Chúng tôi hỏi bà Lê Thị Thu Mì - Chi hội trưởng Phụ nữ khu phố 8, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1: “Trong công tác Hội, hiện nay điều gì khiến bà trăn trở nhất?”. Chẳng phải nghĩ ngợi, bà nhắc ngay chuyện chị N.P. đang chờ ngày lấy tấm bằng lái xe hai bánh để chính thức gia nhập vào đội quân xe ôm công nghệ.
Chị P. là phụ nữ đơn thân nuôi hai con nhỏ. Trước đây, do hoàn cảnh đẩy đưa, chị vướng vào tệ nạn. Chồng bỏ đi, chị một mình bươn chải với đủ thứ nghề để nuôi con. Cháu lớn nay lên lớp Bốn, nhưng đầu hè đã đòi bỏ học. Nghe tin, bà Thu Mì bỏ dở bữa cơm chiều, tìm đến nhà hỏi thăm thằng bé.
Thủ thỉ một hồi, thằng bé mới nói thật: do mẹ nó than cực quá nên nó muốn nghỉ học đi bán hàng rong phụ mẹ. Đúng lúc ấy, chị P. đi chở hàng thuê về. Chị rơm rớm nước mắt nói với bà Mì: “Cô ơi, con không muốn vậy đâu. Chỉ là con không có bằng lái xe, bên công ty đòi cắt hợp đồng”. Bà Mì quả quyết, không có bằng lái thì đi thi, không có tiền cho con đi học thì tôi bảo lãnh học phí…
Nói là làm, bà Thu Mì đưa người mẹ đến trung tâm dạy lái xe, đăng ký học và sát hạch, trao tặng tập vở, học bổng cho hai đứa bé chuẩn bị trở lại trường.
|
Phân loại rác tại nhà rồi đem đến điểm thu gom để đổi quà hoặc góp vào nguồn quỹ Hội để tặng học bổng hay giúp những chị em khó khăn |
Bà Mì cho biết, so với các khu phố khác trên địa bàn P.Nguyễn Cư Trinh thì khu phố 8 này khó khăn vô kể. Đây chính là khu Mã Lạng khét tiếng một thời về tệ nạn ma túy, cướp giật. Giờ tệ nạn đã bị đẩy lùi, nhưng nhiều gia đình chưa hết khó khăn. Năm năm qua, bà Thu Mì cùng các dì, các chị ở chi hội căng kéo bằng nhiều cách để trợ giúp chị em ổn định cuộc sống như giới thiệu học nghề, trao vốn, trao học bổng…
Vốn là Chủ tịch Hội LHPN P.Phạm Ngũ Lão, năm 2010 được về hưu nhưng bà Trần Thị Ngọc Thu vẫn tiếp tục nhận công tác ở tổ hội để giúp chị em.
Cũng giống khu Mã Lạng, dù hôm nay cuộc sống người dân tại tổ 10, khu phố 1, P.Phạm Ngũ Lão đã khác xưa; những ngôi nhà, con phố được nâng cấp và xây mới khang trang; khu phố đi bộ tấp nập, sầm uất… Thế nhưng không ít phận đời đằng sau đó vẫn còn khó khăn chất ngất. Không ít em gái bỏ học sớm, đi làm ở các quán ăn, khách sạn. Một số nam thanh niên trình độ dở dang, chỉ có thể đi làm thuê kiếm sống…
Sâu sát tình hình nên bà Ngọc Thu biết rõ từng hoàn cảnh và phát hiện cô bé Ánh Tuyết, con của đôi vợ chồng bán củ năng dạo ở khu Đề Thám, lông bông khi mới vừa hết lớp Tám. Vì thấy trước tương lai chẳng lành của Ánh Tuyết, nên bà Thu trăn trở, tìm đến nhà trò chuyện với cô bé. Bà chỉ ra cho cô gái thấy, cha mẹ em vốn hay bệnh, lại phải rong ruổi bán hàng rong, ai thuê gì làm nấy. Hai anh chị lớn của em, do không trình độ nên cũng không thoát cảnh nghèo…
Sau vài lần gặp, bà đã “năn nỉ” được cô gái 18 tuổi ấy ra lớp học nghề pha chế đồ uống của Hội LHPN Q.1 và tham gia sinh hoạt ở lớp phổ cập tiếng Anh do Hội LHPN phường tổ chức… Biết Tuyết không có xe máy đi học, bà trích quỹ tổ hội mua vé xe buýt cho em… Sau ba tháng học nghề, với vốn tiếng Anh cơ bản, Ánh Tuyết được nhận vào một nhà hàng tại khu phố Tây làm việc. Công việc lại giúp cô gặp gỡ và nên duyên với một người đàn ông tốt để thay đổi cuộc đời.
Bà Thu khoe rằng, nhờ nguồn quỹ nhỏ nhoi của Hội mà tổ Phụ nữ 10 đã giúp được không ít chị em. Hỏi bà, quỹ ở đâu ra? Bà cười: “Nhờ công tác bảo vệ môi trường chứ đâu”. Từ năm 2018, theo phát động của Hội LHPN Q.1, bà Ngọc Thu biến địa chỉ 217/24/12 Đề Thám thành nơi thu gom chất thải rắn và đổi nhu yếu phẩm cho các gia đình. Ban đầu, các dì, các chị mang rác ra đổi quà. Về sau, các dì, các chị đổi ý: không lấy quà nữa mà để dành tiền ve chai lo học bổng cho trẻ em nghèo, mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người neo đơn, khó khăn.
Hai năm qua, tổ hội đã trao 7 thẻ bảo hiểm y tế cho người neo đơn và 7 suất học bổng cho con em các gia đình lao động. “Có người không tin, nhưng việc thực hiện phân loại rác tại nguồn là lợi đơn, lợi kép. Nhờ cách làm đúng đắn này mà chi, tổ Hội nào cũng có quỹ riêng, muốn làm những việc nho nhỏ cho chị em đều trong tầm với” - bà Ngọc Thu chân thành.
Còn với những việc lớn lao hơn như giúp hội viên học nghề, tìm việc hay khởi nghiệp, đổi đời, thì tổ Hội, chi Hội lại giới thiệu lên phường, lên quận. Nói như bà Thu Mì, lặng thầm, bền bỉ, chắt chiu cho những phận nghèo là chuyện của chi, tổ Hội. Còn phường và quận Hội thì giúp chị em những việc lớn lao hơn.
Phụ nữ Q.1 góp sức giúp 70% hộ thoát nghèo
Bên cạnh việc trợ vốn, trao phương tiện làm ăn, thời gian qua, Hội LHPN Q.1 đã tổ chức 4 buổi hướng nghiệp dạy nghề và 15 lớp dạy nghề miễn phí cho 135 chị em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Sau lớp nghề, 50% chị em nhận hàng gia công tại nhà với mức thu nhập trung bình 3,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Hội cũng giới thiệu 398 trường hợp đi làm thời vụ (giúp việc nhà, tạp vụ, phụ bán hàng…). Nhờ vậy, hằng năm giúp được trên 70% các hộ thoát nghèo theo tiêu chí mới của thành phố.
Tại các chi hội, Hội chúng tôi triển khai “Mỗi chi hội giúp một hộ thoát nghèo” bằng nhiều hình thức như mỗi năm hỗ trợ 250 suất học bổng, giới thiệu 221 trường hợp vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, trao tặng 236 thẻ bảo hiểm y tế; tặng quà, phương tiện làm ăn, mái ấm tình thương… với tổng kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng.
Chương trình “Phân loại chất thải rắn tại nguồn” triển khai thực hiện trong sinh hoạt chi, tổ hội đã thu được hơn 1.000kg rác thải nhựa các loại. Từ kinh phí đó, các chị đã trao tặng 33 thẻ bảo hiểm y tế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn…
Bà HOÀNG THỊ THU LIÊN - Chủ tịch Hội LHPN Q.1
|
Hạnh Chi