Nghệ sĩ ưu tú (NNƯT) Tô Thanh Sơn là một trong những “tay gốm” tài hoa của làng cổ Bát Tràng với “công trình” phục chế men lam thời Nguyễn, pha chế thành công men rạn đương đại. Ông còn nức tiếng với dòng sản phẩm men hỏa biến (còn gọi là men ngân hà, men thiên mụ). Đất nghề độc đáo ven kinh kỳ này, mỗi nghệ nhân đều có một sở trường khó lẫn. Song điều khiến tôi ấn tượng nhất ở ông Sơn, ngoài tài hoa, còn là một người đàn ông rất… làng.
Hơn một ngàn ngày tìm gọi gốm cổ trở về làng
Thuận An Đường, nếp nhà giữa làng cổ Bát Tràng ấy hoàn toàn thuần Việt: mái lợp ngói vảy cá, cửa bức bàn kẽo kẹt, bộ tràng kỷ đẫm nước thời gian, trước hiên là chum, vại… Nghệ nhân Tô Thanh Sơn cười hồn hậu. Tóc bạc, da mồi chẳng thể xóa mờ nét lãng tử, hào hoa. “Thuận An Đường lưu giữ một không gian đậm đà bản sắc của quê tôi - Bát Tràng… Từng góc nhìn, từng bước chân, toát lên được hồn cốt, tình người trong gốm. Mọi người khi ghé thăm đều cảm thấy như được đắm mình trong một không gian thuần Việt”, ông bộc bạch.
|
Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn |
Nếu những tượng Phật, những sản phẩm gốm đa dạng trong Thuận An Đường toát lên cái chất rất… Tô Thanh Sơn; thì từng góc kiến trúc, bố trí trong nhà lại đậm không gian của một Bát Tràng xưa cũ. Nhà cổ không quá khó để mua được. Song để ngôi nhà mà ông đặt tên Thuận An Đường ấy thực sự mang “cốt cách” Bát Tràng thì thật lắm công phu. Riêng cổng và sân, ông đưa về 3.000 viên gạch cổ Bát Tràng “lưu lạc” trong dân gian về lại làng. Gạch không chỉ để lát sân và làm cổng, ông còn xem chúng có giá trị không thua kém bất kỳ món gốm cổ nào. Bởi gạch Bát Tràng - rêu không bám, trời nồm xứ Bắc cũng không làm gạch đổ mồ hôi. Làm gốm bằng một tâm hồn lãng tử, ông Sơn vừa hoài niệm, vừa tự hào: “Ước gì anh lấy được nàng/ Để anh mua gạch Bát Tràng về xây. Giá trị của gạch Bát Tràng đã trường tồn cùng ca dao như thế cơ mà”.
Dựa vào truyền thống để đi đường trường
NNƯT Tô Thanh Sơn ví von, nếu nghề làng Bát Tràng như cánh diều giữa trời lộng gió, thì cội nguồn văn hóa của làng chính là dây neo. Tuổi trẻ của ông cũng như nhiều thế hệ thanh niên của làng, rời quân ngũ, ông về quê, quyết lập nghiệp bằng nghề truyền thống của Bát Tràng.
Thập niên 1990, Bát Tràng cũng loay hoay trước sự chuyển mình của cơ chế thị trường. Làm gì, làm thế nào để giữ nghề, sống được bằng nghề và phát triển nghề là bài toán khó với đại đa số người làng gốm bấy giờ. Đang trong cuộc tìm đường đó, ông nhớ lời của họa sĩ Trần Khánh Chương - bậc thầy trong nghề gốm sứ, rằng, đường đi của gốm chỉ bền vững và phát triển được khi biết phát huy nền tảng gốm truyền thống. Giữa công nghệ sản xuất gốm hàng loạt thời hiện đại, giữa những bạt ngàn sản phẩm rập khuôn, đơn điệu; biết tìm lại những đoạn trường làm gốm cổ ở đâu?
|
Một số sản phẩm - tác phẩm ra đời trên cội nguồn truyền thống Bát Tràng |
Trăn trở, ngẫm ngợi, lục tìm những sản phẩm Bát Tràng cổ, NNƯT Tô Thanh Sơn giật mình nhận ra, giá trị của gốm chính là ở màu men, cách thể hiện men trên gốm và những bí ẩn của ngọn lửa mà chỉ lò nung mới hiểu. Ông tập trung sản xuất hàng gia dụng, trang trí bằng các họa tiết truyền thống và phủ men cổ. Giới thiệu một mẫu ấm chén có màu men ngọc đậm như cô đặc những nét tài hoa của người làng gốm; rồi một mẫu khác mà trên thân ấm rơi rơi những nhũ men nâu một cách rất tự nhiên, ông bảo: “Nói thì đơn giản, song men cổ phủ lên như thế nào, rồi đường nét, họa tiết trang trí sản phẩm ra sao để mang phong cách cá nhân nghệ nhân, lại là một quá trình không ít gian nan”.
Giữa những sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, mỗi sản phẩm dường như đã trở thành tác phẩm nghệ thuật của NNƯT Tô Thanh Sơn. Chiếc chén men nâu trầm bóng bẩy, trong lòng chén là một đóa hoa như được ép vào giữa lớp gốm với men rất tài tình. Bất ngờ, ông Sơn buông tay từ độ cao dễ đến nửa mét, chén rơi mà không mảy may sứt mẻ. Ông giải thích: “Nung ở 1.200-1.4000C trong khoảng 12 tiếng đồng hồ, mỗi sản phẩm của dòng hỏa biến là sự kết hợp nhiều lớp men. Kết quả là chất lượng và tính mỹ cảm như bạn thấy”.
Phục chế gốm cổ
Song song với việc thổi vào gốm truyền thống một hơi thở đương đại, NNƯT Tô Thanh Sơn đã thực sự tìm được về cội nguồn gốm cổ Bát Tràng. Càng tìm về màu men cổ, ông càng say mê lạ kỳ. Không thể không nhắc đến chiếc chóe men trà (màu men cổ), toàn bộ bề mặt được khắc bức phù điêu tròn với hình ảnh vua Lý Công Uẩn đọc chiếu dời đô về đất Thăng Long, Đinh Bộ Lĩnh với trận cờ lau, Thái hậu Dương Vân Nga trao long bào… Chóe - linh vật gắn với các buổi ra sông rước nước về lễ thánh ấy, là tâm huyết ông dâng tặng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|
Nghệ nhân Tô Thanh Sơn đã thể hiện được những màu men cổ độc đáo của ông cha |
Ngày làm chiếc chóe này, NNƯT Tô Thanh Sơn đã không ít lần gặp và xin ý kiến, tư vấn của các nhà sử học cũng như đồng nghiệp. Bốn năm từ khi nghiên cứu chế thử đến khi chóe trọn vẹn hình hài, nhà sử học Dương Trung Quốc đã phải thốt lên: “Đây là một tác phẩm rất khó thực hiện, tác phẩm đã thể hiện được sự gắn kết của lịch sử với ngàn năm Thăng Long - Hà Nội”. Nhiều nghệ nhân nhận xét, chiếc chóe đại này là đỉnh cao của Bát Tràng hiện nay, nó là một trong những tác phẩm gốm nghệ thuật hoàn chỉnh nhất.
Trong khu Thái Miếu - Lam Kinh (Thanh Hóa) hôm nay, bộ đồ thờ với họa tiết đắp nổi đặc trưng và men gốm cổ của thời Hậu Lê ngỡ trở về từ dăm thế kỷ. Đó là “công trình” phục dựng của nghệ nhân Tô Thanh Sơn. Rồi men lam thời Nguyễn cũng khiến ông đắm đuối phục dựng thành công. “Tứ trụ” làng gốm cổ (bốn nghệ nhân Trần Độ, Vũ Đức Thắng, Nguyễn Lợi, Tô Thanh Sơn), mỗi nghệ nhân đều như một quái kiệt trong nghề, không ai giống ai, mỗi người một màu sắc. Với cá nhân tôi, NNƯT Tô Thanh Sơn - ban đầu ngỡ như một lãng tử tài hoa làm gốm. Song, càng tìm hiểu chặng đường tìm tòi, phục dựng, thổi hồn cho gốm, để gốm Tô Thanh Sơn không lẫn được vào đâu; mới thấy cốt cách của người làng gốm cổ: suốt đời học hỏi, lao động và luôn biết trân trọng, chắt chiu những mảnh hồn làng.
Uông Ngọc