Chạnh lòng với văn hóa khán giả trẻ

26/05/2017 - 20:20

PNO - Khi sân khấu mở màn, phim chiếu; ở hầu hết các khán phòng vẫn loang loáng ánh sáng màn hình điện thoại, nhiều người vẫn chụp ảnh, tranh thủ lướt facebook…

Buổi diễn vở Rau răm ở lại tại sân khấu (SK) Hoàng Thái Thanh, được xem là tiết học ngoại khóa môn văn cho học sinh (HS) một trường trung học. Dù HS đã được nhắc phải có mặt trước 30 phút, nhưng suất diễn vẫn phải mở màn trễ 15 phút so với kế hoạch, sau khi giáo viên phụ trách vất vả “lùa” HS vào khán phòng. Khi vở kịch đã bắt đầu, vẫn còn HS lác đác đến.

Chanh long voi van hoa khan gia tre
Một cảnh trong Rau răm ở lại

SK Thế Giới Trẻ có thiết kế khá chật, các hàng ghế san sát nhau. Thay vì phải di chuyển nhanh, nhẹ nhàng và cúi thấp người để hạn chế ảnh hưởng người khác thì các bạn trẻ của chúng ta vẫn cứ khoan thai, lưng thẳng đứng, bất chấp sự khó chịu của những người bị chắn tầm nhìn, đứt mạch theo dõi tác phẩm.

Trước giờ diễn, các SK, rạp phim luôn nhắc khán giả về những quy tắc lịch sự cơ bản: tắt chuông điện thoại, không quay phim, chụp ảnh, ăn uống… Thế nhưng khi SK mở màn, phim chiếu; ở hầu hết các khán phòng vẫn loang loáng ánh sáng màn hình điện thoại, nhiều người vẫn chụp ảnh, tranh thủ lướt facebook…

Do thiết kế của các khán phòng, có những vị trí khán giả rất khó để nhân viên đến tận nơi, nên chỉ có thể nhắc những người ở vị trí dễ tiếp cận. Ai không bị nhắc, coi như “vô tội” và cứ thế thản nhiên “bật sáng” phông văn hóa của mình. Không ít trường hợp, khi bị nhắc, họ còn tỏ thái độ khó chịu, cho rằng quyền riêng tư của mình bị xâm phạm, rằng SK hay quản lý rạp không tôn trọng mình.

Chanh long voi van hoa khan gia tre

Chuông điện thoại reo khi cả khán phòng đang yên lặng theo dõi vở diễn hay phim đang chiếu - chuyện tưởng không thể xảy ra, lại không hề hiếm ở hầu hết các rạp. Trong buổi diễn vở Con nhà nghèo ở SK Phú Nhuận cuối tuần rồi, bất chấp sự khó chịu của những người xung quanh, chủ nhân của tiếng chuông reo vẫn lấy điện thoại ra, nói chuyện như ở chốn không người. 

Chuyện khán giả ngồi gác chân lên ghế, vừa thưởng thức tác phẩm vừa thắc mắc hoặc oang oang bình luận, diễn giải, đùa cợt với nhau… dường như đã thành “văn hóa khán giả” - thứ văn hóa của một thời mông muội lại xuất hiện ở một bộ phận công chúng trẻ với ngoại hình năng động, trí thức, tự tin và hiện đại.

 Hiền Hoà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI