Chất lượng không khí cải thiện đáng kể trong năm 2020 nhờ dịch COVID-19

04/09/2021 - 07:20

PNO - Cơ quan thời tiết của Liên Hợp Quốc cho biết thế giới, đặc biệt là các khu vực đô thị, đã trải qua một đợt giảm phát thải các chất ô nhiễm không khí trong thời gian ngắn vào năm ngoái.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại vì dịch COVID-19 giúp lượng phát thải giảm đáng kể.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh dịch COVID-19 đã dẫn đến những cải thiện chất lượng không khí cục bộ tạm thời. Tuy nhiên, ông nói thêm đại dịch không thể thay thế cho các hành động có hệ thống và bền vững nhằm giải quyết các tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ sức khỏe của con người và hành tinh.

Sương mù bao phủ khắp Thành phố Mexico, ngày 25/4/2021.
Sương mù bao phủ khắp thành phố Mexico, Mexico ngày 25/4/2021

Nghiên cứu của WMO đã phân tích những thay đổi về chất lượng không khí xung quanh các chất ô nhiễm chính, bao gồm lưu huỳnh đioxit (SO2), nitơ oxit (NO), cacbon monoxit (CO) và ozone (O3). Cơ quan có trụ sở tại Geneva ghi nhận mức phát thải chất ô nhiễm giảm chưa từng có trong năm 2020, do nhiều chính phủ hạn chế tụ tập, đóng cửa trường học và áp đặt các lệnh phong tỏa.

WMO đã trích dẫn sự sụt giảm gần 70% mức độ trung bình của các oxit nitơ, phần lớn được thải ra qua quá trình vận chuyển và đốt nhiên liệu hóa thạch. Nó cũng ghi nhận mức giảm lên tới 40% - mức giảm lớn nhất được ghi nhận ở Đông Nam Á - các hạt vật chất nhỏ trong không khí nhờ chính sách phong tỏa, so với cùng kỳ từ năm 2015-2019.

Oksana Tarasova, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu môi trường khí quyển của WMO, cảnh báo tác động của các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại vì dịch bệnh chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn. Khi các biện pháp kiểm soát được dỡ bỏ hàng loạt, các hoạt động giao thương, sản xuất, phương tiện giao thông hoạt động trở lại sẽ tác động xấu đến chất lượng không khí.

Tổ chức Khí tượng Thế giới cũng cho biết thêm rằng việc giảm thiểu ô nhiễm cũng khá chắp vá khi nhiều nơi trên thế giới đã cho thấy mức độ phát thải vượt xa các hướng dẫn về chất lượng không khí. Một số loại chất ô nhiễm tiếp tục xuất hiện ở mức độ thường xuyên hoặc thậm chí cao hơn mức an toàn cho phép.

Oksana Tarasova chia sẻ thêm chất lượng không khí “rất phức tạp” và lưu ý rằng các thảm họa như cháy rừng ở Úc, khói từ đốt sinh khối ở Siberia và Hoa Kỳ, cát và bụi trôi từ sa mạc Sahara qua Đại Tây Dương tới Bắc Mỹ - cũng có ảnh hưởng đến chất lượng không khí.

Minh Hương (theo Washingtonpost)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI