Có lẽ đúng vậy thật, vì anh đã in cả một tập thơ - Chào thế giới bây giờ con đã đến (nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ vừa phát hành), với đầy đủ mọi khoảnh khắc của bé Mì - con gái anh.
1. Có lần, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ, trong nhà anh có một cái tủ, dành riêng để cất các loại giấy tờ khám sức khỏe, hóa đơn… liên quan đến con gái. Kể cả những vỏ hộp sữa đã dùng, vợ chồng anh cũng không bỏ đi. “Giữ lại hết, để sau này xem lại, sẽ nhớ được trong ngày tháng năm nào, con được đi khám ngày nào, uống loại sữa gì” - anh bảo thế. Không biết khi bé Mì (Lê Minh Quốc Ấn) lớn lên, “nguồn tư liệu kỷ niệm” mà cha mẹ dành cho cô ấy sẽ nhiều đến thế nào. Nhưng như thế mới thấy, tình yêu thương và tâm tình dành cho con của nhà thơ Lê Minh Quốc thật đặc biệt, khiến người ta cảm động.
“60 năm một kiếp người/ Từ trong nhân quả, trang đời mở ra…” (Thơ trở dạ). Những vần thơ đã được anh chắt chiu từ ngày bé Mì còn trong bụng mẹ, từ khoảnh khắc anh ở bệnh viện Từ Dũ chờ vợ (chị Liên Anh - PV) khám thai. Khi con ra đời, anh có Niềm vui giặt tã, Tập tắm cho con, Thầm thì cùng con, Ngày em đầy tháng… Có biết bao ông bố, bà mẹ đã trải qua cảm giác có con, chăm con nhỏ; nhưng phải “chờ” đến Lê Minh Quốc, những vần thơ đáng yêu đến thế mới được khởi sinh, trọn vẹn, ấp iu, trong ngần, đáng nhớ. Anh bảo, con đến trong cuộc đời, cho anh cảm giác mình cũng đang bắt đầu sống một cuộc sống hoàn toàn khác, chạm đến những cảm xúc chưa từng cảm nhận được.
|
Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc và con gái, cùng tập thơ vừa phát hành |
Con gái trở thành nguồn cảm hứng mới, bất tận của chàng thi sĩ đến gần tuổi 60 mới lần đầu làm cha. Suốt năm qua, anh gần như không viết về đề tài nào khác ngoài con. “Đưa vợ vào Từ Dũ/ Ngước nhìn lên trời xanh/ Trái tim reo nghẹt thở/ Hôm nay mới trưởng thành/ Giấy chứng minh nhân dân/ Xác nhận đang người lớn” (Thơ viết trong bệnh viện Từ Dũ). Người đàn ông làm thơ, cả đời tự do thênh thang cùng bè bạn, đến một lúc, tim, óc đều chỉ dành về ngôi nhà nhỏ - nơi bây giờ đã có hơi ấm của "3 ngọn nến lung linh".
2. “Để ý ngày tháng anh ghi dưới mỗi bài thơ, mới thấy thật đáng nể sức lao động, sáng tạo nghệ thuật của anh. Tưởng như mỗi ngày anh sống trong chờ đợi, từ khi con mới hoài thai đến lúc con oe oe cất tiếng khóc chào thế giới - là chuỗi giây phút tuyệt diệu của tâm hồn, là tình yêu vĩ đại của người cha theo con lớn từng ngày. Lúc con oe oe đến ngày con đầy tháng; khi con ăn dặm, con đi chơi tết đầu tiên trong đời… Tất cả hiện lên ngọt ngào, chảy tràn như dòng sữa mẹ", nhà báo Gia Bảo - Phó tổng biên tập báo Khăn quàng đỏ - nhận xét. Chị Gia Bảo còn kể, có lần chị nhận một lúc 9 bài thơ Lê Minh Quốc gửi cộng tác, “gửi sỉ chứ không gửi lẻ”. Mà đâu chỉ có báo Khăn quàng đỏ, “ba Quốc” gửi thơ in khắp các báo.
Thỉnh thoảng trên Facebook anh, tôi lại thấy những bức ảnh chụp các bài thơ viết cho con, vừa mới in báo. Đọc chia vui với anh, thấy lòng mình cũng rộn lên những niềm vui ngọt ngào; bởi thơ anh đầy những thanh âm trong veo, rộn ràng, đáng yêu của trẻ nhỏ.
“Cúc cù cu! Cúc cù cu!/ Hay nhè hay khóc ứ ư là nhè/ Canh khuya chưa tẻ tè te/ Em cao hứng… ré rè re… rộn ràng” (Là vui). Đôi lúc, thơ anh như những khúc đồng dao, với “chi chi chành chành”, “bống bống bang bang”, “ông giẳng ông giăng”, “nu na nu nống”... Thơ viết cho con gái anh, nhưng cũng là viết cho người lớn. Đọc để hình dung mình của những hình hài thời thơ bé, cũng từng trải qua biết bao năm chờ tháng đợi, rồi lớn lên trong sự chăm bẵm của mẹ cha. Đọc để thấy mình của những ngày làm cha mẹ, thuở các con còn nhỏ. Đọc để chia sẻ với Lê Minh Quốc những trải nghiệm lần đầu làm cha, nhưng cũng là để thấy những điều kỳ diệu lớn lao, khi một thiên thần ra đời.
Tôi từng viết bài báo với tựa đề là câu nói của anh - Con cái là hạnh phúc cuối cùng (báo Phụ nữ Chủ nhật, ngày 11/5/2018). Giờ, đọc tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến, mới thấy rõ cái hạnh phúc lộng lẫy, vô bờ, trong những điều tưởng chừng rất giản dị, nhỏ bé. Cái hạnh phúc cứu rỗi và thậm chí là mang con người ta rời khỏi mệt mỏi muộn phiền của đời sống. Tôi ngồi đọc trọn tập thơ vào một buổi sáng bao người vẫn xôn xao ngược xuôi ngoài phố, thấy trong lòng chỉ còn những dịu ngọt và mỉm cười với “bủm bùm bum”, “bỉm bìm bim”, rồi “oe oe… óe óe… òe oe”, “hu hú hù hu”, “ù à ù ập”…
3. Con gái sinh vào tháng Chín. Nhà thơ Lê Minh Quốc từng lăn tăn, có nên ra mắt tập thơ vào đúng dịp thôi nôi của con. Nhưng cuối cùng anh đã chọn ngày 1/6, để những vần điệu yêu thương không chỉ dành riêng cho con gái nhỏ, mà cho tất cả những thiên thần, cho cả người lớn đang là cha, mẹ. Tôi đã thấy những bài thơ tặng các bé Nguyên, Sơn, Tin, Tô, Định, Kỳ, An May… ở phần cuối sách, được viết từ trước năm 2000 và 2013. Nghĩa là, rất lâu trước khi bé Lê Minh Quốc Ấn chào đời, Lê Minh Quốc đã viết những vần thơ đầy nâng niu cho trẻ nhỏ.
“Ba ru bằng nhịp câu thơ/ Tay ba, con gối giấc mơ yên lành/ Cỗi cằn nương lấy mầm xanh/ Mai con khôn lớn, dỗ dành ru ba…”. Xin mượn đôi câu trong bài Lần đầu ru con của Lê Minh Quốc để khép lại bài viết này. Có lẽ, đó là những dòng thơ anh viết cho con, mà cũng là viết tặng cho mình, trong sự sống của những đáp đền rồi sẽ tiếp nối…
Bùi Tiểu Quyên