Xin trích đăng để chia sẻ với bạn đọc của Hạnh Dung một phần cuộc trò chuyện, cũng là phần câu chuyện đang hiện hữu ở rất nhiều nơi…
|
Mời bạn đọc chia sẻ cùng Hạnh Dung nỗi lòng của mình |
(...)
Thái An: Chuyện đã hơn nửa năm mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Đêm nào văn phòng cũng chỉ có cô ấy và sếp…
Hạnh Dung: Có phải em lo sợ những tin nhắn tán tỉnh của vị sếp kia sẽ trở thành hành động?
Thái An: Một phần là vậy. Phần nhiều khác là ngay cả khi ông ấy không làm gì, vợ sắp cưới của em vẫn thấy sợ hãi, thấy bị chà đạp. Cô ấy không thể nói thẳng với sếp, cũng chưa thể bỏ việc lúc này.
Hạnh Dung: Trong những tin nhắn em chuyển tiếp, Hạnh Dung thấy vị sếp kia đã nhiều lần tán tỉnh, khen ngợi thân thể, mời gọi đi chơi riêng. Không biết bạn gái em đã trả lời thế nào?
Thái An: Khi sếp mời đi chơi thì cô ấy lịch sự từ chối. Sếp tán tỉnh, khen tóc, khen cổ và gáy thì cô ấy ngắn gọn nhắn cảm ơn. Tin nhắn nào quá nhạy cảm thì cô ấy không trả lời. Cô ấy kể với vài chị đồng nghiệp. Tất cả đều sốc và hay hỏi thăm, nhưng họ không hóa giải được cảm giác khủng hoảng vì bị xúc phạm nhân phẩm. Em cảm thấy rất bất lực vì mình ở quá xa, không giúp được gì cho cô ấy.
Hạnh Dung: Nếu đang ở ngay bên cạnh, em sẽ làm gì để giúp cô ấy?
Thái An: Em cũng chưa nghĩ ra mình sẽ làm gì. Tụi em có một rào cản nữa là người quấy rối lại là sếp của cô ấy. Từ khi ra trường, cô ấy đã gắn bó và thăng tiến trong công ty đó. Đó là công việc mà cô ấy rất đam mê. Nếu giải quyết không khéo thì chuyện này sẽ gây ảnh hưởng đến công việc của cô ấy.
Hạnh Dung: Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ này. Đó là vợ sắp cưới của em không sẵn sàng đánh đổi một công việc tốt để thẳng thắn chống lại hành vi quấy rối tình dục, ngay cả khi hành vi đó nhằm vào mình.
Thái An: Cũng không hẳn là vậy. Nếu cần phải lựa chọn giữa công việc và nhân phẩm, tất nhiên cô ấy sẽ chọn nhân phẩm. Nhưng em nghĩ chuyện này chưa đến mức đó. Chỉ là tụi em chưa nghĩ ra cách nào để có thể giải quyết êm đẹp mà không làm ảnh hưởng đến công việc.
Hạnh Dung: Hạnh Dung nghĩ, trước hết vợ sắp cưới của em cần nhắn tin trả lời dứt khoát, thẳng thắn bày tỏ thái độ không đồng ý với hành vi quấy rối của vị sếp kia. Chuyện đã xảy ra nhiều tháng, gây khủng hoảng tâm lý mà chỉ “lịch sự cảm ơn, từ chối” là xem như chưa có hành động phản kháng.
Thái An: Ngay cả việc bày tỏ thái độ với sếp cô ấy, cũng có thể làm ảnh hưởng đến công việc…
Hạnh Dung: Ta không nên nhập nhằng giữa công việc và việc bị quấy rối. Ta nên phân định: một bên là công việc mà cô ấy đam mê, một bên là hành vi quấy rối tình dục khiến cô ấy cảm thấy bị xúc phạm. Hành vi quấy rối chắc chắn phải bị phản kháng và dẹp bỏ. Còn công việc mà ta đam mê? Chắc chắn, nếu đủ yêu quý công việc của mình, vợ sắp cưới của em càng muốn chống lại những điều đang làm vấy bẩn môi trường làm việc của cô ấy. Việc chống lại nó không mâu thuẫn gì với tình yêu công việc cả.
Thái An: Em rất hiểu lời chị Hạnh Dung. Nhưng giả sử, việc phản kháng này có thể khiến cô ấy mất luôn công việc của mình…
Hạnh Dung: Hạnh Dung hiểu, vì hành vi quấy rối đến từ lãnh đạo công ty, nên việc bày tỏ thái độ, dù đúng mực, vẫn có thể phương hại đến quyền lợi của cô ấy. Nhưng, lúc này cả con người cá nhân lẫn con người công việc của cô ấy cần đối diện với hai câu hỏi. Một là, cô ấy có chấp nhận bị xúc phạm nhân phẩm để duy trì quyền lợi không? Hai là, nếu chỉ vì lên tiếng chống lại hành vi quấy rối tình dục mà vẫn có thể bị mất quyền lợi chính đáng, nếu lãnh đạo không thức tỉnh, và công ty không có một quy chế nào để bảo vệ nhân viên bị quấy rối - thì đó có còn là một nơi làm việc mà cô ấy yêu quý nữa không?
Thái An: Em hiểu vấn đề rồi ạ.
Hạnh Dung: Hạnh Dung rất chia sẻ với hai em. Công việc đang tốt thì bị chính lãnh đạo quấy rối tình dục, ai cũng dễ hoang mang, khó xử. Nhưng đừng vội tuyệt vọng và rời bỏ công ty nếu ta chưa một lần lên tiếng chống lại cái xấu trong nó. Để cho chính ta có cơ hội nhìn rõ xem liệu điều xấu xa đó có phải là bản chất bất biến của người đó, nơi đó không. Càng không thể im lặng thỏa hiệp và chấp nhận nó như một thực tế hiển nhiên - vậy là dung túng cho cái xấu.
Vợ sắp cưới của em cần hành động. Nếu không giải quyết được với vị lãnh đạo đó, có thể trình bày với bộ phận có trách nhiệm trong công ty. Khi đã rõ đúng/sai quyền lợi lẫn trách nhiệm của mình trong chuyện này, Hạnh Dung tin cô ấy sẽ đủ mạnh mẽ để vừa bảo vệ mình, vừa góp phần dẹp bỏ cái xấu.
|
Chống lại hành vi quấy rối tình dục nơi công sở không dễ, có khi bạn gái phải chấp nhận mất việc... Ảnh minh họa |
Thái An: Em cảm ơn chị. Là đàn ông, em rất bất bình khi thấy một người đàn ông không tử tế, ung dung làm chuyện trái pháp luật. Trong khi người phụ nữ chỉ muốn yên ổn làm việc, nhưng lại trở thành nạn nhân bị quấy rối, rồi phải sống chung với cảm giác ê chề, rùng rợn. Phải chăng nhân phẩm của phụ nữ quá mong manh, pháp luật chưa đủ sâu sát để giúp đỡ họ?
Hạnh Dung: Nhân phẩm của phụ nữ không nằm ở sự tử tế của đàn ông, em ạ. Nói rộng ra, phẩm giá của một người không phụ thuộc vào sự tử tế của bất kỳ người nào khác. Em hãy giúp bạn đời tương lai của mình hiểu điều này, để đừng đánh mất sự tự tin, đừng “tự bại” trước cái xấu.
Hành vi xúc phạm nhân phẩm cần được chống lại. Mỗi người có thể tự bảo vệ phẩm giá của mình bằng chính hành động cụ thể. Pháp luật và các quy tắc đạo đức trong xã hội luôn hỗ trợ con người làm điều đó.
Trong trường hợp này, các em hãy cho pháp luật (quy chế công ty, quy tắc đạo đức, hay ít nhất là đạo đức của kẻ quấy rối) một cơ hội. Bằng cách từng bước phản kháng, ôn hòa nhưng mạnh mẽ, quyết liệt. Và dĩ nhiên, cũng chuẩn bị cho những thay đổi có thể xảy ra. Phẩm giá và những giá trị bên trong của con người mới là điều đầu tiên và cuối cùng cần gìn giữ.
Trong tình huống xấu nhất, hãy tin rằng thế giới này luôn còn chỗ để con người có phẩm giá và năng lực được làm việc, mà không phải đánh đổi gì cả.
HẠNH DUNG
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.