Thoạt nhìn, chàng nghệ sĩ trẻ mang nửa dòng máu Ý có thể được liệt vào hạng mục “những cái tên mới nổi” trong ngành mốt, nhất là khi bộ sưu tập trực tuyến đầu tiên của anh sẽ ra mắt công chúng vào mùa xuân 2021. Thế nhưng Brocca đã làm việc nghiêm túc dưới tư cách họa sĩ tạo mẫu hơn 1 thập niên qua. Anh nắm giữ kỉ lục Guinness - Nhà thiết kế thời trang cao cấp trẻ nhất thế giới, năm 16 tuổi.
Lớn lên ở Dubai, Brocca chịu ảnh hưởng mạnh từ mẹ, một tín đồ thời trang cao cấp. Tình yêu dành cho thời trang được “nuôi dưỡng” thông qua những thiết kế sành điệu của Gaultier và Chanel, Brocca có cơ hội chạm vào, tìm hiểu từ bé.
Năm 17 tuổi, lặng lẽ rời Dubai với khát khao tự thân lập nghiệp, anh đến Pháp đăng kí theo học trường thời trang trực thuộc Công đoàn Ngành may Paris (La Chambre Syndicale de la Couture Parisienne). Về sau, Brocca “bay nhảy” qua lại giữa những “kinh đô thời trang” lớn - London, New York, Paris và Milan - để làm việc. Anh vừa trở lại quê nhà Dubai trong mùa dịch.
Tháng 5/2020, nhà thiết kế nhận bằng tốt nghiệp trường nghệ thuật công lập Central Saint Martins, thuộc Đại học nghệ thuật London, Anh. Đây là “cái nôi” từng đào tạo nhiều tên tuổi uy tín bậc nhất ngành mốt, như Alexander McQueen, John Galliano và Phoebe Philo...
|
Lady Gaga diện thiết kế của Brocca trên bìa tạp chí Billboard số tháng 9/2020. (Ảnh: Billboard) |
Gần đây, Brocca gây chú ý khi mẫu thiết kế đầm dài phá cách của anh được Lady Gaga khoác lên trong shot ảnh ấn tượng xuất hiện trên tạp chí âm nhạc Billboard.
“Có thể nói tôi đã rất choáng khi được liên hệ. Tôi chưa từng hy vọng họ lại ưu ái thiết kế ấy đến thế. Với tôi, được nhận ra và trân trọng qua những sản phẩm thời trang là đã đủ”, anh nói.
Trong bài phỏng vấn mới nhất cho tạp chí Paper, Brocca tiết lộ góc nhìn cá nhân xoay quanh đa dạng chủ đề: từ khó khăn công việc trong khủng hoảng đại dịch, ý niệm “cao cấp” nơi ngành mốt, đến niềm đam mê thời trang rất riêng của anh mang sắc màu đa văn hóa.
|
Nhà thiết kể trẻ Andrea Brocca. (Ảnh: Paper) |
* Anh định nghĩa thế nào về “thời trang cao cấp”?
- Andrea Brocca: Ngày nay, “cao cấp” dần trở thành một ý tưởng được rao bán cho công chúng, hơn là được thấu hiểu hoặc trân trọng. Louis Vuitton có thể bán cho bạn một móc khóa mạ vàng giá 200 USD, và kế đó, một chiếc túi da ca sấu 30.000 USD. Chênh lệch về giá khiến bạn nghĩ, bạn có thể mua bất kỳ thứ hàng cao cấp nào tùy theo tiềm năng kinh tế.
Nhưng với tôi, thời trang cao cấp không thể “định giá” bằng tiền. Một món đồ, trang phục chất lượng cao nên nắm giữ “lịch sử” riêng - phản ánh qua nét tinh xảo, chất xám lẫn sự chuyên tâm từ người sáng tạo ra nó. Giả sử, chẳng hạn, trong ngành ô tô, một chiếc McLaren luôn rất đắt, trong khi một thiết kế Toyota Prius rẻ hơn nhiều. Điều này là đương nhiên, vì sự đầu tư công nghệ, thiết kế của hãng McLaren rất phức tạp. Về yếu tố kĩ thuật, mọi người không “đánh đồng” một chiếc xe hơi Ferrari hoặc McLauren ngang bằng với Toyota. Vậy đối với ngành thời trang, vì sao chúng ta lại lờ đi ý nghĩa về “giá trị bên trong”?
* Anh từng được Guinness vinh danh là Nhà tạo mẫu cao cấp trẻ nhất thế giới năm 2012. Anh có thể kể lại chặng đường đạt đến danh hiệu này?
- Tôi không ngờ có ngày mình nhận một giải thưởng như thế. Khi ấy tôi 16 tuổi, và làm việc cật lực trong ngành mốt từ 13 tuổi.
Những năm tiểu học, tôi đã mê vẽ mẫu mốt. Khoảng 13 tuổi, tôi đăng kí tham dự nhiều show thời trang lớn nhỏ. Ban đầu, tôi tình nguyện làm trợ lý cho hầu hết tạp chí thời trang ở Dubai. Một ngày, trong sự kiện trình làng series thiết kế mới của Temperley London, tôi liên tục bám theo Alice (Alice Temperley – nhà sáng lập hãng Temberley London), nài nỉ cô ấy xem thử bộ sưu tập bảng vẽ của tôi. Đến lần thứ 3 bị tôi làm phiền, Alice cuối cùng đã bỏ ra chút thời gian nhìn qua chúng. Đến cuối show diễn, cô ấy trao cho tôi một cơ hội thực tập.
Kết thúc chương trình thực tập, 2 năm sau, tôi có thêm nhiều dự án thiết kế, động lực lẫn tiếng tăm nhất định giúp tôi đủ khả năng mở cửa hàng may nhỏ chuyên về sản phẩm váy dạ tiệc cao cấp. Nhờ những mẫu váy cùng lời giới thiệu từ nhóm khách hàng thân thiết, tôi tích góp kinh phí thực hiện chiến dịch quảng cáo chỉn chu đầu tiên. Sau cùng, đội ngũ Guinness tìm đến tôi.
* Nghe qua có vẻ không quá khó, nhưng chắc hẳn anh đã đổ dồn tâm huyết cho sự nghiệp tạo mẫu. Nổi bật nhất nơi thương hiệu Brocca chính là yếu tố đa văn hóa đầy quyến rũ. Anh có thể giải thích vì sao?
- Tôi nghĩ những nhà tạo mẫu thành công luôn giỏi lột tả dấu ấn cá nhân qua sản phẩm của họ. Với tôi, “dấu ấn cá nhân” là sự đa văn hóa. Tôi lớn lên tại Dubai, thành phố cực kì đa sắc thái. Một ốc đảo nơi hàng chục, nếu không nói hàng trăm sắc tộc khác nhau cùng hội tụ, kết nối. Nếu không nỗ lực phân tích, thấu hiểu “gốc rễ” bản thân, tôi không chắc mình có thể tìm thấy sức sáng tạo, cảm hứng làm nên thứ gì đó đẹp đẽ. Thiết kế là phương thức để tôi truyền tải cô đọng những giá trị nguồn cội đa văn hóa vào một sản phẩm thời trang duy mỹ.
* COVID-19 đang ảnh hưởng thế nào đến công việc của anh?
- Đại dịch kéo theo một số khó khăn chung mà nhiều người trong chúng ta đang cùng chịu đựng. Đã không làm việc toàn thời gian như một nhà thiết kế vài năm qua, buổi đầu, quả thật tôi gặp không ít thách thức khi lên kế hoạch ra mắt chuỗi sản phẩm thời trang mới. Nhưng giờ đây, khi COVID-19 vẫn còn tiếp diễn, thị trường thương mại điện tử được ưu ái hơn hẳn, lại tạo ra lợi thế nhất định cho tôi.
Giữa một cơn đại dịch toàn cầu, rất nhiều người đang trầy trật giữ lấy công việc của họ. Những nhà thiết kế, giới nghệ sĩ nói chung, cũng thế. Bạn phải hiểu rằng, nỗ lực đấu tranh – thích nghi là cách duy nhất để sinh tồn trong ngành thời trang.
|
Brocca hoàn thiện một tác phẩm tranh tường ngẫu hứng. (Ảnh: Paper) |
* Mạng xã hội đang thay đổi mạnh mẽ cục diện ngành công nghiệp thời trang. Đặc biệt, như anh nói, thế giới mạng hiện thời giúp “tạo lợi thế” hiếm có cho nhiều thương hiệu non trẻ. Theo anh, một ưu điểm, và khuyết điểm lớn của mạng xã hội, đối với những nhà thiết kế trẻ, là gì?
- Khuyết điểm, tôi nghĩ, nằm ở tư duy so bì trong mỗi người. Chúng tôi liên kết với nhau để thấu hiểu thế giới, như một tập thể xã hội rộng lớn. Mạng điện tử mở ra “cánh cửa” để chúng ta kết nối dễ dàng hơn, nhưng nó mang theo nguy cơ về sự tự so sánh. Trong ngành mốt, chẳng hạn, thói quen so sánh đối thủ gây nên tình trạng đạo nhái, đến mức một thương hiệu có thể đánh mất đặc trưng riêng.
Tuy nhiên mặt khác, tính kết nối nhanh chóng cũng đem lại “điểm cộng”. Mọi người đều có cơ hội lên tiếng nếu muốn, bất kể bạn sinh ra trong gia đình hoàng tộc hay chỉ là một công nhân bình thường. Điều khiến chúng ta ngần ngại bước ra phía trước là sự tự tin, cũng như thông điệp cụ thể bạn muốn nhắn gửi đến cộng đồng.
Như Ý (theo Paper)