Vấn nạn thực phẩm bẩn gây ung thư
Phát biểu tại Diễn đàn Y tế châu Á tại Singapore, ông Richard Horton, tổng biên tập tạp chí y tế Lancet của Anh cảnh báo, châu Á - hiện đã chiếm phần lớn các ca ung thư gan và dạ dày, có thể chiếm 58% số ca ung thư của thế giới vào năm 2020.
Hơn thế nữa, cũng nói về vấn đề này, ông Donald Maxwell Parkin, một chuyên gia nghiên cứu tại ĐH Oxford (Anh) cũng khẳng định rằng châu Á có thể chiếm 65% ca mắc bệnh ung thư vào năm 2050.
Tiếp tục trao đổi trước thông tin trên, nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhấn mạnh: "Lời cảnh báo của các nhà khoa học cho khu vực châu Á thì cũng là lời cảnh báo dành cho VN, để cho chúng ta biết rằng việc ngăn chặn bệnh ung thư là việc làm thường xuyên, chứ không phải một - hai lần là xong".
Ông Vinh lật lại vấn đề: "Như trước đây tôi đã từng nói con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế. Hàng năm có hàng nghìn cái chết được dự báo trước.
Tôi ghi nhận sau khi lên tiếng thì cũng đã có nhiều đoàn kiểm tra về thực phẩm tiến hành làm việc và kể cả các chợ, lò mổ. Sau đó một số Bộ ngành đã vào cuộc, nhân dân đã tẩy chay những thực phẩm bẩn và người ta cũng đã nghĩ đến sức khỏe".
Ông đánh giá, việc này đã có tác động mạnh mẽ đến việc sản xuất thực phẩm bẩn nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Vì vậy, thực trạng bệnh nhân ung thư tăng lên một cách nhanh chóng.
Vị ĐBQH cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc có nhiều người chết vì ung thư hàng năm đó là thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguyên nhân nữa gây ra ung thư như như biến đổi khí hậu, môi trường sống bị ô nhiễm hay một số bệnh tật khác nó phát sinh.
Theo ông Vinh, hiện nay có thực thế, gia súc sạch thì nuôi riêng, rau sạch thì trồng riêng cho gia đình mình ăn, còn những thực phẩm bỏ hóa chất, phun thuốc trừ sâu thì đưa ra thị trường để bán.
|
Vị ĐBQH cho rằng chính người Việt đang tự đầu độc người Việt. Ảnh: Internet |
Hành động đó là giết dần giết mòn người dân và ảnh hưởng cả cho thế hệ sau. Qua đây cũng để thấy toàn người Việt tự hại người Việt, tự giết chết lẫn nhau, quá đau xót.
Đánh giá thêm về nguyên nhân gây ung thư, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, có đến 80% nguyên nhân gây ung thư là do môi trường bên ngoài. Trong đó, thức ăn, ô nhiễm thực phẩm là tác nhân gây nên 40% ca ung thư.
"Hiện nay, tỷ lệ ung thư của Việt Nam được đánh giá là cao nhất thế giới mà nguyên nhân bị nghi ngờ là do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hàng ngày. Bản thân tôi thì cũng không có các số liệu về các thống kê, nhưng nghe thì thấy nói như vậy, mà nghe xong thì vừa lo, vừa sợ", vị chuyên gia xót xa.
Theo PGS.TS Thịnh, đã xuất hiện ngày càng nhiều mối nguy gây mất an toàn thực phẩm do người sản xuất chủ động đưa các chất cấm vào vật nuôi, cây trồng và thực phẩm để kiếm lợi cho riêng mình.
Vị chuyên gia dẫn chứng, ví dụ như nhúng hóa chất để chuối chín nhanh, vàng đều, tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi vận chuyển, sử dụng salbutamol (gây hại thần kinh) để tạo nạc trong chăn nuôi lợn;...những chất này khi ăn vào rất dễ gây ung thư.
"Chính vì thế, người dân ăn gì cũng bệnh, rau thì phun thuốc trừ sâu, còn thịt thì thấm những chất bảo quản. Tất cả các thứ mà chúng ta đang dùng hiện nay hầu hết là bẩn, chúng ta đều biết chuyện đó, nhưng bởi vì nhu cầu sinh tồn nên chúng ta không thể không dùng được. Vấn đề là dùng ít hay dùng nhiều thôi”, ông thẳng thắn đánh giá.
Phải làm rõ trách nhiệm
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhìn nhận, vì lợi nhuận, lợi ích cá nhân mà chính người Việt tự giết mình, giết chết lẫn nhau. Không biết những người sản xuất, người bán hàng họ thờ ơ hay vì thiếu hiểu biết. Rõ ràng là họ đang tự giết mình, giết xã hội, làm thui chột nòi giống mình.
"Bộ Y tế là Bộ quản lý về sức khoẻ nhưng thường là phần ngọn. Bộ NN-PTNT có vai trò rất quan trọng, vì vấn đề lương thực, thực phẩm độc hại phải được quản lý tốt hơn nữa, còn khi lên tới bàn ăn rồi thì rất khó.
Hay Bộ TN-MT cũng vậy với tình trạng xả thải những chất gây ô nhiễm ra môi trường, cũng phải có trách nhiệm làm tốt hơn nữa, không thể để cho tồn tại hàng loạt các dự án như Formosa Hà Tĩnh.
Phải kể đến Bộ GD-ĐT, phải giáo dục từ khi là một đứa trẻ con, biết tự trọng, biết tôn trọng luật pháp và giữ gìn sức khoẻ cộng đồng.
Cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm chung thì tôi nghĩ, đó là Chính phủ. Tuy nhiên, vừa rồi ta nói đến chuyện người Việt Nam đang tự đầu độc lẫn nhau. Thế thì, nếu các Bộ dù có chính sách tốt nhưng không chuyển được thành hành động, đến từng người dân, từng gia đình phải có ý thức phòng bệnh giữ gìn cho tương lai, thì sẽ khó mà chống được tốc độ tăng ung thư.
Nói chung tất cả mọi biện pháp của chúng ta nó chỉ là hình thức, chỉ là lâu đài lộng lẫy, nguy nga nhưng bên trong thì trống rỗng, mọi biện pháp mới chỉ là trên giấy, là lời nói chứ chưa thành hành động", ông Thịnh phân tích.
Hoàng Nam