Chào mừng đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026:

Tận tụy đi về với những éo le

07/04/2021 - 07:00

PNO - Cuộc đời của chị dằng dặc phiền lo, bươn chải, nhưng không vì vậy mà chán chường, tuyệt vọng. Vượt lên nghịch cảnh, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy đã sống với suy nghĩ giản dị: mỗi ngày là một hành trình yêu thương và sẻ chia.

Tận tụy với người dưng

Cuối tháng Ba, trong con hẻm nhỏ ở khu phố 2, P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM, nắng len lỏi vào từng ngõ ngách. Trong căn nhà của cha con cụ Ba Nốp (Võ Văn Nốp) không có tiếng cười, giọng nói, mỗi người một góc, trán rịn mồ hôi. Rồi không khí trở nên nhẹ nhàng hơn khi chị Tuyền đẩy cửa bước vào, lẹ làng bày ra bàn chục trứng gà, lốc sữa tươi, nải chuối chín và bánh mì bơ sữa. Chị đi từ nhà trên xuống bếp, coi ngó quần áo, sắp xếp lại chén bát, khiến nhà có thêm những âm thanh loảng xoảng. Người cha đã bước vào tuổi 90, mắt mờ, chân đau, ngồi một chỗ ngước lên mái nhà: “Mày đó hả Tuyền, lâu quá không thấy, tau mới té u đầu rồi”. 

Thiệt ra thì chị Tuyền vẫn ghé thường xuyên, mang theo quần áo, bánh, sữa và lau dọn bàn ghế, nhà cửa cho ba cha con cụ Ba Nốp. Nhưng dường như với cụ, tháng năm đã dừng lại đâu đó trong ký ức, chuyện bị té kể hoài vẫn như mới hôm qua. 

Con cụ Nốp, ông Quý, năm nay 60 tuổi, còn bà Luôn 57, cả hai anh em đều không lập gia đình. Mấy năm trước, bà Luôn phát bệnh ung thư vú, tinh thần bất ổn, luôn tránh né mọi người, không chịu tắm rửa, giặt giũ. Ông Quý cũng không được khỏe, nhưng thường ngày vẫn chạy xe ôm. Các cán bộ phụ nữ đã cố gắng tiếp cận để giúp đỡ bà Luôn, nhưng không thành. Là người địa phương, chị Tuyền biết rõ hoàn cảnh nên khi được phường nhờ vả, chị gật đầu ngay. Vậy là kể từ năm 2019, hôm nào chị cũng đến nhà, vào bếp bắc nồi cơm, lau dọn, thậm chí là mua cả quần áo, chăn màn mang tới. 

Chị Tuyền tới lui chăm sóc, hỗ trợ cha con cụ Ba Nốp
Chị Tuyền tới lui chăm sóc, hỗ trợ cha con cụ Ba Nốp

“Em Tuyền nè, để em tắm cho chị nha”, là câu đầu tiên chị Tuyền nói với bà Luôn mỗi ngày gặp gỡ. “Những ngày mới tới, tôi cứ thản nhiên như người nhà. Bác Ba và anh Quý có chút ngỡ ngàng. Sau thì quen. Còn chị Luôn tránh mình dữ lắm, hễ thấy là chạy trốn. Tôi mua bánh bao, bánh mì, kẹo dẻo, cả thú nhồi bông để trên bàn. Biết chị lấp ló nhìn sau cửa, tôi rất vui. Cũng phải mất hai tháng chị Luôn mới cười với tôi. Lần đầu chịu để tôi lau mình, nhận bánh ăn, chị khóc. Tôi hỏi có ngon không thì gật”, chị Tuyền nhớ lại. Riết rồi, người lạ thành quen, thấy chị Tuyền tới mọi người đều mừng. Ông Quý nói: “Em gái tôi chỉ chịu cô Tuyền thôi. Có cô Tuyền nhà tôi bớt quạnh hiu”. 

Cha con cụ Ba Nốp chỉ là một trong số rất nhiều cảnh đời bị bệnh tật bủa vây, được chị Tuyền quan tâm chăm sóc. Những năm trước, vào Chủ nhật hằng tuần, chị còn nấu cơm, mua cháo mang tới tận nhà cho các cụ già neo đơn. Hai năm trở lại đây, chị tham gia bếp cơm nghĩa tình của khu phố, trực tiếp đứng bếp mỗi thứ Năm hằng tuần để phục vụ các cụ già, người bệnh nan y, người khuyết tật. Trên chiếc xe máy cũ, mỗi ngày chị Tuyền vẫn đi về với những cảnh đời éo le bằng sự tận tụy. Nhưng ít ai biết, phía sau sự chân chất, tận tụy ấy là một cuộc đời đầy bão giông. 

Vất vả một đời

Chị tên đầy đủ là Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, 50 tuổi, hiện là tổ trưởng tổ Phụ nữ 19, khu phố 4,  P.An Phú Đông, Q.12.  

Sinh ra tại Q.Gò Vấp, TP.HCM, chị Tuyền là con thứ năm trong gia đình có chín anh chị em, cha làm tài xế, mẹ bán rau. Năm Tuyền học lớp Tám thì cha qua đời. Chị Hai, chị Ba, anh Tư lần lượt phải nghỉ học để đi làm kiếm sống. Rồi đến Tuyền cũng phải nghỉ học để đi ở đợ. “Đi chợ, giữ em, nấu nướng, việc gì tôi cũng làm. Nhà chủ nuôi nhiều heo, ngày tháng tôi gắn bó với công việc cắt rau, băm rau, khuấy cám, vừa làm vừa khóc vì nhớ trường lớp, nhớ nhà. Đến năm 19 tuổi, tôi được mai mối lấy chồng về An Phú Đông mới hết cảnh ở đợ” - chị Tuyền chia sẻ. 

Năm 1997, đã có với nhau hai mặt con thì hôn nhân dang dở, chị Tuyền bước tiếp những bước gập ghềnh. Bấy giờ, ở An Phú Đông có nhiều nhà vườn trồng hoa lài, chị gửi con cho mẹ mình rồi xin một chân nhổ cỏ, hái hoa, chiều tối còn nhận kết cườm áo dài. “Nghề kết cườm này tôi học lỏm từ thời đi ở đợ, coi vậy mà đỡ cho mình nhiều lắm. Tôi bám nghề tới nay đã gần 30 năm rồi” - chị Tuyền kể. 

Khi những cánh đồng hoa lài không còn, ngoài kết cườm, chị đi phụ bán quán ăn, giũ bao tời và phân loại ve chai. Nhưng điều khiến chị buồn không phải là đời chị nghèo mà là chuyện hai con chị phải nghỉ học khi mới hết lớp Sáu. Con trai hiện đang phụ bán hàng, còn con gái là thợ làm móng. Khi con gái bày tỏ muốn học nghề làm móng, chị Tuyền bần thần rất lâu, bởi lấy đâu ra hàng chục triệu đồng để mua đồ nghề và học phí, công kết cườm của chị chỉ có 40.000 đồng mỗi áo dài. Chị đánh liều lên trình bày với chính quyền, đoàn thể địa phương và được giới thiệu vay 27 triệu đồng.  

Trước tết vừa qua, chính quyền địa phương cũng đã sửa chữa, nâng cấp căn nhà dột nát cho mẹ con chị. Rồi mẹ chị bị đột quỵ, chị đón mẹ về để tiện việc săn sóc. Dù cuộc sống, gia đình rất bận rộn, nhưng người phụ nữ nhỏ nhắn này vẫn không ngừng làm việc thiện: tắm rửa, giặt giũ, bón ăn, thay quần áo... cho hàng chục cụ già và tham gia hiến máu tình nguyện (đến nay chị đã 20 lần hiến máu). 

“Đời tôi đã qua bao lần bão giông. Trong hoạn nạn, mình luôn nhận được sự sẻ chia chân tình của hàng xóm, chính quyền địa phương. Cho nên, trước những cảnh đời éo le, không có tiền thì mình góp sức với mong mỏi sưởi ấm họ phần nào” - chị Tuyền chia sẽ chân tình. 

MẪN NHI

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI