"Chất cấm vẫn tiềm ẩn trong bữa ăn hàng ngày"

13/04/2016 - 10:49

PNO - Cơ quan chức năng khẳng định, vàng ô… đều được nhập chính ngạch và cơ quan chức năng không buông lỏng quản lí mà chỉ do kiểm soát không hiệu quả (?!)

Bộ không kiểm soát được chất cấm ngoài thị trường

Tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, tổ chức tại Bình Dương ngày 12/4, Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2014-2015 có 9.140kg salbutamol được nhập về Việt Nam, 1/3 số này hiện vẫn còn lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp, hơn sáu tấn đã được bán ra thị trường, hiện cơ quan chức năng đã thu hồi được 2.050kg, khoảng hơn bốn tấn đang được buôn bán trôi nổi trên thị trường. Ông Việt thừa nhận, với một loại chất độc hại thì đây là số lượng khá lớn nhưng Bộ không thể có được số lượng cụ thể của số salbutamol còn ngoài thị trường. Trong khi mộ t ký chất này có thể trộn với 100 tấn thức ăn chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát môi trường (C49) khẳng định, toàn bộ hơn chín tấn salbutamol nhập về đều được nhập chính ngạch, C49 chưa phát hiện bất cứ lô salbutamol nhập lậu nào. Hiện C49 đã xác minh được cụ thể các đầu mối nhập khẩu. Ít ra, với salbutamol, cơ quan chức năng còn biết được số lượng nhập khẩu, tiêu thụ, nhưng với kháng sinh dùng trong chăn nuôi, cơ quan chức năng chỉ cung cấp thông tin là khoảng 70% được nhập từ Trung Quốc; hay chất auramineo, còn được gọi là chất vàng ô, thì vẫn chưa có số lượng cụ thể, vì theo ông Việt, đây vốn là chất tạo màu công nghiệp dùng trong sản xuất, nhuộm vải, được bán tràn lan tại nhiều cơ sở hóa chất nên mua rất dễ dàng.

Chất cấm chưa được loại bỏ khỏi thịt heo

Cũng vì thế, dù trên bao bì nhập khẩu sản phẩm này ghi rõ “cấm dùng trong thực phẩm và chăn nuôi” nhưng chúng lại được trộn vào thức ăn chăn nuôi để giúp da, chân, lòng đỏ trứng gia cầm có màu vàng; thậm chí nhuộm màu trực tiếp cho gia cầm, măng tươi, dưa cải… Giấy phép nhập khẩu lại thuộc Bộ Công thương nên việc nắm số lượng cụ thể phải đợi cơ quan này phối hợp.

Quản lý chồng chéo người dân lãnh đủ

Đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, cơ quan quản lý không buông lỏng những chất độc hại này mà chỉ là “kiểm soát không hiệu quả (!?)”. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, chất cấm của ngành này nhưng lại là chất được phép sử dụng ở ngành khác là nguyên nhân chính khiến các độc chất len lỏi vào thực phẩm. Vì sự chồng chéo đó nên những chất này được buôn bán, sử dụng sai đối tượng, dù C49 đã nắm được nhưng chưa xử lý vì vướng một số điều khoản về pháp luật giữa các ngành. Việc kiểm soát không hiệu quả của cơ quan chức năng hóa ra rất đơn giản là do cơ chế quản lý quá nhiều tầng, nhiều lớp nên những tồn tại gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân vẫn bị những người có “chức quyền” xem thường.

PGS-TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho biết, hiện có 27 hóa chất, kháng sinh bị cấm trong chăn nuôi, trong đó các chất kích thích tăng trọng chiếm tỷ lệ lớn, gồm hai nhóm chính là β2- agonist và nhóm các steroid, nguy hiểm nhất là các chất tăng trọng nhóm β2-agonist, vốn là nhóm thuốc dùng để trị bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Những chất này giúp làm dãn cơ trơn của đường khí phế quản, mở rộng đường phế quản. Những chất này sử dụng sai mục đích vào chăn nuôi có thể gây hậu quả khôn lường vì người tiêu dùng ăn phải có thể bị ngộ độc cấp tính như: ói mửa, run chân tay, phù nề, viêm nhiễm, liệt cơ…; đặc biệt nguy hiểm với những người cao huyết áp, có bệnh tim vì có thể gây đột quỵ, trụy tim; hoặc có thể gây nhiễm độc gan mạ n tính, bị gan nhiễm mỡ, xơ gan, dị ứng, vàng da, rối loạn hormone (phụ nữ mọc râu, rụng tóc)… Chất vàng ô còn có thể phá hủy ADN trong tế bào gan, thận và tủy xương, người mang thai có thể bị sẩy thai hoặc dị tật thai nhi…

Điều đáng quan ngại, theo PGS-TS Lã Văn Kính, Giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ là chất cấm vẫn tiềm ẩn rủi ro rất lớn trong bữa ăn hằ ng ngày. Tuy nhiều chuyên gia đã chỉ dẫn cách nhận biết thịt nhiễm những chất này, nhưng lại khẳng định, không có một biện pháp cảm quan nào có thể biết chắc chắn được thịt có bị nhiễm chất cấm hay không. “Khổ nhất là người dân lao động nghèo, không có điều kiện để mua thực phẩm được gọi là an toàn vì quá đắt, phải trực tiếp gánh chịu hậu quả…”, một cán bộ quản lý thị trường tỉnh Bình Dương nói.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI