Cháo lòng dồi chiên 80 năm bén duyên Sài thành

09/06/2024 - 06:26

PNO - Ở Sài Gòn, khá nhiều người biết tiếng nồi cháo hơn 80 năm, đi qua 3 thế hệ của nhà bà Út. Tuy đã đổi dời hơn chục lần, cháo lòng bà Út cứ xê dịch quẩn quanh con đường Cô Giang. Vị xưa, món ghiền khiến dân Sài thành mê như điếu đổ thứ cháo sền sệt màu huyết bầm cùng miếng dồi chiên trứ danh “bà Út”.

Địa chỉ:  Cháo lòng bà Út  201 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM. Thời gian: 6g đến 19g; giá: từ 45.000 đồng.
Địa chỉ: Cháo lòng bà Út 201 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM. Thời gian: 6g đến 19g; giá: từ 45.000 đồng.

Từ gánh cháo của bà cố cho đến cô cháu gái kế nghiệp hôm nay là cả một câu chuyện dài mà khách ruột của quán mới tận tường. Tôi nhớ hồi mình 18 tuổi, có lần người bạn cùng trường rủ cả nhóm đạp xe từ quận 10 qua quận 1, lòn trong con hẻm nhỏ dưới cầu Muối với lời mời mọc ăn món cháo lòng ngon nhất Sài Gòn.

Hơn 20 năm trôi qua, quán cháo này cũng là nơi tôi hay đưa bạn bè phương xa ghé qua thưởng thức. Bạn bè tôi chắc đã “thuộc” câu chuyện quang gánh tảo tần của người phụ nữ miệt Bình Chánh, gồng mình ruổi rong với món cháo nuôi cả đàn con. Thời đó, dân cầu Muối không ai không biết cháo bà Có. Đó chính là người đã làm nên tên tuổi món cháo cho gia đình này. Sau đó, con gái bà Có kế nghiệp, lấy tên “cháo bà Út”. Chừng bà Út già rồi không còn quang gánh ruổi rong thì tìm một chỗ gần cầu Muối đặt gánh cháo. Từ đó, khách quen mùi nhớ miếng mà tìm về. Gánh cháo theo thời thế mà đổi thành xe củi rồi xe nhôm và giờ là một quán cháo tuy nhỏ nhưng gọn gàng, sạch sẽ.

Đến nay đã là đời thứ ba, cô cháu gái vẫn giữ đúng hương vị xưa cũ. Cháo được nấu nhừ với xương heo, lòng heo và huyết. Từ tờ mờ sáng, cả nhà đã dậy sớm nhận thịt heo nóng từ lò về sơ chế rồi bắt đầu nấu nướng cho kịp 6 giờ sáng mở cửa bán.

Hỏi bí quyết gì mà cháo ngon níu chân người thị thành hơn 80 năm, chị chủ quán cười hề hà, chẳng biết nói sao, cứ đời này dạy lại đời kia, rồi như cái máu nghề lưu truyền trong mình, cứ vậy nấu theo, canh lửa, lựa thịt, làm dồi… Một cách y hệt mấy chục năm trời chẳng thay đổi. Khách thương ghé đến, đôi lúc có những ông bà già tóc bạc phơ ghé quán nhắc thời tô cháo chỉ có 2.000 đồng. Ngồi bán mà gặp khách quen xưa cũ thời bà Út, đôi khi tôi còn nghe kể những câu chuyện xưa xa đâu đó mấy chục năm trước, chuyện gánh cháo còn hơn tuổi mình.

Thậm chí mùa cuối năm, trong dòng người tha hương về Việt Nam ăn tết, cũng có những người nhớ món quen mà tìm đến. Ăn là nhớ. Nhớ là kể. Kể chuyện ngày còn nhỏ dù nhà xa lắc vẫn cọc cạch đạp xe chạy đến cầu Muối để ăn món cháo lòng nấu trong nồi đúc với món dồi chiên vừa thơm vừa béo vừa đậm đà mùi vị khó đâu sánh bằng. Có lẽ tôi cũng giữ đúng cảm giác đó khi ăn món dồi chiên mà hơn nửa cuộc đời mình vẫn thèm cháo lòng bà Út mỗi khi trời trở gió.

Cái nồi đúc ngày nào giờ đã bị lủng, thay bằng cái nồi úp nhôm tròn trịa. Bà Út cũng hóa mây trắng về trời theo người khai sinh ra gánh cháo lòng là mẹ bà. Vậy nhưng đâu đó trong lòng thị dân đất này vẫn còn gánh cháo và nếp ăn của miếng ngon ngày cũ. Tô cháo từ mấy trăm đồng trước năm 1975 nay đã thành mấy chục ngàn đồng. Nói như chính cô cháu gái giờ là chủ quán, không biết sau này tô cháo sẽ là bao nhiêu nhưng chắc người Sài Gòn vẫn bén duyên với cháo lòng bà Út mà tìm về. Cháo bén duyên người hay người ghiền món cháo? Tôi tin, người Sài thành chẳng phân định. Bởi đi cùng món cháo này là cả một câu chuyện không chỉ dành cho khách quen mà cho cả người lần đầu tìm đến.

Tống Phước Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI