Thay cho những cờ hoa, biểu ngữ, các cấp Hội đã chọn cách chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2026, bằng những việc làm thiết thực, vì sức khỏe của chị em hội viên và cộng đồng.
Mang lại ánh sáng cho chị em nghèo
Đến hôm nay, sau hơn nửa tháng được mổ đục thủy tinh thể, đôi mắt bà Năm đã phần nào được hồi phục. Bà vui mừng: “Mắt tôi nhìn đã sáng hơn, nhìn rõ hết mọi đồ vật trong nhà”.
Bà Phạm Thị Năm (P.10, Q.11) đã ngoài 60 tuổi, sống cùng con gái làm công nhân, cảnh nhà cũng không khá giả. Cách đây hơn ba năm, một bên mắt của bà Năm mờ dần rồi không còn nhìn thấy rõ mọi vật xung quanh. Gia đình đưa bà đi khám, bác sĩ chẩn đoán mắt bị đục thủy tinh thể. Khoản chi phí điều trị ban đầu dự kiến khoảng 10 triệu đồng, vượt quá khả năng của gia đình, nên bà Năm và con gái lặng lẽ trở về và chấp nhận sống chung với đôi mắt hạn chế tầm nhìn và có thể dẫn đến mù lòa.
Rồi mới đây, bà Năm nhận tin được hỗ trợ mổ mắt miễn phí từ chương trình “Mắt sáng yêu thương - hỗ trợ mổ mắt đục thủy tinh thể” do Hội Phụ nữ phối hợp với Hội Nhân ái Việt Nam và Bệnh viện Trưng Vương thực hiện.
|
Chương trình “Mắt sáng yêu thương - hỗ trợ mổ mắt đục thủy tinh thể” cho phụ nữ là một trong những công trình được Hội LHPN Q.11 và Hội LHPN P.10 thực hiện chào mừng Đại hội |
Cùng với bà Năm, đôi mắt của bà Trần Ngọc Điệp, ngoài 70 tuổi, ở P.10, cũng đang dần bình phục nhờ sự hỗ trợ của chương trình hỗ trợ mổ mắt đục thủy tinh thể nói trên. Các bác sĩ đã khống chế được tình trạng đục thủy tinh thể một bên mắt cho bà Điệp. Từ nhiều ngày nay, bà Điệp sống trong niềm vui chờ ngày mắt sáng trở lại.
Chị Trầm Khánh Minh - Chủ tịch Hội LHPN P.10, cho biết chương trình “Mắt sáng yêu thương - hỗ trợ mổ mắt đục thủy tinh thể” cho phụ nữ là một trong những công trình được Hội LHPN Q.11 và Hội LHPN P.10 thực hiện chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM và Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc. Ngày 1/12 vừa qua, chương trình đã mổ mắt cho 20 phụ nữ khó khăn.
Nhà trọ và những điểm hẹn an toàn
Sáng Chủ nhật 19/12, Hội LHPN Q.Bình Tân ra mắt mô hình “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại nhà trọ của bà Nguyễn Thị Huệ, số 155/23 Lê Đình Cẩn, P.Tân Tạo. Trong khuôn khổ buổi lễ, Hội đã tổ chức tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy, tặng bình chữa cháy và các loại thực phẩm, sữa, tập cho nữ công nhân và trẻ em đang sống tại khu trọ. Sau khi được nghe cán bộ Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an Q.Bình Tân hướng dẫn sử dụng các thiết bị điện, gas an toàn và cách sử dụng bình chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn, chị Trần Thị Bé Bông, 43 tuổi, phấn khởi: “Quà của Hội thật quý, nhưng chúng tôi còn cần những buổi sáng Chủ nhật bồi dưỡng kiến thức như thế này nhiều hơn nữa”.
|
Bên cạnh các khu trò chơi, ở “Điểm hẹn cuối tuần” của TP.Thủ Đức còn có gian hàng chia sẻ yêu thương cho nữ công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn - ẢNH: M.NHI |
Nguyện vọng của chị Bé Bông cũng là mục tiêu mà Hội LHPN Q.Bình Tân hướng tới khi thí điểm mô hình “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Hội đã trao đổi với chủ nhà trọ để sắp tới sẽ làm một vườn rau ngay tại khu trọ nhằm cung cấp rau sạch cho các hộ, lắp đặt tủ sách và sân chơi gồm thú nhún, bập bênh, cầu trượt, thiết bị tập đi bộ trên không… Những buổi tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng vệ cho nữ công nhân, cách thức vun vén hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con tốt, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em và bạo hành gia đình cũng sẽ được triển khai thường xuyên. Chị Huỳnh Đặng Hà Tuyên - Chủ tịch Hội LHPN Q.Bình Tân - cho biết: “Từ nền móng là nhà trọ bà Nguyễn Thị Huệ, Hội đặt mục tiêu giới thiệu ngày càng nhiều nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em hơn. Chúng tôi mong muốn xây dựng môi trường sống thoải mái, vui chơi an toàn, để người lao động nhập cư cảm nhận được không khí gia đình đầm ấm, coi thành phố như quê hương thứ hai của họ”.
Cũng trong sáng 19/12, Hội LHPN TP.Thủ Đức phối hợp cùng Liên đoàn Lao động và Hội Liên hiệp Thanh niên TP.Thủ Đức “trình làng” mô hình “Điểm hẹn cuối tuần” dành cho thanh niên công nhân. Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp, “Điểm hẹn cuối tuần” sẽ được luân phiên tổ chức hằng quý tại các phường trên địa bàn thay vì tập trung ở một địa điểm cố định. Điểm hẹn không chỉ là nơi anh chị em công nhân, người lao động ở các khu nhà trọ có thể đến vui chơi thông qua các trò chơi có thưởng, được tư vấn giới thiệu việc làm, được cung cấp kiến thức về pháp luật mà nơi đây còn có nhiều gian hàng chia sẻ yêu thương với đầy đủ gạo, mì, gia vị, đồ dùng cá nhân, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn…
Chăm lo dài lâu
Sáng 18/12, tại Trung tâm Sinh hoạt văn hóa tại P.6, Q.5, đông đảo bà con đã đến tham dự ngày hội “Xanh - sẻ chia”. Đây là hoạt động cộng đồng đầu tiên tại địa phương kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Trong số những người đến với ngày hội, phần đông đã từng nhiễm COVID-19.
Nghe mọi người rủ thì đến xem coi ở đó có gì. Nào ngờ, ngày hội đã mang lại cho anh N.T.Thuận (P.6, Q.5) nhiều thông tin hữu ích và chính anh cũng trở thành người “sẻ chia”. Giữa tháng Tám, anh Thuận mắc COVID-19 và phải nhập viện điều trị. May mắn, anh khỏi bệnh sau ba tuần “chiến đấu”. Nhưng đến nay, sau gần bốn tháng xuất viện, anh luôn cảm thấy mình “yếu hơn trước rất nhiều, gần như lúc nào cũng cảm thấy kiệt sức”.
|
Những F0 khỏi bệnh được thăm khám và tư vấn miễn phí tại ngày hội “Xanh - sẻ chia” do Hội LHPN P.6, Q.5 tổ chức - ẢNH: T.LÊ |
Với sự tương tác nhiệt tình của bác sĩ Nguyễn Minh Trí - Giám đốc Phòng khám Đa khoa Trí Việt, anh Thuận đã cởi mở chia sẻ tất cả những vấn đề về sức khỏe mà anh đang gặp phải. Nhiều người cũng nóng lòng được nói lên những vấn đề sức khỏe của mình. Cô Bạch, 72 tuổi, nói: “Từ ngày khỏi bệnh COVID-19 đến nay tôi mất ngủ triền miên. Khi ngủ được rồi thì lại dễ thức. Mỗi đêm chỉ ngủ được hai tiếng”.
Lắng nghe rất nhiều triệu chứng khác nhau từ những F0 khỏi bệnh, bác sĩ Nguyễn Minh Trí trấn an mọi người rằng: Đó là những di chứng hậu COVID-19. Dẫn kết quả nghiên cứu trên 3.762 bệnh nhân COVID-19 tại 56 quốc gia, bác sĩ Trí thông tin, COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bệnh nhân sau khi khỏi bệnh. Bệnh nhân đã khỏi bệnh có thể gặp 56 triệu chứng khác nhau và có 203 loại di chứng ảnh hưởng đến mười cơ quan của cơ thể, trong đó 1/3 triệu chứng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến người bệnh trong ít nhất sáu tháng.
Nhưng điều đó không có nghĩa là những triệu chứng trên là bình thường, không có gì phải lo lắng, vì có rất nhiều người đã tử vong sau khi đã khỏi bệnh, và được xác định nguyên nhân từ những hội chứng hậu COVID-19. Diễn tiến âm thầm của hội chứng hậu COVID-19 dễ khiến bệnh nhân lầm tưởng là những bệnh lý thông thường, đó là lý do khiến bệnh trở nặng và dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Trí đưa ra một số nhận định để những F0 khỏi bệnh tự nhận ra mình có thuộc nhóm nguy cơ dễ mắc hội chứng hậu COVID-19 hay không. Đó là những người gặp phải năm triệu chứng trở lên trong tuần đầu mắc COVID-19, đặc biệt, những người hen suyễn, béo phì, hút thuốc lá, suy dinh dưỡng và từng nhập viện vì COVID-19 hoặc có những triệu chứng trở nặng đều dễ bị hội chứng hậu COVID-19.
Thông tin đó phần nào giúp anh Thuận hiểu rõ hơn vì sao khiến anh “lúc nào cũng như kiệt sức”, trong số những triệu chứng bác sĩ chỉ ra “món nào” anh cũng có. Tuy nhiên, anh Thuận không quá lo lắng mà ngược lại, anh mừng vì được “biết sớm”. Cũng nhờ đến với chương trình mà anh Thuận và hơn 70 người khác mới biết rằng, việc theo dõi, thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là chụp X-quang phổi và siêu âm ổ bụng ở ngày thứ 30, 60, 90 sau khỏi bệnh là vô cùng cần thiết.
Song An - Thảo Nguyên - Thu Lê