Chất liệu dân gian, dân tộc: Kho tàng chờ phát huy trong nghệ thuật múa

24/10/2024 - 17:31

PNO - Ngày 21/10, Hội Nghệ sĩ múa TPHCM tổ chức tọa đàm chủ đề Khai thác đề tài và ngôn ngữ múa dân gian, dân tộc trong các tác phẩm múa hiện nay. Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan Nghệ thuật múa TPHCM mở rộng lần VIII - năm 2024 nhằm nhìn nhận, đánh giá về mảng đề tài luôn được lực lượng sáng tạo tâm huyết nhưng lại không dễ khai thác và phát huy.

Vươn xa từ nền tảng văn hóa dân tộc

Trong tham luận Nghệ thuật múa dân gian, dân tộc Việt Nam hiện nay và những giải pháp sáng tạo, nghệ sĩ múa Sùng A Lùng (nhà hát giao hưởng nhạc - vũ - kịch TPHCM) viết: “Múa dân gian đã và đang có những bước phát triển đáng khích lệ. Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian được tổ chức không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế, khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam. Các vũ điệu như múa sạp, múa xòe của người Thái, múa trống Chhay-dăm của dân tộc Khơ Me, điệu múa lục cúng hoa đăng của người Kinh… đã trở thành những hình ảnh đặc trưng khi nhắc đến nghệ thuật múa Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ trẻ đang tìm cách học hỏi, kế thừa và phát triển múa dân gian theo những hướng đi mới, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại”.

Tiết mục Nếp mới của vũ đoàn NTV dự thi Liên hoan Nghệ thuật múa TPHCM mở rộng 2024, khai thác ngôn ngữ múa dân gian Khơ Me - ẢNH: MẠNH HẢO
Tiết mục Nếp mới của vũ đoàn NTV dự thi Liên hoan Nghệ thuật múa TPHCM mở rộng 2024, khai thác ngôn ngữ múa dân gian Khơ Me - Ảnh: Mạnh Hảo

Từ thực tiễn làm nghề, biên đạo Phan Gia Sươn nhận định: không chỉ trong hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp mà tại TPHCM, trong những năm gần đây, các liên hoan ca múa nhạc quần chúng, các cuộc thi văn nghệ phong trào ngày càng chú ý đến nội dung múa dân gian, dân tộc. Nhiều trường học, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa và các câu lạc bộ nghệ thuật thường xuyên tổ chức các chương trình thi diễn, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Biên đạo Hà Thanh Hậu khẳng định: “Múa dân gian, dân tộc là sức mạnh nội tại, là nền tảng để nghệ sĩ Việt định hình giá trị bản thân và vươn ra thế giới”.

“Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mọi ranh giới gần như bị xóa nhòa thì chỉ có bản sắc dân tộc mới định vị được mình là ai. Với nghệ thuật múa thì múa dân gian, dân tộc là bản sắc, là giá trị cốt lõi. Thế nhưng, nhiều người vẫn còn quan niệm rằng múa dân gian, dân tộc là những chuẩn mực xưa cũ, bất biến nên thành lỗi thời, lạc hậu khi xã hội phát triển. Thực tế, múa dân gian, dân tộc luôn vận động cùng thời đại, là một “thực thể” sống và phát triển mỗi ngày. Đó chính là tính “đương đại” trong múa” - biên đạo Hà Thanh Hậu phân tích. Vì thế, theo ông, việc kết hợp múa dân gian, dân tộc và múa đương đại là xu thế tất yếu để tăng tính hấp dẫn cho tác phẩm múa, tạo cơ hội mang nghệ thuật múa dân gian, dân tộc đến gần khán giả trẻ, cũng như đưa nghệ thuật múa Việt Nam ra thế giới dễ dàng hơn.

Cần cẩn trọng

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, vẫn còn không ít điều khiến những người làm nghề, tâm huyết với nghệ thuật múa băn khoăn. Biên đạo Phan Gia Sươn nêu một số hạn chế có thể thấy qua các cuộc thi, liên hoan phong trào gần đây, như: thiếu nguồn lực đầu tư khiến nhiều tiết mục qua loa, chắp ghép, có tình trạng cải biên quá đà, kết hợp tùy tiện động tác làm “mất chất” một số tiết mục múa dân gian, dân tộc; một số người chưa hiểu rõ giá trị của múa dân gian, dân tộc nên còn xem nhẹ, dẫn đến một số tác phẩm gây nhầm lẫn về văn hóa các dân tộc.

Tiết mục múa dân gian Chơi trăng của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, dự thi Liên hoan nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng 2024 - Ảnh: Mạnh Hảo.
Tiết mục múa dân gian Chơi trăng của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, dự thi Liên hoan nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng 2024 - Ảnh: Mạnh Hảo

Biên đạo Hà Thanh Hậu khẳng định: kho tàng văn hóa các dân tộc là nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật múa, nhưng khi khai thác phải đặc biệt cẩn trọng. Việc kết hợp nghệ thuật múa dân gian, dân tộc với nghệ thuật múa đương đại cần hết sức khéo léo và nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu không sẽ gây tác dụng ngược, đánh mất bản sắc của điệu múa gốc và tạo ra những hiểu lầm về văn hóa. Người biên đạo múa trước hết phải tìm hiểu cặn kẽ về bản sắc và văn hóa của điệu múa dân gian mình sẽ khai thác, dựa trên bối cảnh nào để sáng tác và kết hợp khéo léo để điệu múa vẫn phải giữ được hồn cốt vốn có. Mỗi chuyển động đưa ra phải hợp lý, chứ không phải theo kiểu động tác dân gian này nối tiếp động tác đương đại kia một cách ngẫu nhiên. “Người biên đạo cần thể hiện tính chính xác và chuẩn mực trong tác phẩm của mình. Dù có sáng tạo, phá cách đến đâu vẫn phải giữ được hồn cốt của văn hóa dân tộc mà mình thể hiện, từ động tác đến âm nhạc, trang phục…” - ông nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TPHCM Lê Nguyên Hiều cũng đặc biệt lưu ý “cái hồn” mà tác phẩm múa dân gian, dân tộc phải thể hiện được. Hiện nay, khi dàn dựng, một số biên đạo đã không giữ được “cái hồn” này. “Có những trường hợp sử dụng ngôn ngữ múa của người H’mông nhưng “cái hồn” lại của dân tộc khác. Hay khi sử dụng kỹ thuật múa mâm của bóng rỗi thì lại lạm dụng kỹ xảo hiện đại làm mất đi cái “hồn” từ tín ngưỡng tâm linh của người Nam Bộ. Có những biên đạo khi dàn dựng tiết mục múa Khơ Me lại không phân biệt được múa dân gian và múa cung đình hoặc dựng múa về đất phương Nam nhưng lại sử dụng ngôn ngữ múa đặc trưng miền Bắc…” - ông Lê Nguyên Hiều nói.

Nhiều đại biểu khẳng định, nhất thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích lực lượng biên đạo, biểu diễn múa dân gian, dân tộc qua các “sân chơi nghề” chuyên nghiệp, chất lượng. Trong đó, Liên hoan Nghệ thuật múa TPHCM mở rộng là một nỗ lực của Hội Nghệ sĩ múa TPHCM, góp phần động viên, định hướng kịp thời cho lực lượng sáng tạo, nhất là những người trẻ.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI