Chất thải nơi điều trị người nhiễm COVID-19 được xử lý ra sao?

31/03/2020 - 17:39

PNO - Rác từ các khu cách ly, khu điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 được xem là chất thải lây nhiễm, phải xử lý theo quy trình nghiêm ngặt.

Tính đến ngày 31/3/2020, tại TPHCM có 37 trường hợp nhiễm COVID-19 đang được chữa trị và có gần 9.000 trường hợp phải thực hiện cách ly tập trung để phòng dịch COVID-19.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, rác thải y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 phát sinh từ khu vực theo dõi, cách ly, điều trị là chất thải lây nhiễm. Theo đó, chất thải này phải được xử lý theo đúng quy định, đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý.

Chất thải nghi nhiễm virus Sars -CoV2 ở phát sinh ở một khu cách ly tập trung tại TP.HCM. Ảnh: T.S
Chất thải nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 ở phát sinh ở một khu cách ly tập trung tại TPHCM - Ảnh: T.S

Vậy chất thải từ những khu vực cách ly tập trung, đặc biệt là ở những nơi điều trị người nhiễm COVID-19 ở TPHCM đã và đang được thu gom và xử lý ra sao?

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM - đơn vị đang thu gom xử lý rác thải y tế cho địa bàn TPHCM cho biết, để thực hiện công tác xử lý rác phòng chống dịch COVID-19, công ty đã bố trí riêng 7 xe chuyên dụng và thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt.

Quy trình thu gom xử lý chất thải nghi nhiễm COVID-19 phải đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh và người tham gia xử lý chất thải y tế. Ảnh: T.S
Quy trình thu gom xử lý chất thải nghi nhiễm COVID-19 phải đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh và người tham gia xử lý chất thải y tế - Ảnh: T.S

“Nhân viên trên các xe thu gom rác thải y tế ở khu vực điều trị, cách ly được trang bị đồ bảo hộ như nhân viên y tế (NVYT) đang chống dịch COVID-19. Rác thải từ những khu vực này được NVYT cho vào thùng kín, nhân viên của công ty chỉ có nhiệm vụ đưa lên xe và chở về nhà máy xử lý. Rác thu gom từ khu điều trị, cách ly phòng chống dịch COVID-19 được ưu tiên xử lý trước các loại rác y tế khác”, ông Sơn cho biết thêm.

Xe thu gom rác thải nghi nhiễm virus Sars-CoV2 phải đảm bảo không gây lây nhiễm trong quá trình vận chuyển về nhà máy. Ảnh: T.S
Xe thu gom rác thải nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 phải đảm bảo không gây lây nhiễm trong quá trình vận chuyển về nhà máy - Ảnh: T.S

Ông Sơn cho hay, hiện nay khu cách ly tập trung ở Ký túc xá - Đại học Quốc gia TPHCM là đông nhất với khoảng 6.500 người nên lượng rác thải phát sinh ở khu vực này cũng rất lớn. Vì thế, mỗi ngày Công ty Môi trường Đô thị TPHCM phải bố trí đến 500 thùng rác ở khu vực này.

Tuy nhiên, theo thống kê của Công ty Môi trường đô thị TPHCM, trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19, tổng lượng rác y tế thải ra trên địa bàn TPHCM khoảng trên 20 tấn/ngày, dao động không đáng kể so với trước đây. 

Nhà máy xử lý rác y tế ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (TP.HCM) là nơi xử lý rác có nguy cơ nhiễm virus Sars-CoV2 cho địa bàn TP.HCM. Ảnh: Hoàng Nhiên
Nhà máy xử lý rác y tế ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (TPHCM) là nơi xử lý rác có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 cho địa bàn TPHCM - Ảnh: Hoàng Nhiên

"Trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, lượng rác y tế phát sinh từ các khu cách ly tập trung tăng lên nhưng rác ở các bệnh viện lại giảm xuống. Nguyên nhân có thể là do thời gian xảy ra dịch, người dân hạn chế vào bệnh viện chữa trị các loại bệnh nhẹ nên lượng rác phát sinh ít hơn thời điểm chưa có dịch", đại diện Công ty Môi trường Đô thị TPHCM nhận định.

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI