Chất tạo nạc mới trong chăn nuôi Cysteamine vẫn được sử dụng tràn lan

14/10/2016 - 06:48

PNO - Chiều 13/10, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã họp bàn về việc cấm hay cho phép sử dụng chất Cysteamine để tạo nạc, làm tăng trọng trong chăn nuôi (tương tự chất Salbutamol).

Hiện việc sử dụng Cysteamine đang dần phổ biến, do Việt Nam đã khống chế được nguồn cung cấp Salbutamol, nên các cơ sở chăn nuôi chuyển sang dùng Cysteamine nhập lậu từ Thái Lan, Trung Quốc.

Theo Thanh tra Bộ NNPTNT, từ tháng 8/2016 đến nay, lực lượng chức năng liên tục phát hiện các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi sử dụng Cysteamine.

Chat tao nac moi trong chan nuoi Cysteamine van duoc su dung tran lan
Ảnh mang tính chất minh họa. Internet

Cụ thể, ngày 5/8/2016, Bộ NN-PTNT và Bộ Công an đã phát hiện Công ty TNHH MTV Công Nghệ Đổi Mới (P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) nhập sản phẩm dinh dưỡng bổ sung Maxsure và Synergrown từ Thái Lan. Kiểm tra phát hiện hai sản phẩm này dù không ghi thành phần có Cysteamine nhưng có hàm lượng Cysteamine là 29.898 mg/kg (29.898 ppm) và 30.645 mg/kg (30.645 ppm).

Thanh tra Bộ còn phát hiện một công ty ở Bình Lục, Hà Nam đã nhập đến bảy tấn Maxsure trong vòng ba tháng. Một gói Maxsure 25kg có giá bán ở phía Bắc là 4,1 triệu đồng, ở phía Nam là 5,5 triệu đồng. “Một số người dân ở Hưng Yên cho biết họ đã mua với giá là 6,5-10 triệu đồng/gói 25kg. Lợi nhuận như vậy còn lớn hơn buôn ma túy”, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT) cho biết. Theo ông Dũng, đã có hiện tượng sử dụng Cysteamine tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Sơn La.

Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất cho phép sử dụng Cysteamine làm phụ gia trong thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, Cysteamine không có trong danh sách được phép sử dụng của tổ chức CODEX - Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế; đồng thời bị Liên minh châu Âu (EU) cấm sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi.

Trước thực tế ở Việt Nam, Bộ NN-PTNT phải xác định rõ việc cấm hay không cấm sử dụng Cysteamine, nếu không sẽ tràn ngập hoạt chất này trong thức ăn chăn nuôi thay thế Salbutamol. “Những nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ, không nhiều uy tín đang sử dụng chất Cysteamine và bán rất chạy, tạo ra bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nếu chúng ta thả nổi như vậy, sẽ có nhiều doanh nghiệp sử dụng vì chế tài xử phạt tương đối nhẹ (từ 15-20 triệu đồng - PV)”, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NNPTNT, nhấn mạnh.

Theo ông Việt, việc cấm Cysteamine sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, đặc biệt là có thể “lấy tiếng” sản xuất sạch, an toàn để đẩy mạnh xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Trung Quốc. Đồng tình với việc đưa chất Cysteamine vào danh mục cấm sử dụng, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện Cục không cho phép nhập Cysteamine.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng bày tỏ quan điểm: “Chúng ta không thể hy sinh lợi ích số đông, lợi ích của dân tộc để phục vụ lợi ích một nhóm người. Quan điểm của tôi là xây dựng một nền chăn nuôi sạch, chống lại việc nhập lậu và lộn xộn như hiện nay”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi đã phản bác việc đưa Cysteamine vào danh mục các chất cấm sử dụng. Nếu đưa chất này vào danh mục cấm thì việc sử dụng sẽ bị xử lý rất nặng theo quy định của Luật Hình sự. Cục Chăn nuôi đề xuất chưa đưa Cysteamine vào danh mục các chất cấm sử dụng, nhưng cũng chưa cho phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, chờ thêm bằng chứng khoa học về tác hại của Cysteamine đối với sức khỏe vật nuôi và con người.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã giao Cục Chăn nuôi tổng hợp ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo gửi về Bộ; đồng thời giao các đơn vị hoàn thiện nghiên cứu về Cysteamine xem vì sao chất này bị EU đưa vào nhóm bị cấm sử dụng, phân tích Cysteamine để tiến hành xử lý các vi phạm. ÔngTám cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng Cysteamine để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI