nhóm có nguy cơ - bao gồm người cao tuổi, người có bệnh nền và người chưa được tiêm phòng - vẫn chiếm phần lớn các trường hợp tử vong.

Tự bảo vệ mình

Theo các chuyên gia y tế thế giới, đại dịch vẫn còn đó, tình trạng tái nhiễm không còn là chuyện hiếm nên việc mỗi người chú trọng bảo vệ mình trong bối cảnh hiện nay là điều cần thiết. Theo bà Apisamai Srirangson - phát ngôn viên của Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 Thái Lan - sắp tới, quốc gia này sẽ không áp đặt lại phong tỏa mà chỉ khuyến khích người dân làm việc tại nhà, tránh việc đi lại liên tỉnh không cần thiết, tạm dừng các chuyến đi nước ngoài, đóng cửa các địa điểm có nguy cơ và tránh tụ tập đông người. 

Trong khi đó, mặc dù gỡ bỏ mọi quy định phòng dịch, thậm chí F0 không cần cách ly nhưng Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 21/2 vẫn phải thừa nhận rằng, khả năng xuất hiện các biến thể mới và tình trạng nguy hiểm vẫn còn ở phía trước. Đồng thời, ông khẳng định quyết định nói trên là “chuyển các hạn chế từ theo quy định của chính phủ sang trách nhiệm cá nhân”. 

Một số nhà khoa học Anh, Mỹ cho biết việc loại bỏ tất cả hạn chế ở một số quốc gia là động thái rủi ro, có thể gây ra sự gia tăng dịch bệnh và làm suy yếu khả năng phòng thủ trước các chủng nguy hiểm hơn trong tương lai. Chris Whitty - Giám đốc Y tế của Anh - cho biết tỷ lệ lưu hành vi-rút vẫn ở mức “rất cao” và kêu gọi mọi người tiếp tục tự cách ly nếu mắc COVID-19 theo tinh thần “hãy vì người khác, đừng để họ nhiễm bệnh”. Giáo sư Trish Greenhalgh - chuyên gia về các dịch vụ y tế chăm sóc ban đầu tại Đại học Oxford - lưu ý: “Học cách sống chung với COVID-19 không có nghĩa là quên rằng vi-rút vẫn tồn tại hoặc nghĩ rằng nó không còn nguy hiểm nữa”. 

 Lệ Chi (theo AFP, Korea Times, Bangkok Times, ABC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI