Chất cấm trong Chin-su có đầy trong nhà bếp

10/04/2019 - 05:39

PNO - Mẹ tôi mở ngay tủ lạnh, lấy chai tương ớt giống y chang mẫu sản phẩm bên Nhật, căng mắt dò tìm a-xít này trong danh mục thành phần của sản phẩm. “Không thấy có chất này” - nét mặt bà lộ rõ vẻ bất an.

Ngay khi nghe tin tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản do có chứa a-xít benzoic, mẹ tôi mở ngay tủ lạnh, lấy chai tương ớt giống y chang mẫu sản phẩm bên Nhật, căng mắt dò tìm a-xít này trong danh mục thành phần của sản phẩm. “Không thấy có chất này” - bà bỏ chai tương ớt xuống bàn, nét mặt lộ rõ vẻ bất an. 

Chat cam trong Chin-su co day trong nha bep
 

Sẽ rất khó để người tiêu dùng như mẹ tôi nhận biết các chất phụ gia, chất bảo quản có trong các sản phẩm gia vị, nước chấm, thực phẩm chế biến. A-xít benzoic có trong cả tương ớt, nước tương, nước chấm, “nước mắm công nghiệp” và các loại thực phẩm chế biến như giò chả, xúc xích… Mã của chúng trong danh mục chất bảo quản là E210 lại không nằm trong thành phần công bố trên nhãn sản phẩm. Trên nhãn, chủ yếu là mã E211 và E202, mà E211 chính là chất bảo quản natri benzoat, là muối của a-xít benzoic, có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn và nấm, giúp sản phẩm không bị hư, thối nhanh. 

Natri benzoat cũng chính là một trong những chất chống thối bị các nhà sản xuất nước mắm truyền thống vạch mặt, và họ không chấp nhận thứ nước chấm dùng một ít nước mắm pha trong dung dịch nhiều nước, muối, chất tạo màu, hương liệu. Chính vì nước mắm ít nên các nhà sản xuất “nước mắm công nghiệp” phải dùng muối natri của a-xít benzoic để ngăn ngừa sản phẩm bị hư thối, trong khi nước mắm truyền thống được bảo quản tự nhiên nhờ muối ăn… Và dĩ nhiên, không chỉ nước mắm, nước chấm mà rất nhiều loại gia vị, bột nêm thực phẩm chế biến sẵn trong tủ lạnh các gia đình đều có chứa a-xít benzoic.

Khi trả lời báo chí về việc phụ gia a-xít benzoic có được sử dụng trong tương ớt và các sản phẩm thực phẩm hay không, bà Trần Việt Nga - Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho rằng, việc xây dựng tiêu chuẩn thực phẩm dựa trên một số nguyên tắc nhất định, trong đó có tính toán đến thói quen sử dụng thực phẩm và mức độ sử dụng thực phẩm khác nhau để cho phép sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản trong thực phẩm. Lời giải thích này chưa thực sự rõ ràng, nhưng ít nhiều thể hiện rằng, việc cho phép dùng phụ gia có a-xít benzoic tại Việt Nam là không tính đến thói quen tiêu dùng của người Việt. 

Trên nhãn mác bao bì các sản phẩm gia vị, nước chấm, thực phẩm chế biến… là danh sách các loại, các nhóm chất phụ gia, trong đó chủ yếu là chất điều vị, chất tạo ngọt và siêu bột ngọt, phụ gia bảo quản và phụ gia tạo màu. Tất cả đều được mã hóa bằng những con số, chẳng hạn nhóm có số “6…” là chất điều vị, nhóm chất bảo quản có số “2…”, nhưng đại bộ phận người tiêu dùng khó lòng biết được những con số này đại diện cho nhóm chất phụ gia nào để tránh mua. Cũng không mấy người chịu bỏ thời gian để tra cứu, tìm hiểu. 

Theo một số tài liệu khoa học, khi natri benzoat kết hợp cùng các thành phần có vitamin C, sẽ gây phản ứng hóa học tạo ra benzene - một chất gây ung thư. Benzene được Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) và Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARC) xếp loại là chất gây ung thư nhóm A1. Lượng vitamin C trong ớt rất cao chính là nguyên nhân mà Nhật Bản và một số nước không cho phép sử dụng chất bảo quản này. Trong khi đó, không chỉ tương ớt mà rất nhiều loại gia vị, nước chấm, thực phẩm khác tại Việt Nam có chứa a-xít benzoic lại được dùng kèm với những loại rau củ vốn chứa nhiều vitamin C như ớt, cà chua, chanh. 

Dù biết rằng, phải ăn nửa ký tương ớt mới có thể bị a-xít benzoic gây hại, nhưng vì hoạt chất này được sử dụng quá phổ biến để bảo quản các loại thực phẩm, thì việc dùng nhiều, dùng lâu dài e cũng đáng lo. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI