Chấp nhận “lớp chật trò đông” khi vào năm học mới

28/08/2024 - 06:04

PNO - Bước vào năm học 2024-2025, đa số trường tiểu học chấp nhận tình trạng học sinh mỗi lớp quá đông, khó có thể đảm bảo sĩ số bằng hoặc ít hơn 35 học sinh/lớp như hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Cô Nguyễn Ngọc Châu - giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2, Trường tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12, TPHCM - sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh - ẢNH: NGUYỄN LOAN
Cô Nguyễn Ngọc Châu - giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2, Trường tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12, TPHCM - sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh - Ảnh: Nguyễn Loan

Nhiều trường có 55 học sinh/lớp

Năm học 2024-2025, lớp 4A6, Trường tiểu học Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, TP Hà Nội có 55 học sinh (HS). Các dãy bàn được ghép lại, kê sát bục giảng để HS có đủ chỗ ngồi. Trước đây, mọi dãy nhà của trường đều được xây 2 tầng nhưng sau đó phải cơi nới thành 3 tầng, 4 tầng để tăng thêm phòng học. Dù vậy, nhà trường vẫn không thể đưa sĩ số về dưới 50 HS/lớp. Ông Lê Trung Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, 5 năm nay, mỗi năm, trường tăng thêm 3-5 lớp.

Không riêng gì trường Nguyễn Trãi, ở quận Hà Đông, sĩ số trung bình của các trường tiểu học là 50 HS/lớp. Riêng năm học này, sĩ số trung bình của khối lớp Một là 42 HS/lớp. Còn ở quận Nam Từ Liêm, sĩ số trung bình ở các trường tiểu học là 48 HS/lớp. Mỗi năm, quận này tăng thêm khoảng 5.000 HS nên dù đã xây thêm 2 trường tiểu học, 1 trường mầm non, 1 trường THCS và nâng cấp, sửa chữa, xây thêm phòng học ở 11 trường, sĩ số trung bình mỗi lớp vẫn không thể thấp hơn.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, toàn thành phố xây thêm hơn 430 trường nhưng vẫn thiếu trường, lớp - đặc biệt ở nội thành - do gia tăng dân số cơ học quá lớn. Năm học 2024-2025, toàn thành phố tăng thêm 39 trường nhưng số HS đầu cấp cũng tăng thêm khoảng 70.000 em so với năm học trước.

Ở TPHCM, quận 12 có sĩ số HS đông nhất do gia tăng dân số cơ học liên tục trong khi việc xây trường mới lại vướng thủ tục sử dụng quỹ đất. Bà Huỳnh Thị Tuyết Hoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12 - cho biết, sĩ số toàn trường thường trên 4.300 HS nên năm nào, nhà trường cũng phải tính toán số phòng, số lớp để bố trí HS cho phù hợp. Đây là trường có đông HS nhất TPHCM.

Do số phòng học có hạn nên toàn bộ HS của trường chỉ được học 1 buổi/ngày và phải đi học thêm vào thứ Bảy để đủ mức tối thiểu 6 buổi/tuần như quy định. Sĩ số trung bình của trường là trên 50 HS/lớp, một số lớp của khối Bốn, khối Năm có sĩ số 55 HS/lớp.

Học sinh khối lớp Một của Trường tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12, TPHCM dự ngày hội Chào đón học sinh lớp Một sáng 22/8.  Đây là trường có số lượng học sinh đông nhất ở TPHCM - ẢNH: NGUYỄN LOAN
Học sinh khối lớp Một của Trường tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12, TPHCM dự ngày hội Chào đón học sinh lớp Một sáng 22/8. Đây là trường có số lượng học sinh đông nhất ở TPHCM - Ảnh: Nguyễn Loan

Do thiếu phòng học, 3 năm nay, khối lớp Năm của Trường tiểu học Hà Huy Giáp, quận 12 phải qua phường khác học “ké” ở một trường THCS mới xây. Mỗi khi có buổi sinh hoạt chung toàn trường, cô trò phải kéo nhau về trường chính. Là trường tiểu học duy nhất của phường Thạnh Lộc nên năm nào, khối lớp Một của trường này cũng có 16-17 lớp.

Bà Nguyễn Hoàng Yến - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, để giảm sĩ số 58 HS/lớp ở các lớp bán trú, 2 năm học trước, khi nhận HS vào lớp Một, trường không tổ chức lớp bán trú. Hiện tại, trường chỉ còn lớp bán trú ở khối Bốn và Năm, mỗi lớp từ 55-56 HS. Các lớp học 1 buổi/ngày có giảm sĩ số nhưng vẫn xấp xỉ 50 HS/lớp.

Đông trò thì phải tăng thầy cô

Năm học 2024-2025 này, lớp 1/1 Trường tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12 có 52 HS. Cô Lê Thị Minh Thúy - giáo viên chủ nhiệm lớp - cho biết, với chương trình mới, nội dung nhiều nhưng chỉ dạy và học 1 buổi/ngày nên giáo viên chỉ cố gắng dạy hết nội dung trong chương trình, không có thời gian để mở rộng kiến thức, tổ chức các hoạt động khác hay kèm cặp thêm cho HS yếu.

Trong năm học mới 2024-2025, các sở GD-ĐT cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm 2025-2030 để địa phương chủ động đầu tư cho giáo dục.

Ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Cô Minh Thúy tâm sự: “Với những em học chậm, chúng tôi phải nhờ phụ huynh hỗ trợ. Thời gian cố định, HS lại quá đông nên giáo viên không có điều kiện theo sát từng em. Buổi 2 là thời gian để mở rộng chương trình, như rèn tập viết, tập đọc, làm toán, sinh hoạt văn nghệ nhưng trường không có điều kiện tổ chức buổi 2 nên HS chịu nhiều thiệt thòi so với HS trường khác”. Để giúp hơn 50 HS hoàn thành tốt chương trình, cô phải luôn đến sớm, về trễ để hỗ trợ cho những HS tiếp thu chậm.

Tại Hà Nội, cô Nguyễn Diệu Linh - giáo viên tiếng Anh, Trường tiểu học Nguyễn Trãi, quận Hà Đông - cho hay, hơn 10 năm nay, cô chưa từng dạy lớp nào có sĩ số dưới 40 HS. Theo cô, dạy những lớp đông HS khá vất vả, HS cũng ít nhiều chịu thiệt thòi, bởi giáo viên không thể sát sao từng em. Để khắc phục, cô và các giáo viên trong trường phải lên kế hoạch cẩn thận cho từng bài giảng cũng như tìm hiểu, nắm bắt tâm lý, khả năng của từng HS để có sự điều chỉnh phù hợp.

Do quá đông học sinh nên Trường tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội phải xếp 3 em ngồi chung 1 bàn - ẢNH: UÔNG NGỌC
Do quá đông học sinh nên Trường tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội phải xếp 3 em ngồi chung 1 bàn - Ảnh: Uông Ngọc

Về vấn đề sĩ số HS mỗi lớp đông, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam - cho rằng, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ cần nhất trí tăng chỉ tiêu giáo viên. Với những lớp quá đông HS, có thể phân công 2 giáo viên đứng lớp, hỗ trợ HS. Về lâu dài, cần nhanh chóng mở rộng, xây mới trường học các cấp theo đà tăng dân số. Ngoài việc sử dụng ngân sách nhà nước, có thể mở rộng chính sách hợp tác công - tư để từng quận, huyện căn cứ nhu cầu phát triển dân số trong quá trình đô thị hóa mà giao mặt bằng cho các nhà đầu tư xây dựng trường.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông - cũng cho rằng, UBND TP Hà Nội cần dành thêm quỹ đất cho giáo dục, đồng thời tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển để kéo giảm sĩ số HS ở trường công. Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND quận đầu tư xây dựng thêm trường mới, UBND quận cũng đã chỉ đạo chuyển đổi mục đích một số quỹ đất để xây dựng trường học.

Còn bà Lê Thị Thanh Tâm - Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Nam Từ Liêm - đề xuất, Bộ GD-ĐT nên có cơ chế đặc thù đối với các trường học ở nội thành TP Hà Nội - như tăng giáo viên - bởi tốc độ xây mới trường lớp không giúp kéo giảm sĩ số xuống mức thấp hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - vấn đề trường lớp ít, HS tăng đều hằng năm tạo áp lực lớn cho ngành giáo dục. Với sĩ số HS đông như hiện nay, thầy cô giáo khó thực hiện các phương pháp đổi mới, nâng cao chất lượng dạy, học.

TPHCM đang triển khai đề án xây 4.500 phòng học đến cuối năm 2025, trong đó 3.000 phòng học từ vốn đầu tư công, 1.500 phòng học từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Từ khi triển khai đề án, nhiều địa phương đã có trường mới, giải quyết được phần nào tình trạng thiếu trường lớp. “Sở cũng đang bàn bạc với lãnh đạo UBND cấp quận huyện để xem khu đất nào có thể xây trường được thì đề xuất xây để có thêm chỗ học cho HS” - ông nói.

Có kế hoạch, giải pháp cụ thể để tăng số trường, lớp

Theo Bộ GD-ĐT, sĩ số HS mỗi lớp chỉ cao vượt mức quy định ở một số tỉnh, thành phố lớn có tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, như TP Hà Nội, TPHCM, TP Hải Phòng, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai. Xét trên bình diện chung cả nước, sĩ số HS trung bình vẫn không quá cao.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhận định, TPHCM là địa phương có số HS đông thứ hai cả nước (sau TP Hà Nội) nên gặp áp lực nặng về chuyện trường, lớp. Trung bình mỗi năm học, TPHCM tăng thêm khoảng 25.000 HS, trong khi phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng giáo dục ngày càng cao, nhất là khi phải thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo ông, không thể giảm sĩ số mỗi lớp xuống bằng mức tiêu chuẩn chỉ trong 1-2 năm mà cần có lộ trình đầu tư xây dựng trường lớp. UBND và Sở GD-ĐT TPHCM cần có giải pháp từng bước khắc phục khó khăn, cái nào khắc phục được ngay thì nên làm liền, cái nào cần lộ trình thì phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể. Cũng theo ông, mô hình lớp học lý tưởng là chỉ có 15-20 HS và yêu cầu cao nhất trong việc dạy và học là cá thể hóa từng đối tượng, mà muốn cá thể hóa thì mỗi lớp không thể có quá đông HS.

Nguyễn Loan

Đồng bằng sông Cửu Long cũng quá tải trường, lớp

Tình trạng đông HS ở mỗi trường, mỗi lớp cũng diễn ra ở nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ở tỉnh Kiên Giang, tình trạng quá tải HS diễn ra ở nhiều nơi nhưng nặng nề nhất là TP Phú Quốc, với sĩ số 40-45 HS/lớp. Nguyên nhân là do Phú Quốc phát triển “nóng”, mỗi năm thu hút hàng chục ngàn người lao động từ các nơi khác đến nhưng số trường, số lớp lại không tăng. HĐND TP Phú Quốc vừa hủy bỏ chủ trương đầu tư 12 dự án, trong đó có 7 dự án xây trường học với lý do chưa bố trí được quỹ đất.

Ở TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, nhiều trường tiểu học có trên 40 HS/lớp, như Trường tiểu học Quang Trung có 43 HS/lớp, Trường tiểu học Hùng Vương có 44 HS/lớp, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi có 43 HS/lớp, Trường tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu có 45 HS/lớp, Trường tiểu học Lê Quý Ðôn có 44 HS/lớp. Còn huyện Đầm Dơi của tỉnh này còn thiếu 90 phòng học trong giai đoạn 2021-2025 nên khó tổ chức học 2 buổi/ngày.

Theo Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, thành phố này vẫn thiếu khoảng 41 phòng học phục vụ cho lớp 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học. Ninh Kiều - quận trung tâm của TP Cần Thơ - luôn có sĩ số ở bậc tiểu học hơn 40 HS/lớp. UBND TP Cần Thơ xác định ưu tiên quỹ đất phát triển mạng lưới trường lớp và yêu cầu UBND các quận, huyện đảm bảo có mặt bằng “sạch” để xây dựng trường, lớp ngay khi có vốn đầu tư.

Phú Hữu - Văn Phước

Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ - Phó tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT: Cần kết hợp linh hoạt các giải pháp

Tình trạng thiếu trường, lớp xảy ra không đồng đều giữa các địa phương không thể ứng phó hoặc giải quyết trong một sớm, một chiều mà cần phải có chiến lược, linh hoạt các mô hình khác nhau. Ví dụ ở những trường có lượng HS lớn, thiếu điều kiện như không gian vui chơi, giao tiếp thiên nhiên…, để HS có thể phát triển toàn diện thì chương trình giáo dục phải thay đổi, có sự phân bổ hợp lý việc giáo dục ngoài khuôn viên nhà trường.

Vấn đề thiếu trường lớp hiện nay ở một số địa phương đang “nóng” nhưng sau 5 năm hay 10 năm có thể sẽ không như vậy nữa (nhiều quốc gia đã có thực tế này khi tỉ lệ sinh giảm). Vì vậy, tiêu chuẩn đáp ứng số lượng, chất lượng một cách cụ thể với từng khu vực phải được xem xét và không thể đánh đồng như nhau ở mọi lúc, mọi nơi (ví dụ tiêu chuẩn m²/HS, số lượng phòng học bộ môn, phòng chức năng… hay diện tích sân trường, sân chơi, cây xanh, đường giao thông…).

Đối với những quận “nóng” về trường lớp, việc cải tạo, xây mới trường lớp là giải pháp tốt nhưng cần phải đi kèm giải pháp tạm thời, vì giải quyết tình trạng này không thể chỉ trong vài ba năm. Cần có giải pháp ngắn hạn, tạm thời là nghiên cứu, xem xét, đưa vào sử dụng các địa điểm có thể trở thành nơi diễn ra hoạt động học tập; phải thực hiện mô hình hỗ trợ hoạt động giáo dục mang tính liên hợp chứ không nhất thiết đầu tư bằng được để xây dựng trường to, đẹp.

Cũng cần phải tính đến việc nơi nào có dân số quá lớn thì tách trường, tăng số lượng trường để giảm áp lực đối với lớp học và trường học (như Trường THCS Giảng Võ ở Hà Nội tách thành Trường THCS Giảng Võ và Trường THCS Giảng Võ 2). Bởi số lượng HS/trường; sĩ số HS/lớp quá lớn sẽ ảnh hưởng đến cả công tác quản lý cũng như việc đảm bảo chất lượng học tập. Cần có tiêu chuẩn, tiêu chí… riêng cho những địa bàn đặc thù.

Chẳng hạn ở các trường học trong khu đô thị lớn thì ngoài việc tuân thủ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng quốc gia cần có những tiêu chí đặc thù phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Ví dụ các khu đô thị lớn cần có tiêu chuẩn về số lượng giáo viên/trường, giáo viên/lớp cao hơn trung bình chung…

Uông Ngọc

Uông Ngọc - Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI