Chat với AI có đáng sợ không?

03/02/2023 - 06:44

PNO - ChatGPT có thể tài năng, thông minh, giỏi giang nhưng không thể có lòng trắc ẩn, tính chính trực, sự nhạy cảm về văn hóa, định kiến xã hội.

 

Ngày 31/1/2023 đánh dấu cột mốc ChatGPT đạt 100 triệu người dùng trên toàn cầu chỉ sau 2 tháng ra mắt. 

Cần biết rằng, TikTok mất khoảng 9 tháng, Instagram mất 2 năm rưỡi, Google Translate mất hơn 6 năm mới đạt được số người dùng như trên. 

Những ngày qua, ChatGPT cũng gây sốt ở Việt Nam dù loại hộp thoại (chatbot) được điều hành bằng trí thông minh nhân tạo (AI) này chưa sử dụng được. Hiện có hàng chục hội nhóm liên quan đến ChatGPT với hàng trăm ngàn thành viên Việt trên mạng xã hội. Nhiều người đã nói về một kỷ nguyên mới của trí tuệ nhân tạo. 

Nhìn vào những gì mà ChatGPT có thể làm được, nhiều người không khỏi giật mình và dự báo về những tác phẩm văn học do AI viết, những bài báo mà tác giả rất có thể là ChatGPT. 

Ở Mỹ - nơi đóng trụ sở của công ty OpenAI, “cha đẻ” ChatGPT - nhiều trường đại học đã bắt đầu đưa ra những quy định mới nhằm ngăn chặn việc sinh viên sử dụng ChatGPT viết luận văn, báo cáo, làm bài tập. Một số giáo viên cũng lo thất nghiệp khi AI có thể dạy thay họ, một số bác sĩ cũng sợ mọi người dùng ChatGPT để tự thăm khám, kê đơn thuốc cho mình. Luật sư cũng lo AI sẽ thay thế họ, tư vấn chính xác mọi vấn đề pháp lý cho người dùng.

Tôi biết sức mạnh của ChatGPT khi nó đang tự học và sẽ thông minh lên rất nhiều. Nó có thể viết một bài báo như bài báo này hoặc hay hơn bởi nó truy xuất được dữ liệu lớn, vượt qua cả tầm hiểu biết của tôi - tác giả bài viết này. 

Đang dần xuất hiện một viễn cảnh về một thế giới mà ở đó, ChatGPT nói riêng và AI nói chung sẽ làm thay con người mọi thứ. Trí thông minh siêu việt và nguồn dữ liệu lớn tích hợp được giúp AI có thể viết báo, dạy trẻ tốt hơn, chẩn đoán và tiên lượng bệnh chính xác hơn con người. Nỗi sợ AI là có thật và khả năng AI loại bỏ nhiều công việc từng do con người đảm trách là có thật.

Nhưng, tôi tin rằng, ChatGPT sẽ chỉ thay thế được những bài báo vô cảm, những người sáng tạo nội dung nhằm câu view, những tác giả lười biếng trong việc nâng cấp bản thân. Hoặc AI chỉ loại bỏ được những nhà giáo coi học sinh như khách hàng để bán kiến thức trong sách của mình, những nhà giáo “đọc, chép”. 

Tôi rất tâm đắc với dòng trạng thái (status) trên Facebook của bác sĩ Trương Hữu Khanh: “AI ngành khác thì không biết chứ ngành y không thay được lâm sàng. Kinh nghiệm, sự nhạy cảm, cái tâm thì không thay được”.

ChatGPT có thể tài năng, thông minh, giỏi giang nhưng không thể có lòng trắc ẩn, tính chính trực, sự nhạy cảm về văn hóa, định kiến xã hội. Một bài báo do ChatGPT viết ra dù có thể nhiều thông tin hơn bài của một nhà báo, nhưng cảm xúc của nhà báo thì sản phẩm của ChatGPT sẽ không có được.

Ngoài tính chính xác của thông tin, người đọc còn cần cảm xúc. Nhà báo có thể cân nhắc việc đưa một thông tin nào đó bởi nó có thể gây hại đến người đọc nhưng AI thì không. AI không thể có trách nhiệm của một nhà báo.

Cũng vậy, ngoài kiến thức cần giảng dạy, nhà giáo còn có tấm lòng. Đó là thứ mà AI không thể “học” được, bởi có yêu thương, cảm xúc nào từ mô phỏng mà thành đâu. Nó phải đến từ trái tim và trách nhiệm của con người. 

Và cuối cùng, tôi không sợ ChatGPT nói riêng, AI nói chung. Thứ tôi sợ chính là sự nhạy cảm của chúng ta dần biến mất, sự lệ thuộc vào máy móc khiến chúng ta dần quên sử dụng trái tim.

Thói vô trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, thói ích kỷ, vô cảm của con người mới là thứ đáng sợ nhất.

Hoàng Anh Tú 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI