Năm 1933, tạp chí The Hairmither and Beauty Trade của Anh đã viết về một thương hiệu mỹ phẩm hoàn toàn mới đến từ Paris. Do dược sĩ Alexis Moussallia thành lập cách đó một năm, Tho-Radia được giới thiệu là “phương pháp khoa học sử dụng các nguyên tố hóa học hiếm như thorium và radium” nhằm “tăng cường và củng cố các mô của da, loại bỏ chất béo và xóa nếp nhăn”.
Radium được phát hiện bởi Marie Curie vào năm 1898. Nó đã trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn khoa học, y tế, kinh doanh và chính sách công trong nhiều thập niên trước khi Tho-Radia lên kệ.
|
Nhà khoa học nữ Marie Curie |
Đầu thế kỷ 20, nhiều sản phẩm sử dụng radium trong bảng thành phần được quảng bá là “có lợi cho sức khỏe”. Ví dụ như mũ O-Radium Hat Pad hay các “ly nước radium” mà nhiều phòng tắm hơi tại Buxton (Anh) cung cấp cho khách. Tại tiệm Boots the Chemists, bạn có thể mua “bóng đèn Spa-Radium” của hãng Sparklet với tác dụng biến nước máy thành nước phóng xạ hoặc một số đồ dùng vệ sinh Radior (được quảng bá là chứa radium và duy trì khả năng phóng xạ trong 20 năm).
Các sản phẩm này được giới thiệu trị được nhiều loại bệnh, tật và sự bất tiện. Đặc biệt, chúng có điểm chung triết lý điều trị của liệu pháp phóng xạ nhẹ. Đó chính là thứ có hại được sử dụng với liều ít sẽ mang đến lợi ích to lớn.
|
Áp phích quảng cáo của Tho-Radia |
Trong trường hợp của Tho-Radia, một lượng nhỏ radium đã được thêm vào hàng loạt sản phẩm từ xà phòng, kem đánh răng, bột dưỡng da, kem, son môi, nước hoa hồng và sữa làm đẹp. Thương hiệu này đã lợi dụng đặc tính phát sáng tự nhiên của radium cho các chiến dịch quảng cáo của mình.
Marie Curie từng chỉ ra rằng radium giống như muối thông thường vào ban ngày nhưng phát sáng vào ban đêm vì bức xạ kích hoạt nitơ trong không khí tạo ra một luồng năng lượng trông như ánh sáng. Trên áp phích quảng cáo cho buổi ra mắt sản phẩm Tho-Radia do nhà thiết kế Tony Burnand thực hiện, một phụ nữ trẻ da trắng tóc vàng (thường được gọi là cô gái Tho-Radia) được chiếu sáng bằng ánh sáng phát ra từ các sản phẩm.
Thứ “hào quang khỏe mạnh” trên gương mặt cô gái Tho-Radia là một phần của vẻ đẹp lý tưởng vào giai đoạn cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, nó đã trở nên cực kỳ nổi tiếng trong thập niên 1920 và 1930 khi việc tắm nắng để hưởng lợi từ mặt trời trở thành trào lưu phổ biến nhất do sự đề cao từ các tạp chí y khoa và báo chí.
Nhiều nhà khoa học lo ngại rằng con người ngày càng sống và làm việc trong môi trường đô thị không nhận đủ ánh nắng mặt trời. Do đó, các phương pháp và thiết bị tiêu dùng được thiết kế để mô phỏng ánh nắng mặt trời hoặc cung cấp những lợi ích của nó trở nên phổ biến. Radium vốn được ví như “ánh sáng lỏng” đứng đầu danh sách này.
|
Các sản phẩm của Tho-Radia |
Tho-Radia cũng tuyên bố rằng các sản phẩm của mình được “điều chế bởi bác sĩ Alfred Curie”. Ban đầu, các sử gia cho rằng đây là một nhân vật giả tưởng nhưng sự tồn tại của ông đã được chứng minh. Alfred Curie đúng là bác sĩ y khoa nhưng không có bất kỳ nghiên cứu nào liên quan đến bức xạ hay có nền tảng về hóa học. Hầu hết các nhà nghiên cứu kết luận hành động chọn Alfred Curie của Tho-Radia là nhằm đánh lừa người tiêu dùng tin rằng sản phẩm (bằng cách nào đó) đã được chứng thực bởi Marie Curie.
Trong kho lưu trữ Curie của Thư viện quốc gia Pháp, một lá thư được viết bởi luật sư J L Ricqles cho thấy gia đình Curie đã biết về vụ gian lận. Bức thư (rất tiếc không có tên người nhận) yêu cầu điều tra tính hợp pháp của việc sử dụng tên của gia đình Curie để quảng cáo cho các sản phẩm Tho-Radia.
Đây không phải lần đầu tiên gia đình Marie Curie tìm cách bảo vệ danh tiếng của mình. Năm 1924, Marie Curie đã nhận được một lá thư từ công ty hóa chất Morey Flux ở Delaware, Mỹ. Morey A. Park - người viết thư và chủ sở hữu - tỏ ra lo lắng vì Morey Flux đã được một nhóm đến đặt làm “Thuốc bổ tóc cho Curie” và muốn kiểm tra xem họ có thực sự được phép sử dụng cái tên như đã tuyên bố hay không. Marie Curie đã phủ nhận mọi liên kết với nhóm này.
Trường hợp của Tho-Radia phức tạp hơn và lời khuyên của Ricqles là Alfred (nếu có họ thật là Curie) có quyền sử dụng tên của mình theo bất kỳ cách nào mà ông thấy phù hợp. Tuy nhiên, nếu chứng minh được hành động này ảnh hưởng đến danh tiếng của gia đình Curie thì họ vẫn có thể chiến thắng.
|
Mọi sản phẩm của Tho-Radia đều sử dụng radium bởi khả năng phát sáng vào ban đêm của nó |
Mặc dù không có bằng chứng cho thấy vụ kiện được tiến hành xa thêm thế nhưng rõ ràng là gia đình Curie đã đề phòng tên của họ có liên quan đến bất cứ điều gì nằm ngoài tầm kiểm soát. Không chỉ các thành viên gia đình lo ngại về di sản của họ, Marie Curie còn bị cho là đã phủ nhận về những rủi ro do công việc của cô với radium gây ra.
Marie Curie bị bệnh nặng đến mức ngày càng khó che giấu. Tuy đã cố gắng giữ bí mật về mức độ bệnh tật của mình nhưng Marie Curie hầu như bị mù vào những năm 1930 sau khi phẫu thuật mắt vào các năm 1923, 1924 và 1930.
Vào mùa hè năm 1934, Marie bị ốm nặng và phải đến dưỡng bệnh tại Pháp - nơi bà sử dụng một tên giả. Ban đầu, Marie Curie được chẩn đoán mắc bệnh lao và người ta cho rằng khí trời trên núi sẽ có lợi. Tuy nhiên, trong khi ở viện điều dưỡng, chẩn đoán của bà đã được thay đổi thành thiếu máu bất sản.
|
Tho-Radia đã rất thành công trong 2 thập niên đầu cho đến khi bị phá sản vào năm 1962 |
Marie Curie qua đời vào ngày 4 tháng 7 năm 1934 ở tuổi 66. Hai ngày sau, bà được chôn cất cùng với chồng, Pierre, tại một nghĩa trang ở Sceaux, ngoại ô Paris.
Cái chết của Marie Curie đã ảnh hưởng đến quan niệm của công chúng về radium. Đến năm 1937, chính phủ Pháp đã đặt ra những hạn chế đáng kể đối với việc bán các sản phẩm có chứa chất phóng xạ.
Tác động của luật mới này đã có tác động đến quá trình tiếp thị và sản xuất của thương hiệu Tho-Radia. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng sử dụng các thành phần phóng xạ. Thế nhưng, công ty này đã không thực hiện bất kỳ việc đổi thương hiệu triệt để nào và tiếp tục thành công về mặt thương mại với các quảng cáo trên các tạp chí như Marie Claire.
Tho-Radia tiếp tục kinh doanh thành công và đăng ký sản phẩm mới trong suốt những năm 1950 trước khi bị phá sản vào năm 1962.
Mai Thảo