“Chất lượng rừng Cần Giờ là một vấn đề đáng báo động”

23/07/2020 - 12:18

PNO - Những năm qua, rừng ngập mặn Cần Giờ chưa được tỉa thưa dẫn đến chất lượng rừng bị suy giảm – đó là ý kiến được nhiều nhà khoa học nêu ra tại Hội thảo 20 năm quản lý và phát triển Khu dự trữ sinh quyền rừng ngập mặn (DTSQ RNM) Cần Giờ.

Diện tích rừng tăng, số vụ xâm phạm rừng giảm

Báo cáo tổng kết hoạt động 10 năm qua, Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ -  Phó trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Khu DTSQ RNM Cần Giờ cho biết, thành tựu đáng ghi nhận nhất trong 10 năm qua là diện tích trồng rừng có sự cải thiện đáng kể với diện tích đất trống, bãi bồi trước đây đã được phủ xanh. Qua 10 năm, diện tích rừng Cân Giờ đã tăng lên hơn 1.916ha, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng trong Khu DTSQ RNM Cần Giờ từ 40,31% (năm 2010) lên 42,84%.

Diện tích rừng Cần Giờ tăng lên 1.916 ha trong 10 năm.
Diện tích rừng Cần Giờ tăng lên 1.916ha trong 10 năm

Hiện nay, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ đã tổ chức giao khoán cho 168 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn thường trú tại huyện Cần Giờ và 11 đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng. Mức giá giao khoán hiện nay là 1.156.000 đồng/ha/năm.

Đáng nói, sau 20 năm, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp ở huyện Cần Giờ đã giảm đáng kể. Năm 2019, lực lượng chức năng chỉ ghi nhận 4 vụ vi phạm.

Ông Lê Minh Dũng báo cáo về công tác phát triển, bảo vệ rừng Cần Giờ.
Ông Lê Minh Dũng báo cáo về công tác phát triển, bảo vệ rừng Cần Giờ

 GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình “Con người và Sinh quyển” Việt Nam cho biết, trước năm 1975 rừng Cần Giờ gần như bị huỷ diệt hoàn toàn bởi hoá chất diệt cỏ và các chất hoá học của quân đội Mỹ. Ước tính 57% diện tích rừng bị chết. Lúc này, cánh rừng trở nên hoang hoá, khô cằn, nguồn tài nguyên động, thực vật rừng và thuỷ hải sản gần như bị huỷ diệt, môi trường sinh thái ô nhiễm nặng nề. Việc tẩy và xử lý hoá chất  phải kéo dài nhiều năm và công tác khắc phục rất khó khăn.

Sau này, huyện Duyên Hải (tỉnh Đồng Nai) được chuyển về TPHCM quản lý và đổi tên thành huyện Cần Giờ. TPHCM đã huy động hàng ngàn người tham gia công tác bảo vệ rừng.

GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, đánh giá công tác bảo vệ và phát triển rừng Cần Giờ của TPHCM trong 20 năm qua có nhiều thành tích rất đang ghi nhận. Từ năm 2000, lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện trên bản đồ dự trữ sinh quyển Thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có 9 khu dự trữ sinh quyển được công nhận.

Theo GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, hiện Khu DTSQ RNM Cần Giờ có một số sáng kiến nổi bật như: Các mô hình nuôi yến, nuôi ốc len, nuôi cua trong rừng ngập mặn đều là những mô hình kinh tế xanh thúc đẩy bảo tồn làm cơ sở cho phát triển kinh tế. Cơ chế kết hợp bảo tồn và du lịch cũng đang được áp dụng tại Khu DTSQ RNM Cần Giờ.

Chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ đang suy giảm

Bên cạnh đó, tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ những bất cập trong công tác phát triển, bảo vệ rừng ở Cần Giờ.

TS. Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước cho biết, nhìn trên ảnh vệ tinh và trên bản đồ, xem số liệu diện tích thì thấy một màu xanh của rừng ngập mặn rất đẹp và rất đáng tự hào. Tuy nhiên, chất lượng rừng ngập mặn hiện nay rất đáng báo động.

T.s Nguyễn Chí Thành, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước chia sẻ tại hội thảo.
TS. Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước chia sẻ tại hội thảo

“Thời điểm hiện nay rừng đước đã 30 tuổi, mật độ cây rất cao nhưng chưa một lần tỉa thưa như các biện pháp lâm sinh bắt buộc. Hậu quả, cây không còn không gian dinh dưỡng, sâu bệnh phát triển, đặc biệt sâu đục thân. Chất lượng rừng đước ở Cần Giờ đang suy giảm", TS. Thành nói

Theo ông, cần quy định rõ chức năng và nhiệm vụ của rừng ngập mặn Cần Giờ là rừng phòng hộ, chắn sóng, lấn biển. Xây dựng khu rừng ngập mặn Cần Giờ thành một trung tâm nghiên cứu về rừng ngập mặn của quốc gia nhưng có đẳng cấp quốc tế và theo mô hình bảo vệ và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn có sự tham gia của cộng đồng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cuối cùng, TS. Thành kiến nghị, xây dựng rừng ngập mặn Cần Giờ thành một công viên giải trí, thư giãn cao cấp của TPHCM.

Rừng ngập mặn Cần Giờ đang suy giảm về chất lượng.
Rừng ngập mặn Cần Giờ đang suy giảm về chất lượng

PGS.TS Viên Ngọc Nam, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết, thực trạng xói mòn, sạt lở ven sông đã làm giảm đa dạng sinh học; Nước ô nhiễm do nước thải và vận tải biển đã ảnh hưởng lớn đến phân bố loài. Tỉa thưa là biện pháp nhằm tạo điều kiện cho rừng sinh trưởng nhưng thời gian qua rừng ngập mặn không được tỉa thưa đã làm cho sâu bệnh phát triển, hiện tượng cây chết, chất lượng rừng bị giảm dẫn đến đa dạng thực vật rừng ngập mặn bị giảm.

Đậu Dung – Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI