Chào mẹ con vào thành phố

06/02/2022 - 18:02

PNO - Bao nhiêu tâm sự mệt mỏi vì tết mà phải dọn dẹp, mua sắm, thực hiện lễ nghĩa, nhưng rồi lòng ai cũng quyến luyến ngậm ngùi khi tết trôi qua.

Lướt Facebook của bạn bè những ngày sau tết, tôi thấy nhiều người bày tỏ tâm trạng khi tết trôi qua. Nào là “Làm sao để đừng hết tết”, “Tết là gì mà đến thì thấy ghét, đi thì thấy nhớ”, “Mới về nhà giờ đã đi rồi, sao tết nhanh quá”...

Nhiều người có ước “Hôm nay mới 27 tết” trong khi sự thật kì nghỉ tết đã kết thúc, mọi người đều chuẩn bị quay lại công việc thường nhật.

Năm nào, trước tết xảy ra tranh cãi gay gắt về chuyện “giữ tết hay bỏ” rồi “gộp tết ta với tết tây”, rồi “làm sao để trốn tết”. Bao nhiêu tâm sự mệt mỏi vì tết mà phải dọn dẹp, mua sắm, thực hiện lễ nghĩa nhưng cuối cùng, lòng ai cũng quyến luyến ngậm ngùi khi tết trôi qua, nhất là những người con làm việc, sinh sống, học tập xa quê nhà, cha mẹ.

Tôi nhớ những bữa cơm đoàn viên ngày tết. Ảnh minh họa
Tôi nhớ những bữa cơm đoàn viên ngày tết. Ảnh minh họa

Cô bạn tôi kể cô sợ nhất ngày nghỉ tết cuối cùng, khi soạn sửa hành lý để trở lại thành phố. Đêm trước đó, nhìn bố mẹ lục đục gói ghém đủ thứ quà cho con mang theo, nước mắt cô luôn chảy dài. Cảm giác ngồi trên xe đang lăn bánh rời khỏi quê hương, nhìn bố mẹ đứng ở cổng nhà ngóng theo đến khuất hẳn thật khó tả.

Dù biết rằng vì cuộc mưu sinh buộc những người con phải bước chân đi, nhưng trong lòng ai cũng chông chênh, chỉ mong tết kéo dài để được bên gia đình. Càng vui mừng háo hức trở về quê ăn tết bao nhiêu, thì khi rời đi, tâm trạng buồn và hụt hẫng càng nặng nề bấy nhiêu.

Còn tôi, khi tết chưa xa, tôi đã nhớ da diết những bữa cơm đoàn viên của gia đình. Nhà tôi có lệ ăn tết xoay vòng, cứ hết lần lượt ở nhà các anh chị em nên lúc nào cũng đầy đủ thành viên. Cả một năm anh chị em mới có dịp hội ngộ quây quần cùng nhau, vì người lập nghiệp ở xa, người sống ở quê.

Bữa cơm kéo dài hàng tiếng đồng hồ, do mọi người vừa ăn vừa hàn huyên tâm sự. Mẹ tôi đã hơn 80 tuổi vẫn nhớ rõ từng đứa con thích ăn gì khi tết đến. Bà vẫn nhắc chiên bánh tét để anh Hai ăn kèm dưa món, nhớ chén nước mắm ớt bột của chị Ba.

Tôi nhẩm đếm, không biết còn biết bao nhiêu cái tết được đoàn viên đông đủ như thế này, khi cuộc sống có quá nhiều bất trắc. Trải qua năm dịch bệnh, tôi càng trân quý những giây phút gặp mặt và gần gũi người thân. Chỉ có đến tết, chúng tôi mới có thời gian để quây quần còn bình thường mọi người đều tất bật với cuộc sống mưu sinh.

Tôi thấy mình may mắn khi được ở gần ba mẹ, nhưng thương anh chị em phải bỏ quê mưu sinh nơi xa. Mọi người vẫn nói, giờ đã có điện thoại liên lạc dễ dàng, nhưng tôi hiểu trong lòng đứa con tha hương, có những khoảng trống mà cuộc gọi video không thể lấp đầy.

Rời nhà sau tết với tâm trạng chông chênh khó tả. Ảnh minh họa
Rời nhà sau tết với tâm trạng chông chênh khó tả. Ảnh minh họa

Anh con trai bên hàng xóm tranh thủ những ngày nghỉ tết cuối cùng, đi mua vật liệu để sửa lại bậc thềm vào nhà cho mẹ. Ngày trước, ở quê tôi thường hay bị lụt nên móng nhà nào cũng làm cao, từ sân vào nhà phải qua mấy bậc tam cấp.

Anh kể, về nhà thấy mẹ bước lên bước xuống mấy bậc thềm mà giật mình thon thót. Ở tuổi ngoài 70, sức khỏe mẹ anh ngày càng yếu, chân tay nhức mỏi, đi đứng không vững, chỉ cần hụt chân, mẹ có thể ngã ngay.

Vài ngày nữa, khi gia đình anh về thành phố, mẹ lại quạnh quẽ một mình trong căn nhà nhỏ. Nhiều lần, anh em bàn bạc đưa mẹ vào sống cùng nhưng bà nhất quyết không đồng ý, mẹ muốn ở nhà hương khói cho bàn thờ gia tiên đỡ lạnh lẽo.

Mỗi năm về nhà đón tết rồi đi, anh lại nôn nao cảm giác khó tả. Đàn ông ít khi khóc, nhưng nỗi chông chênh trong lòng anh luôn đi kèm với câu: “Chào mẹ, con đi!”.

Duy Tâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI