Chấp bút cho tự truyện, gọi nôm na là người nắm giữ những bí mật, họ cũng phải tỉnh, tỉnh trong cuộc trò chuyện với nhân vật, tỉnh trong việc lựa chọn chi tiết để viết lại một quãng đời/một cuộc đời.
“Trốn chạy” khỏi nhân vật
Làng sách từng chào đón nhiều cuốn tự truyện ra mắt nhưng riêng những cuốn về người nổi tiếng được chú ý hơn cả. Tuy vậy, dẫu hoạt động trong lĩnh vực nào, để kể lại được trọn vẹn hay chỉ một quãng đời, đòi hỏi người chấp bút phải tìm hiểu nhân vật, thậm chí cùng sống để có những trải nghiệm chân thật nhất. Cũng từ đây, nhiều cuộc “chạy trốn” để thoát khỏi nhân vật xảy ra với không ít tác giả.
|
Cuốn tự truyện Lột xác của Lâm Khánh Chi |
“Sau mỗi cuốn sách, tôi trống rỗng trong tầm 5 đến 10 ngày mới có thể bắt đầu viết lại. Có thời điểm, trong 3 năm liền tôi chỉ viết tự truyện, nên khi bắt đầu viết lại thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết mình đã theo đuổi trước đó rất khó. Suốt 3 năm, tôi không viết được một truyện ngắn nào khác, người lơ lửng. Tôi cứ nghĩ về nhân vật. Cuộc đời của họ cứ theo mình”, nhà văn Việt Hà – người chấp bút cho tự truyện của nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm, Lý Ngọc Minh – chủ gốm sứ Minh Long, ca sĩ Lâm Khánh Chi… chia sẻ.
Cùng với nhà văn Việt Hà, cây bút Võ Thu Hương – người chấp bút cho tự truyện của Đức Phúc, hot girl Huyền Anh... đồng tình với việc phải mất một thời gian để cân bằng lại cuộc sống, sáng tác: “Tôi cũng mất rất nhiều thời gian để không nghĩ về nhân vật trong những ngày đầu viết tự truyện. Tôi gần như khó lấy lại cảm xúc để bắt đầu công việc thường ngày vì sau khi hoàn thành bản thảo, tôi phải theo sát quá trình chỉnh sửa, bổ sung khiến bản thân bị cuốn theo nhân vật khá lâu”.
Nhà văn Việt Hà tâm sự thêm, việc hoá thân vào nhân vật để kể câu chuyện của họ là yêu cầu cơ bản của người chấp bút. Đối với những người mới bắt đầu, cuộc “chạy trốn” này rất khó khăn nhưng khi đã làm được thì đó trở thành đam mê. “Việc chấp bút cho tôi lạc vô hẳn cuộc đời của những người khác nhau. Ở đó không có ranh giới giữa văn chương nghệ thuật, mà dù có viết cho vĩ nhân hay những con người bình thường thì cuộc đời của ai cũng đáng là một cuốn sách. Tôi đam mê thật sự”.
|
Những dòng đầu tiên trong tự truyện của Lâm Khánh Chi |
Tuy gặp khó khăn trong việc lấy lại thăng bằng trong cảm xúc để tiếp tục hoạt động sáng tác, cũng như bản thân bị hạn chế khả năng sáng tạo trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng nhiều tác giả gắn bó với nghề chấp bút vì họ cảm thấy hành trình khám phá cuộc đời của một nhân vật là một “chuyến đi” thú vị.
Và những “cơn mưa gạch đá”…
Có một thời gian, những chỉ trích từ dư luận khiến tự truyện của NSƯT Lê Vân: Lê Vân – Yêu và Sống nổi như cồn. Độc giả bị cuốn vào câu chuyện “tố” chính gia đình của nữ nghệ sĩ. Đến tự truyện của diễn viên Thương Tín: Thương Tín – Một đời giông bão, cơn phẫn nộ lại tiếp tục nổi lên khi nam diễn viên trong tự truyện hiện lên là một tay ăn chơi, Lột xác của Lâm Khánh Chi bị tố có nhiều chi tiết “ảo” hay Vàng Anh và Phượng Hoàng – dự án khi vừa công bố thì cả nhân vật, tác giả đều bị công kích…
Khán giả có lý do để phản ứng trước những sự thật trong tự truyện dù họ không phải người trong cuộc. Nhưng đó là điều dễ hiểu vì trước những chi tiết gây hoang mang, khán giả được quyền lên tiếng.
|
Sau khi tự truyện ra mắt, hầu như người nổi tiếng nào cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều |
“Cuốn tự truyện thứ 2 của tôi - Lạc giữa thanh xuân là kỷ niệm nhớ đời khi chấp bút cho Huyền Anh, các bạn trẻ thường gọi cô ấy là Bà Tưng. Tôi nhận về chỉ trích rất nhiều, mọi người nói Huyền Anh là cô "chân dài, não ngắn" mà người chấp bút cho nhân vật như vậy thì cũng không ra sao. Thời điểm đó, tôi còn làm báo nhưng nhiều đồng nghiệp báo chí chỉ trích, cho rằng tôi muốn đánh đu theo để nổi tiếng. Tôi cảm thấy sốc”, nhà văn Thu Hương nói.
Áp lực từ nhân vật mang lại cho người chấp bút rất lớn, vì ngoài những cái tên “sạch” scandal, tác giả còn kể câu chuyện của những người đang không nhận được sự ủng hộ từ dư luận. Vậy tại sao họ lại chấp nhận viết về nhân vật mà biết chắc sau khi tự truyện ra mắt sẽ nhận về sóng gió?
“Lâm Khánh Chi là người đơn giản không như chúng ta vẫn nghĩ về cô ấy. Cô ấy ngoan, khi tôi yêu cầu gặp tôi không được đến trễ, không kênh kiệu, không trang điểm loè loẹt, không dẫn theo đám đông chụp hình, Chi đều thực hiện. Trong tất cả các cuộc hẹn của tôi, chưa bao giờ cô ấy đến trễ một phút, cô cũng không trang điểm. Đó là điều tôi thấy mình được tôn trọng, cũng như có cái nhìn khác về Chi”, nhà văn Việt Hà kể.
Với nhà văn Thu Hương, cô khẳng định bản thân không đến với chấp bút vì tiền, hay vì danh tiếng nhân vật mà do cô muốn làm việc với người trẻ, cũng như muốn tìm hiểu cuộc đời của nhân vật và đơn giản, nghề của cô là viết.
|
Tự truyện của Hari Won |
Tác giả Trần Minh, người chấp bút cho tự truyện của ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh cho biết: “Lúc mới công bố dự án cách đây 1 năm, tôi đọc được một số điều không hay nói về tôi cũng như nhân vật của mình nhưng từ khi ra mắt tự truyện, tôi không còn nghe những điều không hay đó nữa. Tôi nghĩ những ai đã cầm trên tay cuốn sách thì họ đã hiểu phần nào công việc của tôi làm”.
Những trận “gạch đá” do vô tình hay hữu ý gặp phải với tác phẩm, nhân vật, người chấp bút cũng chịu một phần ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, việc nhận chỉ trích nhiều hay ít, người chấp bút hoàn toàn có thể định đoạt được trước khi tác phẩm ra mắt công chúng.
Tỉnh táo và tự trọng
Lắng nghe những tâm sự từ nhân vật, chìm vào những hỷ - nộ - ái - ố của cuộc đời người khác để có mạch cảm xúc chấp bút là tốt, nhưng với nhà văn Việt Hà, người viết phải tỉnh táo và tự trọng.
“Tôi không muốn rơi vào bẫy của nhân vật. Khi họ kể những chi tiết mà tôi cảm thấy họ đang giả, tôi phải thận trọng. Người chấp bút cũng phải tỉnh táo, biết đâu là điều nên đưa vào tự truyện, điều gì nên giấu đi. Có những cuốn tự truyện bị “đánh” bầm dập, tôi nhìn vào đó để tránh. Tôi có một nguyên tắt khi làm nghề là những điều gì ảnh hưởng đến cuộc đời người khác, làm tổn thương sâu và gây hoang mang dư luận tôi sẽ không đưa vào tự truyện”, Việt Hà khẳng định.
|
Tác giả Trần Minh và Hoàng Thuỳ Linh (phải), ca sĩ Phạm Quỳnh Anh |
Theo nữ nhà văn, cô đã chứng kiến nhiều trường hợp người chấp bút đưa vào quá nhiều điều tế nhị và họ phải nhận về những điều chỉ trích mạnh mẽ như cuốn Thương Tín – một đời giông bão và Lê Vân – Yêu và Sống.
Thao tác kiểm tra lại những điều mà nhân vật kể cũng là cách mà người chấp bút chủ động để kiểm tra sự thật trong câu chuyện được nghe 1 chiều. “Khi trò chuyện với Hoàng Thuỳ Linh, tôi xem mình như một người bạn để cô ấy dễ chia sẻ hơn. Trong lúc nói chuyện, bản thân tôi cũng phải tỉnh táo để phân biệt được thật giả nhưng suốt buổi gặp hôm đó, tôi không nói gì về đúng sai mà mình có thao tác double check (kiểm tra lại) sau đó để đảm bảo điều mình viết là đúng sự thật. Nhưng với Linh, tôi may mắn không phải làm điều đó nhiều”, tác giả Trần Minh cho biết.
Với tự truyện, không chỉ nhân vật mà người chấp bút cũng mang những áp lực vô hình khi quyết định đem câu chuyện đời tư chia sẻ rộng rãi. Dẫu vậy, về phía những người chấp bút, họ vẫn có những niềm vui riêng để gắn bó với công việc.
|
Cuốn tự truyện Vàng Anh và Phượng Hoàng
|
“Nhân vật trao gởi cuộc đời của họ cho tôi, đó là một điều may mắn không phải ai cũng có được. Tôi lạc vào cuộc đời người khác, sống thêm một lần nữa nên tôi không mong độc giả nhớ đến mình khi họ đọc tự truyện. Vì sao? Vì thành công của người chấp bút là việc bạn đọc cảm giác chính nhân vật đang kể chứ không phải ai khác dù nhờ người chấp bút, câu chuyện mới thành hình”, nhà văn Việt Hà nói.
Khi sự thật được chọn lọc, tự truyện có còn là tự truyện?
Khi nhắc đến tự truyện, điều đầu tiên mà độc giả nghĩ đến là tính sự thật của tác phẩm ấy. Nhất là tự truyện của những người nổi tiếng, độc giả và khán giả của họ đều cho rằng mình có thể tìm thấy ở tự truyện những câu chuyện thật mà họ chưa từng thấy ở sân khấu. Nhưng, với những tự truyện của sao Việt trong thời gian gần đây, không khó để thấy hầu như những chi tiết được kể đều rất... màu hồng, hoặc chỉ mang tính tô vẽ, làm đẹp cho nhân vật.
Nhà báo Trần Minh: Không có sự thật nào là toàn vẹn!
Giống như bạn nghe một bài hát, xem một bộ phim thì người đạo diễn chỉ muốn mọi người thấy được những điều đó. Tôi chắc chắn rằng trên cuộc đời này không bao giờ có sự thật nào là toàn vẹn hết và nếu tôi lôi hết toàn bộ câu chuyện của Hoàng Thuỳ Linh ra nói thì cuốn sách chắc phải dày đến 500 trang. Cuốn tự truyện đã làm xong phận sự của nó, là kể một câu chuyện cần kể rồi thì những chi tiết không liên quan sẽ không cần thiết xuất hiện nữa.
Khi ra một cuốn sách, điều mà tôi tâm niệm là cuốn sách không làm tổn thương ai, không ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của ai. Trong cuốn sách của Hoàng Thuỳ Linh lần này, có những trách móc, hờn giận người cũ nhưng đó là chuyện đã qua và sự tha thứ xuất hiện. Những người liên quan đến câu chuyện của cô ấy cho đến nay, sau 1 tuần ra mắt họ không lên tiếng về điều gì nghĩa là sự thật mà Linh kể không gây tổn thương cho họ. Còn những câu chuyện bí mật khác giữ lại đương nhiên phải có, nhưng số đó không nhiều và chắc chắn Hoàng Thuỳ Linh sẽ kể trong tương lai.
Nhà văn Việt Hà: Có những sự thật khi nói ra hết thì không có tính nhân văn
Tôi tôn trọng tuyệt đối sự thật nhưng với những chi tiết liên quan có thể làm hạnh phúc của một gia đình, cá nhân lao đao, suy sụp thì tôi cân nhắc. Tôi thảo luận với nhân vật là có nên nêu tên, hay bỏ đi, hay viết tắt tên để cá nhân họ có một cơ hội sống bình thường. Dù đó là sự thật nhưng là sự thật một chiều không thể kiểm chứng thì nó chỉ mới là một nửa sự thật mà thôi.
Trong tự truyện của Lâm Khánh Chi tôi giữ lại 10 – 15% những chuyện bí mật hoặc tự bản thân cảm thấy nó quá sự thật. Tôi không đủ điều kiện kiểm chứng và bản thân tôi cho rằng nói ra sẽ làm tan vỡ hạnh phúc của gia đình khác, cũng có trường hợp tôi không đồng ý đưa nhân vật đó vào vì sự nghiệp của họ đang trên đà phát triển. Nếu nói ra hết, tôi thấy không có tính nhân văn.
Tôi đấu tranh tư tưởng rất nhiều cho chuyện này, tôi nghĩ đến hạnh phúc, danh dự, gia đình của người khác trước khi quyết định đưa hay không đưa chi tiết đó ra đại chúng. Tôi có nói với Khánh Chi quyết định của mình và cô ấy nghe theo. Tôi dùng kỹ thuật sắp xếp lại câu chuyện nhân vật nhưng không dùng kỹ thuật viết lách để làm khác đi sự thật, có chăng những điều tôi giữ lại là phù hợp với hướng khai thác nhân vật của tôi, cũng như tránh gây hoang mang dư luận khi sự thật đó quá sốc nhưng tôi không thể kiểm chứng.
|
Minh Tú