ChatGPT có thể truyền bá hiệu quả văn hóa Việt Nam

27/02/2023 - 15:27

PNO - Việt Nam cần xây dựng được công cụ trợ lý ảo, chẳng hạn như ChatGPT để có thể đối thoại, hỏi đáp, truyền bá văn hóa Việt.

 

Hội thảo cấp quốc gia 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam tổ chức sáng nay, 27/2

Hội thảo cấp quốc gia "80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam" tổ chức sáng nay, 27/2

Thu hẹp khoảng cách tiếp cận văn hóa nhờ công nghệ

Sáng 27/2, tại Hội thảo cấp quốc gia “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, văn hóa dân tộc đang có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số. Với tinh thần đại chúng hóa, Việt Nam đang nỗ lực đưa văn hóa phát triển trên đa nền tảng, đến được với mọi tầng lớp nhân dân.

"Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội đại chúng hóa văn hóa, thu hẹp khoảng cách tiếp cận, hưởng thụ văn hóa như hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Một trong những xu hướng tiếp cận văn hóa phổ biến hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là hỏi – đáp, tức là cần thông tin gì sẽ đặt câu hỏi. Vì lẽ đó, chúng ta cần xây dựng được công cụ trợ lý ảo, ví dụ như ChatGPT chuyên về văn hóa Việt Nam. Từ đó, mọi công dân Việt Nam, bạn bè quốc tế có cơ hội được vào đối thoại, học hỏi, mở mang hiểu biết mọi lúc, mọi nơi. Đây là cách thức truyền bá văn hóa Việt Nam nhanh, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng cho rằng, văn hóa muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hóa đủ mạnh. Việt Nam có thể nghiên cứu, cho ra đời thêm một sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm văn hóa, để giúp phát triển các ngành công nghiệp, thị trường văn hóa.

Bộ trưởng khẳng định, những điều này sẽ góp phần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (2021), đó là “xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế, xã hội và không gian số sẽ giúp văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4".

Cần chấn chỉnh văn hóa mạng

Ông Bùi Hoài Sơn

Ông Bùi Hoài Sơn lưu ý về vấn đề văn hóa mạng đang có nhiều phức tạp, hỗn loạn trong bối cảnh hiện nay

Trao đổi bên hành lang của Hội thảo khoa học “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam”, ông Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, trong bối cảnh mới, bên cạnh các nguyên tắc về dân tộc, khoa học, đại chúng… của Đề cương văn hóa năm 1943, chúng ta phải có những bổ sung, làm mới, gia tăng thêm về nội hàm cho Đề cương.

Ví dụ như các nguyên tắc như dân tộc – nội hàm của giá trị này cũng phải thích nghi với xã hội mới. Ở đó, dân tộc không chỉ là yêu nước, dành độc lập cho dân tộc, mà còn thể hiện trong kinh tế, khoa học công nghệ, thể thao, trong bất cứ lĩnh vực nào khác để tạo ra uy tín, hình ảnh đẹp tích cực về đất nước, con người Việt Nam.

Đặc biệt, ông Bùi Hoài Sơn chỉ ra, văn hóa trên mạng là vấn đề mới, phức tạp. “Từ trước giờ chúng ta quen ứng xử với văn hóa ngoài đời thực, có rất nhiều kinh nghiệm đối với xử lý văn hóa ngoài đời thực, nhưng những vấn đề trên mạng lại khó khăn hơn nhiều. Mạng là môi trường mở, nhiều người cho là ẩn danh, nên sự phức tạp, hỗn loạn là có thật. Đó là lý do vì sao có sự chấn chỉnh về văn hóa mạng, trên cơ sở đó để điều tiết các hành vi trên môi trường mạng”, ông nói.

Thời gian qua, theo ông Bùi Hoài Sơn, Việt Nam đã ban hành luật an ninh mạng, có bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng… Nhưng dường như những quy định này chưa đáp ứng được sự phức tạp, phong phú của môi trường mạng, vì còn nhiều trường hợp lệch chuẩn, tiêu cực đang diễn ra.

Vì vậy, ông lưu ý, cần nghĩ nhiều hơn tới việc ban hành các quy định pháp luật, định hướng dư luận xã hội, hành vi ứng xử trên môi trường mạng. Điều này sẽ giúp cho môi trường mạng an toàn, lành mạnh và đóng góp sự phát triển của môi trường văn hóa chung.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI