Chấp nhận 'phiên bản' mới của bạn đời để yêu và cưới nhau lần nữa

12/05/2017 - 10:14

PNO - Bà tôi từng bảo với tôi rằng: “Suốt cuộc hôn nhân mấy chục năm của bà, bà cưới rất nhiều lần, nhưng đều với một người đàn ông duy nhất”.

Thời gian gần đây, bỗng nhiên tôi nhận thấy nhiều bạn bè đang đứng trên bờ vực ly hôn. “Anh ấy không còn là người đàn ông mà tớ từng yêu nữa” - một bạn cũ thời cấp III bảo tôi. “Cô ấy vẫn thế, nhưng mình thì đã khác” - một đồng nghiệp lại nêu lý do.

Và phổ biến nhất là lời than phiền: “Tụi mình không còn hợp nhau nữa”. Tôi thấy những bức xúc về mặt tinh thần và hành hạ về mặt thể chất là những lý do phổ biến nhất dẫn đến ly hôn. Nhưng nghe ngóng thêm thì tôi lại thấy có một thứ khác tự nhiên phá vỡ các cuộc hôn nhân: đổi thay.

Chap nhan 'phien ban' moi cua ban doi de yeu va cuoi nhau lan nua
Ảnh minh họa

Cảm thấy bị đe dọa bởi các đổi thay, hay khi thiếu vắng chúng - là một vấn đề ngàn xưa của con người. Thế nhưng, đến một thời điểm nào đó trong mối quan hệ hôn nhân lâu dài, bạn sẽ sững lại, ngỡ ngàng nhận ra bạn đời của mình đã không còn là con người mà bạn biết từ những ngày đầu nữa.

Và thường thì những con người mới đó không đẹp đẽ hay thú vị gì hơn. Có thể đó là, từ một anh chàng ham thích thể thao thành một kẻ lười biếng, một cô nàng tinh nghịch thành người suốt ngày than phiền, hay một trí thức đầy nhiệt huyết thành một nhân viên văn phòng mệt nhọc, chán chường.

Chắc hẳn là bạn sẽ cảm thấy mình bị phản bội bởi những thay đổi này. Bạn yêu một người, theo đuổi người đó suốt những năm tháng hẹn hò, rồi quyết định cưới hỏi, thế mà giờ đây cái người bạn đời đó lại trở thành một người khác, bạn sẽ nghĩ rằng người kia đã vi phạm “hợp đồng hôn nhân”. Đó là cách mà bạn bè của tôi tiến đến cái tình cảnh trên bờ vực tan vỡ hôn nhân đó.

Tôi tự hỏi, liệu có phải vì chúng ta không thích ứng được với những đổi thay, của bạn đời hay của chính ta, hay là vì ta còn tìm cách bám víu lấy quá khứ? Từ nhỏ đến khi lớn lên, tôi thường đi qua một con đường trước nhà, đi học rồi đi làm, vẫn con đường đó.

Chap nhan 'phien ban' moi cua ban doi de yeu va cuoi nhau lan nua
 

Khi đô thị hóa, hai bên đường được lấp đầy bằng những cửa tiệm và siêu thị. Đối với tôi, đó là một sự thật rất khó chịu, vì hình ảnh của con đường cũ trống vắng đó luôn là hoàn hảo đối với tôi, khiến quên mất những lợi ích của con đường mới.

Khi nhìn vào bạn đời của mình, tôi cũng cảm thấy tương tự: “Con người cũ ấy đã đi đâu mất rồi?”. Sự hoài cổ, một phản ứng tự nhiên của con người, chính là nhân tố tạo ra bức xúc của ta với thay đổi của bạn đời. Mà thay đổi là một điều rất tự nhiên. Chẳng ai sống mà không từ từ bị ảnh hưởng bởi thời gian. Thật là ngớ ngẩn nếu bạn cứ để cho hai hiện tượng này làm rạn nứt cuộc hôn nhân của mình.

Câu trả lời nằm ở khả năng thích ứng. Để có thể tạo nên một cuộc hôn nhân bền bỉ, vợ và chồng phải tìm cách chấp nhận những thay đổi của nhau. Sáu năm trước, tôi đã có viễn tưởng về một người đàn ông lý tưởng của mình: trí thức, tinh tế, lịch thiệp và không cục mịch hay hiếu động như hàng đống những chàng trai “nam tính” cùng trang lứa.

Nhàn - chồng của tôi, chính là lựa chọn lý tưởng, anh ấy là một người ham học, ghét thể thao, tính tình nhẹ nhàng, điềm đạm. Nhưng  mấy năm gần đây, Nhàn lại là một con người khác. Từ khi chúng tôi mua nhà mới với một cái sân rộng, anh ấy đã tìm đến thú vui của việc chế tác đồ gỗ, sửa chữa đồ đạc trong nhà và… ngạc nhiên thay, chơi bóng rổ. 

Có lẽ chính anh ấy cũng ngạc nhiên vì dạo gần đây, lúc nào rảnh, anh ấy cũng dính bẩn, người đầy mồ hôi, khác với phong cách công tử thời trẻ. Khi xưa, tôi đã xem điều đó thật là khó ưa, nhưng tôi hiện tại cũng đã là một người đàn bà khác. Con nhỏ mọt sách ngày nào giờ lại thích làm vườn, trồng rau sạch và hoa.

Hai con người hoàn toàn khác lạ này vẫn hạnh phúc hệt như hai con người ở quá khứ mới cưới nhau. Chúng tôi đã chấp nhận những “phiên bản” mới của bạn đời, và bằng cách nào đó, lại ngả lòng yêu nhau một lần nữa.

Bà tôi từng bảo với tôi rằng: “Suốt cuộc hôn nhân mấy chục năm của bà, bà cưới rất nhiều lần, nhưng đều với một người đàn ông duy nhất”. Đến giờ, tôi mới hiểu câu nói đó có ý nghĩa như thế nào. Tôi và chồng đến nay có lẽ đã cưới nhau ba lần, một lần vào thời còn đi học, một lần nữa khi chúng tôi có con, và lại một lần nữa khi chúng tôi chung tay xây nhà mới.

Chỉ kể riêng thời kỳ tôi có bầu, đó là lúc tôi thay đổi nhiều nhất. Tôi đã mập lên cả chục ký với hàng đống triệu chứng khủng hoảng mà bà mẹ mang bầu nào cũng có. Nhìn lại các hình chụp lúc đó, tôi vẫn nghĩ nó thật ngớ ngẩn và phần nào đáng sợ.

Chồng tôi lại rất thích thú với những ngày đó, anh ấy xem thời gian thử thách đó là một “hành trình thú vị”. Tôi vẫn nhớ anh ấy lăng xăng giúp tôi chịu đựng những cơn đau, ói mửa... nhưng vẫn tỏa ra một hào quang hạnh phúc, chực chờ ngày chào đời của đứa con đầu lòng.

Thế là chúng tôi đã “thích ứng” với nhau khá tốt. Nhưng bảo “thích ứng” thì có vẻ hơi gượng ép. Và thực ra mà nói, tôi thường thờ ơ với những thay đổi hơn là để chúng làm mình khó chịu. Có ghét cũng chả cản được việc ta sẽ thay đổi, về ngoại hình hay về tính tình. Ngược lại, tôi nghĩ bạn còn cần phải sẵn sàng đón chào những điều đổi thay khác lạ đó nữa. 

Hôm nọ, tôi lỡ tay đặt một bịch cà chua hơi quá sát với cạnh bàn, một quả rớt xuống và kéo theo cả bịch. Trong một khoảnh khắc, tôi đã nghĩ thế là hôm nay phải ăn cà chua giập. Bỗng nhiên, Nhàn ngồi cạnh đó với lấy, chụp cả ba quả cà chua giữa không trung, từng cái một với độ chính xác kỳ lạ.

Tôi trố mắt và khen: “Oái, đâu ra mà tài thế?”. Ảnh chỉ cười, để tôi ngỡ ngàng thán phục một người đàn ông mà tôi nghĩ là mình đã biết hết tài. Đó đã là một điều hoàn toàn mới mẻ và kỳ lạ sau biết bao nhiêu năm chung sống. 

Trâm Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI