ChatGPT: Thay vì sợ hãi, nên tiếp cận và sử dụng hiệu quả nó

15/02/2023 - 20:54

PNO - Tiếp cận nhanh chóng và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách hiệu quả là điều chúng ta cần làm thay vì phải lo lắng, sợ hãi tác động xấu của AI.

ChatGPT đạt được 1 triệu người dùng trong 5 ngày. Tính đến ngày 2/2/2023 đã có 100 triệu người dùng trên toàn thế giới. Tôi là 1 trong số đó. Chủ yếu vì tò mò, ChatGPT là gì mà làm xôn xao dư luận?

Tìm hiểu trên mạng tôi được biết, “ChatGPT có thể được hiểu đơn giản là một AI”, “ChatGPT có thể trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà bạn đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì. Bên cạnh đó, ChatGPT còn có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế và thậm chí là cả sửa lỗi trong lập trình”.

Tuần trước tôi thử đưa ra những câu hỏi kiến thức phổ thông như: Tố Hữu, Xuân Diệu, Lý Nam đế là ai? ChatGPT trả lời sai bét. Hỏi về 3 định luật Newton cũng không có lời giải đáp thỏa đáng. Xem ra chưa có thể dùng ChatGPT thay cho Google ít ra trong nền tảng tiếng Việt.

Sáng nay, tôi lại dùng câu hỏi Tố Hữu là ai, ChatGPT đã trả lời: "Tố Hữu là bút danh của nhà thơ Nguyễn Kim Thành (1920-2002), một nhà thơ, nhà văn và nhà cách mạng Việt Nam. Đến câu hỏi về 3 định luật Newton, câu trả lời có thể sử dụng được. Nhưng với những câu hỏi sâu thêm như các tác phẩm của nhà thơ Tố Hữu thì ChatGPT lại không trả lời đúng. Khổ nỗi câu trả lời của nó rất khẳng định: “ Ông là một trong những nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam, được biết đến với các tác phẩm nổi tiếng như "Nhật ký trong tù", "Đất nước", "Tiếng chuông Việt Nam" và "Bến khát".  

Tôi không rõ ChatGPT "học" với thầy nào và tài liệu nào, nhưng đã có sự tiến bộ sau 1 tuần. Không biết đến bao giờ “anh ta” hoàn thiện đến mức có thể thay thế Google trong việc tìm kiếm những câu trả lời cần thiết cho người sử dụng.

Trong khoảng 30 năm gần đây, sự tiến bộ trong viễn thông và công nghệ thông tin đã thay đổi sâu sắc đời sống chúng ta. Tuy vậy vẫn có nhiều điều chúng ta cần phải lưu ý.

Trước tiên một bộ phận người dân, nhất là những người lớn tuổi, không theo kịp với các công nghệ thông tin mới. Họ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu chính bản thân họ không thiết tha cập nhật công cụ mới hay không được những người trẻ quan tâm hướng dẫn.

Tiếp theo là nguy cơ bị các nước lớn thống trị thông tin. Dù AI thông minh đến đâu cũng cần phải cung cấp dữ liệu. Bằng sức mạnh thông tin của mình các nước lớn có ưu thế đưa tài liệu có lợi cho mình để các AI tự học. Lúc đó người dùng sẽ nhận được những đáp án theo mong muốn của họ trước các câu hỏi nhạy cảm có nhiều cách trả lời. Dần dà người ta chỉ tin vào điều mà các nước lớn muốn.

Cuối cùng AI đưa chúng ta lệ thuộc hoàn toàn vào nó. Nhưng AI chỉ có thể hoạt động khi được cung cấp năng lượng và kết nối dữ liệu. Một sự trục trặc như mất điện, rớt đường truyền, tùy theo quy mô sự cố, sẽ đưa một bộ phận, một khu vực hoặc cả một quốc gia tê liệt khi mà con người không còn có thể làm việc thiếu AI.

Có rất nhiều đắn đo ngay từ khi chuyển đổi chiến lược thông tin quốc gia từ phát triển theo hướng tổng đài cơ hay tổng đài điện tử, hoặc hạn chế hay không hạn chế việc sử dụng mạng internet. Việt Nam đã chọn con đường hòa nhập toàn diện với đời sống quốc tế và không để bị hòa tan. Ba chục năm qua người dân Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với sự tiến bộ của thế giới. Điện thoại di động rồi điện thoại thông minh. Truyền hình cáp thay rừng ăng ten khắp các đô thị. Mạng xã hội sống chung với các kênh thông tin truyền thống. Và bây giờ đến AI. Tiếp cận nhanh chóng và sử dụng nó một cách hiệu quả là cái chúng ta cần làm hiện nay thay vì phải lo lắng sợ hãi tác động xấu của trí tuệ nhân tạo (AI).

Nguyễn Thu Đăng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI