“Ra ngõ gặp tổ tư vấn”
Từ năm 1995, Hội LHPN tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã triển khai việc tuyên truyền, tư vấn luật pháp qua các mô hình Câu lạc bộ (CLB) Nữ thẩm phán, Nữ luật gia, Nữ hội thẩm nhân dân, Nữ làm công tác pháp luật, Nữ trí thức…
Các CLB đã nỗ lực trong việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật trực tiếp tại địa phương nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của các tầng lớp PN. Các tổ tư vấn cộng đồng (TTVCĐ) ra đời đã tạo nên một hệ thống “chân rết” đến tận từng khu phố, ấp, đưa pháp luật đến “gần” người dân hơn.
Bắt đầu triển khai hoạt động từ năm 2012, đến nay, hệ thống Hội của TP.HCM đã thành lập được 2.040 TTVCĐ vớ i hơn 7.000 tư vấn viên. Tính từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2015, các TTVCĐ đã tư vấn cho 17.464 trường hợp về các vấn đề liên quan đến hôn nhân - gia đình (3.806 trường hợp); phòng, chống bạo lực gia đình (496 trường hợp); quyền thừa kế (1.163 trường hợp); làm chứng minh nhân dân, khai sinh, khai tử (2.064 trường hợp)…
|
Đại diện một số TTVCĐ tiêu biểu được mời giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị tổ ng kế t 5 năm hoạ t độ ng TTVCĐ, được tổ chức ngày 7/8/2015. |
Các TTVCĐ đã hòa giải thành trên 70% trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp, hạn chế đáng kể tình trạng đơn thư khiếu nại trong hệ thống Hội (giai đoạn 2012- 2015, giảm được 4.260 đơn thư so với nhiệm kỳ 2006-2011).
Đáng ghi nhận, nhiều tư vấn viên đã chủ động tìm đến hộ dân để tư vấn khi phát hiện đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật. Đơn cử, chị Nguyễn Thị Dùm (ấp Đồng Tranh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ) có con gái mới 15 tuổi nhưng đã về chung sống với bạn trai 18 tuổi.
Khi chị Dùm đang định tổ chức đám cưới để “hợp thức hóa cho đôi trẻ” thì các cán bộ ở TTVCĐ đã tìm đến tư vấn, vận động chị Dùm dừng lại. Vì thương con, chị cứ dùng dằng, nhưng nhờ sự kiên trì của các cán bộ ở TTVCĐ, chị Dùm đã nhận thức rõ vấn đề và đồng ý chờ con đủ 18 tuổi mới cho làm đám cưới. Chị Dùm xúc động chia sẻ: “Nhờ có các chị đến nhà vận động nhiều lần, tôi mới hiểu chuyện, hiểu luật, nếu không, tôi đã vô tình vi phạm pháp luật”.
Bà Đỗ Thị Chánh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cho biết: “Mô hình TTVCĐ được xây dựng từ những trăn trở của lãnh đạo Thành Hội, là làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội cơ sở. Vì vậy mô hình này được chăm chút từ khâu triển khai đến khâu tổ chức thực hiện, thể hiện qua việc chọn chi hội làm “điểm”, sơ kết đánh giá và nhân rộng ra toàn TP”.
Không chỉ tư vấn mà còn hành động
Nhờ có đội ngũ trí thức làm đầu tàu ở các TTVCĐ, hoạt động tư vấn phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp nhiều người nghèo vượt qua nghịch cảnh. Đặc biệt, các TTVCĐ không chỉ tư vấn kiến thức pháp luật, mà còn chung tay hỗ trợ để người được tư vấn thoát khỏi những bế tắc của cuộc sống.
Như trường hợp của chị Bùi Thị Thêm (P.5, Q.3). Chị rời Bến Tre lên TP.HCM làm thuê rồi lấy chồng người thành phố , sinh được hai con. Chồng chị hay ghen tuông, nhiều lúc ghen một cách quá đáng. Chị làm lao công trong bệnh viện, hôm nào phải làm đêm là chồng chị nổi nóng và nghĩ ra nhiều cách bạo hành, xúc phạm vợ.
Chị Thêm tìm đến TTVCĐ trình bày nỗi khổ . Sau khi tìm hiểu và tìm hướng ra, nhận định tình trạng hôn nhân quá bế tắc, các tư vấn viên khuyên chị mạnh dạn ly hôn để giải phóng cho bản thân và cả con cái.
Không chỉ giúp chị Thêm có thêm sức mạnh để dứt bỏ người chồng vũ phu, TTVCĐ của Chi hội PN khu phố 1, P.5, Q.3 còn tìm học bổng cho con của chị, đồng thời giới thiệu chị vay vốn của Hội để buôn bán nhỏ, có thêm thu nhập.
Bây giờ , chị đã thấy cuộc sống dễ thở hơn. Chị vui vẻ bảo: “Hồi đó, tôi không dám ly hôn vì nghĩ PN ly hôn thì người đời dị nghị. Nhưng giờ thì tôi cảm thấy rất thanh thản, nhẹ nhàng, toàn tâm chăm lo cho các con”.
Cũng có trường hợp “tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm” nhờ tìm đến TTVCĐ, như chị Nguyễn Ngọc Lan (P.10, Q.10). Chị Lan có hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng sớm qua đời, chị bán vé số nuôi con. Gánh nặng chi tiêu dồn chị vào thế phải vay nặng lãi, vay chỉ một triệu đồng nhưng hàng tháng phải trả lãi 300.000 đồng. Số nợ cứ thế tăng dần qua từng tháng, khiến chị mất khả năng trả nợ.
Chị tìm đến TTVCĐ Chi hội PN khu phố 3, P.10, Q.10 để được tư vấn, giúp đỡ. Thành viên của tổ đã nhiệt tình tư vấn, giới thiệu, hướng dẫn chị làm thủ tục vay vốn từ nguồn tiết kiệm tại chi hội, giúp chị trả khoản nợ vay một triệu đồng. Từ năm 2013 đến nay, chị vay từ một – bốn triệu đồng, góp mỗi tuần 50.000 đồng, chẳng những thoát khỏi mối họa từ vay nặng lãi, mà còn ổn định được cuộc sống để nuôi con.
Bà Đỗ Thị Chánh đánh giá , những mặt được của mô hình này là tập hợp lực lượng trí thức nhằm phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ này vào hoạt động tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của PN.
Theo bà, để mô hình này hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, Hội cần phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư TP.HCM nghiên cứu, biên tập và phát hành cẩm nang tư vấn cộng đồng, trong đó có những kiến thức cơ bản, kỹ năng tư vấn tình huống cụ thể trên các lĩnh vực thiết thân với đời sống hàng ngày để cung cấp cho nhữ ng thành viên các TTVCĐ, giúp họ có thêm kiến thức, kỹ năng tư vấn tốt hơn; định hướng về nội dung hoạt động, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn, tập huấn các văn bản pháp luật mới và những nội dung khác như hôn nhân gia đình, đất đai, thừa kế, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc người già…
Đặc biệt, cần rà soát, vận động lực lượng trí thức, người giỏi nghề trên địa bàn dân cư để thành viên tổ thực hiện tốt vai trò kết nối trong hoạt động tư vấn; định kỳ tổ chức giao lưu, tọa đàm để thành viên các TTVCĐ trên địa bàn TP.HCM có điều kiện học tập, trao đổi, chia sẻ cách làm hay, tư vấn hiệu quả trong hoạt động TVCĐ
Trần Triều