edf40wrjww2tblPage:Content
Đã là cuối tuần thứ tư kể từ ngày em tạm biệt anh và hai hoàng tử bé lên chiếc Boeing 777 của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, để lao vào cơn bão mang tên du học manh nha từ hơn năm trước. Người người qua lại nhìn em với ánh mắt e ngại xen lẫn tò mò. Hẳn là họ đang tự hỏi không hiểu người phụ nữ châu Á nhỏ bé ẩn mình trong năm-tầng-bảy-lớp-áo-lạnh-có-vẻ-hơi-quá-so-với-những-ngày-đầu-thu kia đang nghĩ gì?! Bởi cô ấy không rời mắt khỏi những đứa trẻ đang vô tư vui đùa với bố mẹ ở khu công viên nhỏ cạnh Darling Harbour và… đôi mắt ngân ngấn lệ!
Hàng đêm, em vẫn trằn trọc trên chiếc giường tám tấc bé xíu vì thiếu hơi của cục bông gòn hơn ba tuổi luôn phảng phất mùi mồ hôi nồng nồng rất đàn ông. Mỗi sáng ngủ dậy em lại nghĩ hay bỏ cuộc và quay về thôi. Chỉ mất hơn tám tiếng ngồi máy bay, em sẽ trở lại với nhịp sống nhàm chán quay cuồng từ sáng sớm đến nửa đêm của chợ búa, cơm nước, con cái, và chắc chắn sẽ hối hận cả đời vì tự hủy hoại cơ hội do chính mình đấu tranh để tạo nên.
Anh còn nhớ một năm trước đây khi em “rón rén” nói về việc đi học nâng cao trình độ để thoát khỏi công việc trong lĩnh vực bất động sản, tuy kiếm được nhiều tiền nhưng khiến em ngày càng thủ đoạn và thui chột khả năng học hỏi không? Em đã hết sức ngỡ ngàng khi được anh ôm vào lòng và nhẹ nhàng nói: “Em đã sinh được hai hoàng tử bé thông minh, nhanh nhẹn và còn chăm sóc các con hết sức chu toàn. Bây giờ là lúc em được quyền làm bất kỳ điều gì em muốn…”.
Lý thuyết là thế nhưng thực hiện thì phải làm sao khi nhà chỉ có hai vợ chồng và em là người chăm sóc hai con suốt sáu năm qua??? Em đã hồ hởi đi nộp hồ sơ và dành tám tiếng một ngày đánh vật với tiếng Anh để có thể đạt điểm IETLS cần thiết cho tấm bằng thạc sĩ mơ ước. Nhưng còn con?
Tối nào em cũng tự chất vấn với cả tỷ câu hỏi khi nhìn hai đứa trẻ đang ngủ ngon lành, thỉnh thoảng lại cười bâng quơ trong nhịp thở đều đặn.
Anh hai Tum chuẩn bị vào lớp 1. Dù đã không còn ói liên tục như ngày nhỏ vì chứng trào ngược thực quản, con vẫn ốm o gầy mòn và hơn em Tin chỉ khoảng hai ký lô. Út Tin mũm mĩm và dễ nuôi hơn nhưng em vẫn phải kiên trì đút cho con từng muỗng sữa kể từ hai tháng tuổi đến nay. Ai sẽ là người “tiếp quản” được việc chăm con tưởng chừng như đơn giản, nhưng đòi hỏi sự chăm chút, tỉ mỉ và quan trọng hơn là yêu thương con trẻ vô bờ bến?!
Sau nửa năm trời vật vã tuyển và sa thải người giúp việc, hai tháng trước khi lên đường, vợ chồng mình thật may mắn khi tìm được cô em họ chưa chồng và yêu trẻ. Em đã lên đường, để lại sau lưng hai đứa trẻ nheo nhóc, với bao ngổn ngang lo lắng đã được xoa dịu “một cách giả tạo” bằng danh mục chi tiết những khoản cần chi hàng tháng trong gia đình, chế độ dinh dưỡng của con, quần áo, thuốc men, cách xử lý các tình huống bất thường xảy ra với hai bạn nhỏ...
Một năm sau, mùa Hè Sydney
Chồng ơi,
Đã ba đêm nay em không được ngủ vì phải hoàn thành bài luận cuối kỳ. Một năm làm quen với cách học mới, đánh vật với đống sách vương vãi khắp phòng và sống phần nhiều nhờ sữa, em đã dần chứng tỏ rằng mình làm được và hòa nhập tốt chứ không phải là “con nhỏ đồng bóng đua đòi bỏ chồng con” như những câu rủa mà em thường nghe loáng thoáng đâu đó.
Hôm qua nhận được cuộc gọi của anh báo anh hai Tum lên cơn suyễn phải đi cấp cứu. Em đã gần như quát lên trong điện thoại vì anh không chịu nghe em nói về tiền sử bệnh cũng như loại thuốc con đã dùng trước đây.
Em đã khóc.
Nhờ có Skype và điện thoại quốc tế giá rẻ mà em có thể nghe con nói và nhìn thấy con thường xuyên. Nhưng con trẻ vô tư thích chơi đùa hơn là ngồi yên trước máy tính nói chuyện với mẹ, nên em luôn trong tình trạng đói khát hơi ấm gia đình. Cô em họ lại không thực lòng như hứa hẹn ban đầu nên hai bạn nhỏ ngày càng nhếch nhác và lớn lên như cỏ hoang trong sự chăm sóc của bà ngoại đã 80 tuổi và các chị họ.
Hai “cục vàng” mà em từng chăm chút từng li từng tí và luôn thơm tho sạch sẽ, giờ đang tươi cười với em trong bộ quần áo ngủ nhàu nát, đen như giẻ lau nhà, nước mũi xanh lè lò thò, đã khiến em chao đảo, rụng rời lắm rồi. Vậy mà chồng ơi, anh không thấy được nỗ lực kìm nén của em và bảo: “Hay thôi bỏ và về đi nếu em mệt quá” (?!).
Những ngày như hôm nay là giọt nước tràn ly, nhấn em chìm lỉm.
Em biết, người đứng giữa giữ cho mọi sợi dây cân bằng đã tạm đi mất nên gia đình nhỏ của mình thật chông chênh phải không anh!
Em đã đi được hai phần ba quãng đường rồi. Bệnh của con và những điều lặt vặt diễn ra hàng ngày, chỉ cần mọi người trong gia đình để ý và thực hiện đúng như chỉ dẫn của em thì chắc chắn không có gì nghiêm trọng xảy ra. Em về rồi thì hy sinh một năm qua của cả ba mẹ con em sẽ trôi về đâu?
Việt Nam, một ngày nhiều nắng và hoa bọ cạp vàng nở khắp nơi
Cả “bốn đứa mình” phải mất gần hai năm để làm quen và thích ứng lại với nhau. Hôm nay là ngày đầu tiên em đi làm ở ngôi trường mới, với công việc yêu thích do chính em lựa chọn. Hai năm “bỏ chồng, bỏ con” bôn ba xứ người thực sự đã trở thành cánh cổng thần kỳ giúp em bỏ lại sau lưng người phụ nữ cau có, luôn trốn sau lưng chồng, với tầm nhìn chưa bao giờ xa hơn cánh cổng nhà mình.
Em không tưởng tượng nổi sau 13 năm bên nhau mà anh vẫn nhìn em say đắm như ngày đầu, còn nhắn tin tán tỉnh và rủ rê em trốn con để hẹn hò nữa chứ. Hỏi lý do, anh chỉ cười tinh quái rồi nói em đẹp ra, lạ lắm nên yêu hơn. Mà không chỉ anh, hai người đàn ông bé bỏng cũng khiến em thấy mình như đang đứng trên đỉnh thế giới!
Em luôn cám ơn anh và hai hoàng tử bé đã chấp nhận chông chênh một thời gian để em có cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Nhất là khi trở về, em mới biết, gia đình lớn của mình xảy ra nhiều chuyện mà anh vẫn im lặng gánh vác một mình để em yên tâm học tập. Thành quả của gần hai năm gian khổ cho cả bốn đứa mình không chỉ có tấm bằng, mà còn là những giá trị vô hình mà em chắc cho đến khi lên chức bà, em vẫn chưa “xài” hết.
Em đã đủ tự tin để từ bỏ vai người mẹ hoàn hảo, trở thành người mẹ vui vẻ, hiểu biết, mở cánh cửa bước ra thế giới không chỉ cho riêng em mà cả hai bạn nhỏ. Từng giọt, từng giọt ước mơ đang dần tưới tắm tâm hồn của con. Hai năm bơ vơ không mẹ sẽ đổi thành những năm tháng tự tin khám phá thế giới sau này của con. Kể cũng hời chồng nhỉ!
Quan trọng hơn, giờ em có thể tự chọn và đủ khả năng làm nhiều điều gì mình thích nhờ “bản thân tôi” đã dũng cảm dấn bước đầu tiên với niềm tin rằng, ra đi để đem điều tốt đẹp trở về.
HOÀNG HÀ
(Phòng Truyền thông Đại học RMIT)
“Nàng tự tin hơn rất nhiều, nói tiếng Anh nghe dễ thương và luôn kể về bạn bè từ khắp nơi trên thế giới. Khi vui, nàng kéo cả gia đình đi bụi, trong cũng như ngoài nước, đưa ba cha con đến những địa điểm mà chỉ có dân phượt đặt chân đến. Nàng bỗng dưng trở nên đặc biệt cuốn hút khiến mười mấy năm hôn nhân như trôi đâu mất, quen mà lạ biết bao. Với tôi, khi người mẹ cảm thấy cần “nâng cấp” mình, nhất là ở vào giai đoạn sau sinh, thì đó là phúc lớn cho các con. Các con không chỉ sẽ luôn được thụ hưởng một nền giáo dục tốt nhất ngay trong chính ngôi nhà của mình, mà còn luôn được đồng hành bởi “người dẫn đường số một” mỗi khi ra khỏi nhà. Nhưng khi vợ vắng nhà thì... nhiều chuyện lắm! “Thở phào” vì trong những chuyện ấy không có chuyện nào để lại hậu quả nghiêm trọng mà thôi”. Võ Khối (Báo Thanh Niên) |
Đàn ông nói gì? Anh Nguyễn Quốc Kha (Ngân hàng ACB): Tôi chắc chắn sẽ không đồng ý cho vợ du học. Có chồng rồi, việc quan trọng nhất của phụ nữ là lo cho nhà yên cửa đẹp, chăm bữa ăn giấc ngủ cho chồng con. Học nữa cũng chẳng giúp được gì. Việc to lớn, cứ để đàn ông chúng tôi lo. Anh Trần Văn Thủy (Công ty Vinaphone): Tôi sẽ đồng ý lập tức. Ít ra là tôi có được một thời gian “tung tăng” mà không bị cằn nhằn. Con cũng biết tự lập rồi. Tôi luôn khuyến khích vợ học hỏi, làm mới mình. Du học ư? Quá tốt. Anh Đoàn Nam (P.17, Q. Gò Vấp, TP.HCM): Tôi luôn ủng hộ ý kiến của vợ, nếu vợ tôi thấy việc đi du học là cần thiết và nhà cửa sẽ không xáo trộn. Vai trò của vợ trong nhà dẫu biết là rất quan trọng, nhưng không sao, “em đi hai năm em về…”. Tôi ủng hộ. |