Chào mãi, vẫn không đưa được hàng vào siêu thị

25/09/2020 - 06:38

PNO - Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các tỉnh, thành thất bại khi muốn đưa các mặt hàng đặc sản vào các siêu thị tại TPHCM vì bỏ qua những yêu cầu tối thiểu.

5 năm chào hàng, chỉ nhận sự im lặng

Cầm trên tay mớ sản phẩm được đựng sơ sài trong túi ni-lông, chị Nguyễn Thúy Kiều - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ba Tre (tỉnh Đồng Tháp) - không giấu vẻ mệt mỏi. Chị cho biết, đây là lần thứ năm trong 5 năm, chị mang sản phẩm trà sen, bột ngũ cốc sen, cơm cháy dinh dưỡng… tham gia chương trình kết nối cung cầu với hy vọng đưa được sản phẩm vào kênh siêu thị. Thế nhưng, cả bốn lần trước, chị mòn mỏi chờ mà không nhà phân phối nào liên hệ lại, dù sản phẩm của chị có đầy đủ giấy tờ theo quy định.

Một số sản phẩm được giới thiệu trong Ngày hội kết nối cung - cầu do Sở Công thương TP.HCM phối hợp với Sở Công thương 41 tỉnh, thành tổ chức từ ngày 24-27/9
Một số sản phẩm được giới thiệu trong Ngày hội kết nối cung - cầu do Sở Công thương TPHCM phối hợp với Sở Công thương 41 tỉnh, thành tổ chức từ ngày 24-27/9

Chị Kiều tự tin khi bảy sản phẩm của công ty được làm từ sen đang được bán rất chạy ở siêu thị Tú Sơn (tỉnh An Giang) hơn hai năm nay và doanh số bán trực tuyến hơn 200 triệu đồng/tháng. Chị thắc mắc: “Không hiểu sao khó đưa sản phẩm vào bán tại các siêu thị ở TP.HCM quá”. 

Từ phản hồi của nhà phân phối, chị Kiều tự lý giải, có thể do bao bì quá sơ sài, màu sắc không lôi cuốn, thiết kế bao gói chưa sang, chưa tiện lợi. Theo quan sát của chúng tôi, trong số sản phẩm chị Kiều mang đến Ngày hội kết nối cung - cầu, có những sản phẩm không có nhãn mác trên bao bì; khi nhà phân phối hỏi, chị Kiều giải thích “có nhãn hết nhưng bị rơi lúc nào không biết”. Chị nói: “Trước giờ, tôi cứ nghĩ đơn giản, mình làm sản phẩm thật ngon, an toàn, chất lượng là được, chưa chú trọng vào đầu tư bao bì cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng”. 

Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất không thể đưa hàng vào các kênh bán lẻ hiện đại. Ngoài ra, không ít cơ sở, hộ sản xuất tham gia các hoạt động kết nối chỉ để bán hàng tại chỗ chứ không tính chuyện đưa hàng vào các hệ thống bán lẻ của TPHCM. 

Theo đại diện một số siêu thị lớn, các doanh nghiệp đã có nền tảng sản xuất, phân phối sản phẩm vào một số kênh bán hàng hiện đại dễ đưa hàng vào siêu thị hơn vì hồ sơ, xuất xứ hàng hóa, tem nhãn, bao bì… đã đầy đủ, bài bản. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải qua khâu xét duyệt giấy tờ kỹ lưỡng hơn. Qua bước đầu tiếp xúc với các doanh nghiệp chào sản phẩm, chỉ có khoảng 20-30% có triển vọng. 

Cửa vào siêu thị ngày càng hẹp?

Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM - thừa nhận, nhiều sản phẩm có thế mạnh của các địa phương vẫn chưa thể kết nối, cung ứng vào thị trường TPHCM và xúc tiến xuất khẩu một phần do chưa ổn định về sản lượng, chưa đồng đều về chất lượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, nhà cung ứng tại các địa phương chưa chủ động liên kết, hợp tác trong khâu vận chuyển, logistics, marketing. Một số sản phẩm chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm… để đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại.

Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, lý do mà các nhà phân phối tại TPHCM đưa ra là chưa thuyết phục. Ông Nguyễn Thanh Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare (TPHCM) - kể: “Khi tôi chào hàng vào siêu thị, hệ thống phân phối lớn, họ yêu cầu có ít nhất 5 sản phẩm mới cân nhắc lấy chứ ít quá thì không đủ chi phí, trừ khi sản phẩm phải cực “hot”. Tôi nghĩ, bây giờ mà họ không chịu bán thì làm sao “hot” được. Họ còn bắt bẻ giá cao quá. Tôi biết họ từ chối khéo vì nghĩ sản phẩm tương ớt tôi chào cũng giống như mọi sản phẩm tương ớt khác, mà họ cũng đã bán nhiều loại rồi”. Tương tự, ông Mai Sáu - Giám đốc Công ty Vĩnh Hòa Phát (tỉnh Cà Mau) - cũng cho biết, công ty ông sản xuất nhiều loại bánh phồng tôm gạo, chuối, mè, mít, môn… nhưng siêu thị chỉ chấp thuận cho bán một vài sản phẩm. 

Theo bà Châu Thị Lệ - Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An - nông sản của Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc nhưng nhiều doanh nghiệp, nông dân lại chưa biết gì về thị trường này. Thường là thương lái Trung Quốc tự sang thu mua nên có nhiều biến tướng. Nhiều trường hợp đặt mua 30.000 đồng/kg thanh long nhưng sau khi người dân đổ xô trồng thì họ chỉ thu mua với giá 5.000 đồng/kg, nông dân không kịp trở tay… 

“Để phát triển thị trường mới, cần nhiều thời gian. Nên chăng, Nhà nước định hướng cho doanh nghiệp đào sâu phát triển thị trường Trung Quốc, đồng thời tìm giải pháp cho nông sản lưu thông tốt hơn ở hệ thống phân phối trong nước” - bà Lệ đề xuất. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI