Chất Việt từ xứ lạ

13/08/2018 - 09:30

PNO - Có khá nhiều tác phẩm kinh điển phương Tây được Việt hóa hoặc dựng mới đầy mới lạ và gần gũi về đời sống văn hóa - xã hội Việt Nam. Điểm chung của chúng là từ những nghệ sĩ nước ngoài.

Nghệ sĩ ngoại dùng chất liệu Việt

Ngày 28 và 29/7 vừa qua, đạo diễn người Đức David Hermann đã đưa bối cảnh vở nhạc kịch nổi tiếng Der Freischütz (Nhà thiện xạ) của nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức Carl Maria von Weber sang Việt Nam.

Chat Viet  tu xu la
David Hermann đã đưa siêu mô tô, cửa hàng hoa, tiệm bi-da và đời sống Việt Nam hiện đại vào tác phẩm kinh điển Nhà thiện xạ

Tuy nhiên, phiên bản Việt hóa có những chùm dây điện chằng chịt đặc trưng và “nhà thiện xạ” biến thành “siêu cơ thủ”. David Hermann đã đưa lên sân khấu khung cảnh đường phố Việt Nam hiện đại với các cửa hàng hoa, tiệm bi-da, những chiếc xe máy, máy ATM… thậm chí cả những chiếc mô tô thật.

“Chúng tôi tạo ra một bầu không khí quan trọng trong cuộc thi bi-da trước khi một đám cưới diễn ra. Mê tín dị đoan cũng là một phần văn hóa của một số nơi trên thế giới” - David Hermann nói. Nhân vật Samiel - tên quỷ dữ - xuất hiện như một “phần văn hóa mê tín” ấy.

Cuối tháng Sáu, trong vở múa Café Sài Gòn, hai biên đạo trẻ Vrouenraets và Maite Guerin cũng đã đưa lên sân khấu hình ảnh các quán cà phê ở Sài Gòn từ thế kỷ trước; đồng thời thổi vào đó tình cảm, tinh thần, lối sống của những người trẻ đô thị hiện đại. Tác phẩm nhận được nhiều đánh giá tích cực nhờ ngôn ngữ múa đương đại mới mẻ, gần gũi với đời sống xã hội Việt Nam.

Hồi tháng Ba, một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam là Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du cũng được biên đạo múa Hàn Quốc Chun Yoo Oh sử dụng làm chất liệu trong tác phẩm Múa Kiều.

Cũng trong tháng Ba, vở kịch múa Không tín hiệu của đạo diễn người Nhật Onodera Shuji diễn ở Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) đã cháy vé. Tác phẩm dàn dựng từ cảm hứng của ông sau chuyến lưu diễn tại Việt Nam trước đó, đã được biểu diễn ở Nhà hát Kanagawa ở Nhật.

Ông cảm thấy ấn tượng với giao thông ở Việt Nam, khi những chiếc xe máy, ô tô và dòng người đi bộ có thể di chuyển nhịp nhàng ngay ở những giao lộ đông đúc nhờ một “giao ước thầm lặng” mà ông gọi là “không tín hiệu”.

Năm ngoái, vở múa Sự uốn éo của đô thị phiên bản Việt hóa cũng được nghệ sĩ Pierre Larauza và biên đạo Emmanuelle Vincent giới thiệu trong khuôn khổ liên hoan múa đương đại Sự gặp gỡ Á - Âu 2017.

Đây là tác phẩm được hai tác giả lên ý tưởng trong khuôn khổ liên hoan Avignon 2010, sau đó được giới thiệu khắp thế giới. Ở mỗi đất nước, họ lại hợp tác với một nghệ sĩ địa phương (ở Việt Nam là nhạc sĩ Teddy Chilla) để hiện thực hóa ý tưởng kết hợp văn hóa.

Emmanuelle Vincent đã dùng tác phẩm Bảng chữ cái hỗn độn, để tái hiện hình ảnh đặc trưng rất phố xá của Việt Nam: những người phụ nữ mặc áo chống nắng khi giao thông.

Giao thoa Đông - Tây

Có khá nhiều nghệ sĩ nước ngoài sang Việt Nam du lịch hoặc làm việc và những câu chuyện đời sống xã hội đương đại cũng như văn hóa truyền thống Việt Nam đã gây ấn tượng với họ, biến thành chất liệu, đi vào tác phẩm.

Tất nhiên, do các nghệ sĩ này đều từ những nền văn hóa khác nên trong tác phẩm của họ, đâu đó, vẫn có những hạn chế nhất định khi nối với những câu chuyện Việt Nam. Nhưng không thể phủ nhận nỗ lực thấu hiểu, tư duy cởi mở cũng như sự cầu thị của họ trong sáng tạo nghệ thuật, tiếp cận công chúng Việt Nam.

Khi được giới thiệu tại Việt Nam, các tác phẩm ấy đã giúp kéo gần công chúng đến với thế giới vẫn bị xem là hàn lâm, xa lạ. Có những tác phẩm được sáng tác trong thời gian lưu trú ở Việt Nam, sau khi giới thiệu tới công chúng quốc tế, đã mở ra những góc nhìn thú vị về đất nước chúng ta, đồng thời tạo thành cầu nối văn hóa Đông - Tây. Ở đó, có một Việt Nam khác, không chỉ có chiến tranh và nước mắt; một Việt Nam sôi động, hiện đại và đang chảy cùng dòng chảy của thế giới.

Ngày 21, 22/9 tới, nhân chuyến lưu diễn quốc tế, Caroline Guiela Nguyen và đoàn kịch Les Hommes Approximatifs sẽ biểu diễn tác phẩm Saigon tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM), kể về cuộc đời của những người Pháp, người Việt bị đẩy đưa theo dòng lịch sử trải dài suốt 40 năm.

Tác phẩm được Caroline Guiela Nguyen dàn dựng trong khuôn khổ chương trình Nghệ sĩ lưu trú (2015-2016) của Villa Saigon, do Viện Pháp TP.HCM khởi xướng, đã gặt hái thành công lớn tại liên hoan Avignon (2017), nhận được ba đề cử cho giải Molières, liên tục công diễn tại các nhà hát danh giá của Pháp.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI