Chất lượng đào tạo hệ “9+ cao đẳng” có đảm bảo?

26/09/2024 - 06:22

PNO - Những năm gần đây, hệ “9+ cao đẳng” nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh, phụ huynh bởi học sinh tốt nghiệp THCS có thể học nghề bậc trung cấp song song với học chương trình phổ thông, sau đó học liên thông lên cao đẳng với thời gian tổng cộng chỉ 3,5-4 năm. Tuy nhiên, các chuyên gia đã nêu ra một số băn khoăn về việc thời gian học có bị rút ngắn?

3,5-4 năm có quá ngắn?

Loại hình đào tạo 9+5 (cao đẳng) đã được nhiều nước tiên tiến như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… áp dụng từ lâu. Ở nước ta, gần đây, hệ 9+ cũng được các trường triển khai mạnh mẽ. Nguồn tuyển chủ yếu là học sinh tốt nghiệp THCS, đào tạo theo thứ tự từ trung cấp, sau đó liên thông lên cao đẳng. Với thời gian đào tạo 3,5-4 năm, người học sẽ có 3 bằng, gồm: THPT, trung cấp nghề và cao đẳng.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) - cho rằng, có những lo ngại nhất định về chất lượng mô hình 9+ mà nhiều trường cao đẳng đang đào tạo. Ông nói: “Không thể học tốt cả 3 bằng trong thời gian 3,5 năm. Để bảo đảm chất lượng, chỉ có thể đào tạo theo từng giai đoạn. Ví dụ, học hết 3 năm THPT sau đó chỉ cần học 2 năm nữa để lấy bằng cao đẳng. Như vậy, sẽ rút ngắn được 1 năm, thay vì học xong THPT phải học cao đẳng thêm 3 năm”.

Học sinh chương trình 9+ tại Trường cao đẳng Viễn Đông trong một tiết học văn hóa - ẢNH: NGUYỄN LOAN
Học sinh chương trình 9+ tại Trường cao đẳng Viễn Đông trong một tiết học văn hóa - Ảnh: Nguyễn Loan

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - cũng cho rằng, việc đào tạo theo chương trình “9+ cao đẳng” hiện có những bất cập. Điều 28 Luật Giáo dục 2019 quy định: “Giáo dục THPT được thực hiện trong 3 năm học, từ lớp Mười đến hết lớp Mười hai”. Nhưng theo chương trình 9+ của các trường cao đẳng thì thời lượng dành cho chương trình THPT không quá 2 năm, thời lượng dành cho dạy nghề không quá 1 năm. Trong khi điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định: “Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp THCS trở lên là từ 1-2 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo”.

Dẫn chứng về chương trình đào tạo nghề của các nước tiên tiến, ông Lê Viết Khuyến cho biết, ISCED-2011 (International Standard Classification of Education - chuẩn quốc tế phân loại chương trình giáo dục của UNESCO) quy định, thời gian đào tạo để đạt trình độ trung học nghề là 2-3 năm. Như vậy, nếu xét theo ISCED-2011 thì trình độ trung cấp nghề ở chương trình “9+ cao đẳng” nói chung thấp so với thế giới. Ví dụ, chương trình “9+ cao đẳng” ở nước ta hiện nay cao nhất khoảng 110 tín chỉ (tùy theo ngành, theo khung trình độ quốc gia) trong khi chương trình 9+5 của Đài Loan (Trung Quốc) là 220 tín chỉ. Bên cạnh đó, giáo dục nghề nghiệp nói chung và các trường nghề nói riêng cần tuyển chọn, xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi mới có thể bảo đảm chương trình “9+ cao đẳng” thực sự chất lượng.

Chất lượng đào tạo là vấn đề “sống còn”

Trao đổi với chúng tôi về các băn khoăn này, đại diện nhiều trường cao đẳng đều cho biết việc bảo đảm chất lượng đầu ra là bài toán “sống còn” khi đào tạo hệ 9+.

Là một trong những trường thành công trong tuyển sinh hệ 9+, bà Phan Thị Lệ Thu - Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Viễn Đông - cho biết, trường triển khai hệ 9+ từ năm 2019, mỗi năm tuyển được gần 1.000 học viên.

Khẳng định không có chuyện học sinh học THPT trong 2 năm, học trung cấp nghề 1 năm, bà Thu lý giải, ở lớp Mười và Mười một, học sinh học văn hóa (theo chương trình 7 môn để thi tốt nghiệp THPT) vào buổi sáng, học nghề bậc trung cấp buổi chiều. Kết thúc lớp Mười một, học sinh có bằng trung cấp, thời gian đào tạo 2 năm với 50 tín chỉ. Từ học kỳ I lớp Mười hai, học sinh học chuyển tiếp sang bậc cao đẳng (khi đã tốt nghiệp trung cấp) với những ngành cho phép đào tạo liên thông (hiện chỉ có ngành y, dược không được phép đào tạo chuyển tiếp từ trung cấp lên cao đẳng khi chưa có bằng THPT). Học sinh tiếp tục học song song chương trình lớp Mười hai và bắt đầu học nghề ở bậc cao đẳng. Thi xong tốt nghiệp THPT, học sinh mất thêm 6 tháng đến 1 năm để hoàn thành chương trình cao đẳng với khoảng 110 tín chỉ.

“Như vậy, học sinh vẫn học chương trình THPT trong 3 năm, trung cấp trong 2 năm, đủ điều kiện liên thông lên cao đẳng trong 1-1,5 năm nữa, bảo đảm lộ trình và chất lượng đầu ra” - bà Phan Thị Lệ Thu nói và cho biết, trường có 3 khóa 9+ với hơn 2.000 sinh viên ra trường. Trong đó, 99% học sinh đậu tốt nghiệp THPT, 85 - 87% có bằng cao đẳng. Ngoại trừ một số em tiếp tục học lên đại học, du học… hầu hết sinh viên ra trường đều được giới thiệu vào các doanh nghiệp, làm đúng chuyên ngành.

Tương tự, ông Hoàng Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn - cho biết trường đào tạo hệ 9+4. Trong 3 năm đầu, học sinh học song song chương trình văn hóa 4 môn (không thi tốt nghiệp THPT) và trung cấp nghề. Sau 3 năm, các em đã có bằng trung cấp và tiếp tục học liên thông cao đẳng để lấy bằng trong vòng 1 năm. “Nếu trường nào quảng cáo hệ 9+ học chương trình cao đẳng nghề ngay từ đầu là sai. Hầu hết các trường đều đào tạo theo thứ tự từ trung cấp, sau đó mới liên thông lên cao đẳng, đại học và thực hiện đúng quy định về số tín chỉ hiện hành. Với 4 năm, các trường hoàn toàn đủ sức để đào tạo song song chương trình văn hóa và nghề” - ông Phúc nói.

Tự tin thực hiện chương trình 9+, ông Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TPHCM - cho biết: “Chúng tôi cố gắng xây dựng chương trình tối ưu hóa, tăng thời gian thực hành nhằm tạo thế mạnh đào tạo nghề của mình, kết nối với các doanh nghiệp để họ vừa tham gia đào tạo vừa nhận sinh viên vào làm…”.

Uông Ngọc - Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI