Chật vật mưu sinh trong mùa lũ cạn

07/11/2023 - 06:03

PNO - Đỉnh lũ năm 2023 ở đồng bằng sông Cửu Long dưới mức báo động 1, là mức rất thấp so với nhiều năm qua. Mực nước lũ thấp kéo theo nguồn lợi thủy sản sụt giảm, làm cho những hộ mưu sinh dựa vào mùa lũ gặp khó khăn…

Cá, tôm thưa thớt

Mới mờ sáng, vợ chồng anh Lê Văn Kình (xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã xuống ghe chạy sâu vào cánh đồng rộng ở xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên dỡ hàng chục cái dớn để bắt cá linh, cá chạch, cá mè vinh, tép, cua… 

Anh Kình cho biết, bình quân mỗi cái dớn dài từ 200 - 300m, cao khoảng 2m nên phải mất 4-5 giờ mới gỡ hết số dớn. Dỡ xong, anh chở cá về, phân loại ra, trong đó cá linh và cá chạch phải còn sống mới bán được. “Đầu mùa lũ, thương lái mua cá linh 30.000 đồng/kg, nay chỉ mua 17.000 đồng/kg. Giá cá chạch bây giờ khoảng 140.000 đồng/kg, còn các loài cá tạp bán 5.000 đồng/kg. Hôm nào nhiều cá, vợ chồng tôi bán được khoảng 500.000 đồng, còn bình thường chỉ 300.000 đồng/ngày, tạm đủ sống” - anh Kình nói. 

Anh Lê Văn Tùng thăm dớn bắt cá mùa lũ cạn -  ẢNH: HUỲNH TRỌNG
Anh Lê Văn Tùng thăm dớn bắt cá mùa lũ cạn - Ảnh: Huỳnh Trọng

Chị Trần Thị Kim Tuyến - vợ anh Kình - vừa phân loại cá, vừa cho hay: “Mỗi năm, khoảng tháng Tám, tháng Chín, lũ đầu nguồn bắt đầu kéo về là vợ chồng tui rời quê (huyện Châu Phú), đi ghe lên huyện Tịnh Biên, TP Châu Đốc đánh bắt thủy sản. Năm nay, mực nước lũ thấp, cá tôm cũng ít hơn mọi năm, thu nhập của tụi tui cũng giảm nhiều”. 

Đưa chúng tôi ra cánh đồng xả lũ ở xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang (tiếp giáp với Campuchia), anh Lê Văn Càng kể: “Vợ chồng tui cũng từ huyện Châu Phú chạy ghe lên ấp Cây Trâm, xã Vĩnh Tế để đánh bắt thủy sản kiếm sống. Tui làm cả trăm cái dớn, đặt trên đồng ở huyện Tịnh Biên, TP Châu Đốc. Hiện tại, cánh đồng ở xã Vĩnh Tế sâu khoảng 1,6m nước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước, cá, tôm cũng ít hơn. Bình quân mỗi ngày, vợ chồng tui kiếm được 600.000-700.000 đồng”. 

Trúng hay thất tùy vào nước lũ

Có hàng chục năm mưu sinh dựa vào mùa lũ, vợ chồng anh Lê Văn Tùng và chị Nguyễn Thị Loan (xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết, sẽ cố gắng khai thác thủy sản đến khoảng tháng 12/2023. Khi đó, nước rút hẳn và người dân ở TP Châu Đốc gieo sạ lúa đông xuân. “Vợ chồng tui đầu tư khoảng 150 triệu đồng mua ghe máy, gần 60 cái dớn và một số phương tiện khác. Do mùa lũ năm nay, nước về ít nên cá, tôm giảm, thu nhập cả mùa lũ chỉ bằng 1/3 số vốn đầu tư” - anh Tùng nói. 

Vợ chồng anh Tùng không có ruộng đất, không nghề nghiệp nên sống dựa vào nghề khai thác thủy sản. Những năm lũ lớn, vợ chồng anh kéo sang tỉnh Long An đánh bắt tôm, cá. Vài năm gần đây, lũ liên tục nhỏ nên vợ chồng anh và một số hộ ở huyện Châu Phú “đóng chốt” ở ấp Cây Trâm, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc cho đỡ tốn chi phí. Xong mùa lũ, vợ chồng anh Tùng sẽ quay về quê neo ghe, lên bờ đi làm thuê theo diện “ai mướn gì làm nấy”, thu nhập khá bấp bênh. Chị Nguyễn Thị Loan nói, nguồn thu nhập chính của gia đình dựa vào mùa lũ, năm nào lũ lớn thì khai thác thủy sản thuận lợi, còn lũ nhỏ thì khó khăn, phải nợ nần. 

Đặt dớn gần chỗ chị Loan, chị Lê Thị Cẩm Hồng nói: “Còn nước lũ thì tụi tui có đồng vô đồng ra để nuôi con ăn học, hết nước lũ thì không có nguồn thu. Cho nên mấy năm nay, những hộ làm nghề khai thác thủy sản gặp khó. Gia đình tui nhiều lúc cũng muốn chuyển nghề nhưng do thiếu vốn, không có tay nghề nên cứ loay hoay mãi”. 

Lũ nhỏ cũng khiến những hộ sản xuất lờ, lọp, ghe, xuồng, uốn lưỡi câu, đan lưới, trồng ấu… ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị giảm thu nhập. Chị Huỳnh Kim Thúy (xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) bộc bạch: “Trước đây, mỗi mùa lũ, vợ chồng tui làm ra cả chục ngàn cái lọp tép bán cho thương lái, giá 18.000 đồng/cái. Còn năm nay, mới làm hơn 500 cái lọp thì phải ngưng bởi lũ nhỏ, người ta không mua lọp nhiều”. 

Huỳnh Trọng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI