Chàng trai với ước mơ tìm ra thuốc trị bệnh cho mình, cho người

18/02/2021 - 06:36

PNO - Mắc căn bệnh không có thuốc chữa, Nguyễn Xuân An quyết tâm học ngành dược với hy vọng tìm thuốc cho chính mình.

 

Hơn 8 năm Xuân An và mẹ đi chạy chữa khắp nơi từ hy vọng đến mong ngóng, hụt hẫng làm An ngày càng không dám gặp ai.
Hơn 8 năm chạy chữa khắp nơi từ hy vọng đến mong ngóng, hụt hẫng làm An ngày càng không dám gặp ai

Từ bỏ đam mê chế tạo máy, trở thành sinh viên khoa dược

Trong cuộc sống, ai cũng có ước mơ cho riêng mình, có người may mắn “biến” ước mơ thành sự thật, cũng có những người phải tạm gác lại đam mê, chấp nhận thực tại để đối diện, vượt qua.

Chàng trai 22 tuổi Nguyễn Xuân An (sinh viên năm 4, khoa Dược, Đại học Nguyễn Tất Thành) cũng vậy, bị căn bệnh vảy nến đeo bám, “hất” luôn mơ ước trở thành kỹ sư chế tạo máy móc của em. Thế nhưng, một lần nữa, em khát khao chế tạo thuốc để chiến thắng bệnh tật.

Giọng chậm rãi, Xuân An nhớ lại căn bệnh khiến em không dám nhìn vào ai hơn 10 năm qua.

“Mọi chuyện đến khi tôi đang học lớp 7, trên người bỗng xuất hiện nhiều đốm đỏ, hơi sần. Ban đầu, tôi nghĩ nấm da, nổi chàm, rồi các đốm đỏ này lan ra khắp người. Mẹ đưa đi khám, bác sĩ nói tôi bị vảy nến, sẽ không khỏi. Cuối năm lớp 10, da tôi đóng vảy trắng, bong tróc. Xung quanh chỗ ngồi lúc nào mảnh vụn cũng rơi đầy, tôi xấu hổ vô cùng”,  An nói.

Từ đó, anh hạn chế tiếp xúc bạn bè, lúc nào cũng mặc áo dài tay, mang khẩu trang kín mít. Anh sợ người ta nhìn vào, sợ bạn bè xa lánh. Dù bạn học không kỳ thị nhưng An tự thấy mình… khác người. An ít nói dần, ngay cả sân bóng - An rất khát khao để chơi cùng đám bạn, vậy mà Anh cũng vội lướt nhanh.  

Ngay cả niềm đam mê của bản thân, An cũng chấp nhận từ bỏ. Vốn mê mẩn những cỗ máy khổng lồ, các dây chuyền sản xuất tự động, An nuôi ước mơ trở thành kỹ sư chế tạo máy từ nhỏ. An thường mở chiếc ô tô đồ chơi, con xoay điện tử… để tìm tòi, thiết kế máy móc. Cắm cúi mê mẩn, An quên hết mọi thứ xung quanh. 

Anh cười buồn: “Để chế tạo một thiết bị điện tử cần rất nhiều yếu tố, từ bản thiết kế đến tìm mua linh kiện, mạch điện đều có những thú vị riêng giúp tôi tạm quên sự khó chịu của bệnh vảy nến. Tôi rất muốn thi vào khoa Cơ khí của Đại học Bách khoa cho đến khi tôi nhấc một thanh sắt để ráp máy, tay tôi rách da, chảy máu”.

Không chỉ tay, các vùng da khác trên người An cũng thường bị… rách toạc khi anh vô tình đụng vật cứng. Mỗi lần chảy máu, An theo mẹ rong ruổi theo những chuyến xe từ Bắc vào Nam, đi khắp các bệnh viện tìm nơi điều trị bệnh vảy nến.

“Hơn 8 năm qua, mẹ và tôi đến không biết bao nhiêu bệnh viện. Khám da liễu có, khám bệnh viện phong có, ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung nữa, Tây y, Đông y đủ hết, nơi nào cũng thấy hy vọng rồi hụt hẫng tột cùng. Thương nhất là đứa em nhỏ, mẹ đưa anh hai đi khám bệnh, em phải qua nhà cô đồng nghiệp của mẹ ngủ nhờ”, An xúc động.

Cuối năm lớp 11, chấp nhận thực tại, An gác lại ước mơ chế tạo máy, ôn lại các môn học, quyết định thi vào ngành dược. An kiên định: “Bác sĩ nói bệnh của tôi không có thuốc chữa. Tôi nghĩ nếu mình học dược, có thể một ngày nào đó, tôi sẽ nghiên cứu được thuốc để chữa cho chính mình và các bệnh nhân bị vảy nến khác. Bởi vì, mắc căn bệnh này rất khổ tâm”.

Ngày trở thành sinh viên, suýt lần nữa An bị vảy nến “hất” ra khỏi giảng đường. Chưa kịp làm quen bạn mới, các nốt mụn nước liên tục “xì” khắp cơ thể. Mụn nước vỡ ra, chảy dịch vàng dính đầy áo. Nhiều lúc, An phải chạy vội vào nhà vệ sinh để lau.

Những nốt mụn mọc lên ngày càng nhiều, bể ra hôi thối khiến An nhiều lần muốn từ bỏ, ảnh BV Da liễu TPHCM
Những nốt mụn mọc lên ngày càng nhiều, bể ra hôi thối khiến An nhiều lần muốn từ bỏ 

“Tôi mất hết tự tin, chính tôi có khi không thể chịu nổi mùi hôi thối của mình, nói chi người xung quanh. Nhất là khi trời nắng nóng, phải trùm kín người khiến mùi hôi xuất hiện nhiều hơn. Tôi bất lực không muốn đến trường nữa. Ở nhà, tôi thoải mái hơn.

Nhưng mà, mẹ vì tôi khóc hết nước mắt, họ hàng bên nội, bên ngoại vì tôi gom góp không ít tiền cho tôi khám bệnh. Tôi không cho phép mình ích kỷ. Tôi lại tiếp tục lên giảng đường. Những lúc quá mỏi mệt, tôi lại nghĩ về thuốc, về những bệnh nhân cũng bị vảy nến như tôi”, An hy vọng.

Nghe con nói, chị Đoàn Thị Hoa (46 tuổi, mẹ của An) xúc động xen lẫn tự hào: “Chồng tôi (trung tá Nguyễn Xuân Hà, công tác tại nhà giàn DK1 - PV) ở biển đảo 27 năm. Mỗi năm anh ở ngoài nhà giàn 6-8 tháng, thời gian về thăm nhà rất ngắn. An tuy bị bệnh nhưng luôn cố gắng tỏ ra mình ổn, lúc nào cũng động viên ngược lại mẹ.

Có bệnh thì vái tứ phương, hết tiền, ai nói thầy lang nào giỏi tôi cũng đưa con đến. Cho tới khi cháu bị biến chứng, nhiễm trùng, sẹo chằng chịt. Tôi sợ và tự trách mình rất nhiều. Từ đó, tôi chỉ dám ao ước cho con mình được chữa khỏi. Tưởng chừng hy vọng đã tắt, tháng 10/2019, gia đình tôi vô tình gặp được đoàn bác sĩ của Bệnh viện Da liễu TPHCM”.

Phép mầu giữa đời thường

An đã dần lấy lại tự tin, có được nhiều bạn mới khi kiểm soát được bệnh tật.
An đã dần lấy lại tự tin, có được nhiều bạn mới khi kiểm soát được bệnh tật

Đó là khi bác sĩ của Bệnh viện Da liễu cùng các Mạnh Thường Quân đến thăm, trao học bổng cho con của chiến sĩ Lữ đoàn 171 hải quân và Nhà giàn DK1 tại Vũng Tàu. Trong chuyến đi, đoàn bác sĩ chia sẻ về cuộc sống, bệnh da thường gặp ở nam giới và gặp Xuân An. TS.BS Nguyễn Trọng Hào - Giám đốc Bệnh viện Da liễu - ngỏ ý đưa An về bệnh viện chữa trị.

Theo ThS.BS Vũ Thị Phương Thảo - Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu, người trực tiếp điều trị cho Xuân An - An bị vảy nến mãn tính, đây là bệnh viêm hệ thống, khả năng điều trị dứt điểm rất thấp, chỉ có thể kiểm soát bệnh.

Chị cho biết: “Có nhiều liệu pháp điều trị vảy nến như bôi thuốc, quang trị liệu… nhưng chúng tôi ưu tiên phương pháp dùng thuốc sinh học. Đây là phương pháp hiện đại nhất, nhằm đánh trúng đích, sớm khống chế bệnh để An lấy lại sự tự tin. Sau một năm điều trị tổn thương, An được sử dụng thuốc trong 4 tuần, da của em dần hồi phục, không còn bong tróc, vảy nến, vết thương gần như biến mất hoàn toàn. Hiện tại chỉ là viêm sắc tố da từ di chứng điều trị sai thuốc trước đó”.

Từ bóng tối, chàng trai giàu nghị lực Nguyễn Xuân An đã có thể bước ra sân nhà, hít một hơi thật sâu, nở nụ cười trọn vẹn hơn để chào ngày mới. Bệnh vảy nến đã được kiểm soát, lớp vảy trắng dần “tan biến”, những mảng da liền lại.

Xuân An hạnh phúc: “Rồi đến lúc tôi sẽ không còn phải suốt ngày mặc quần áo dài tay, không phải mang khẩu trang kín mít trong thời tiết nóng nực. Tôi đang lấy lại sự tự tin, đã làm quen được nhiều bạn mới, và đã dám… len lén nhìn bạn nữ ở dãy đối diện”.

Xuân An có quyền nhìn về tương lai, có quyền mỉm cười, và có quyền ước mơ sau khi ra trường sẽ thành công trong việc nghiên cứu, bào chế thuốc để trị cho mình, cho người.

“Đây là điều mà tôi và mẹ tìm kiếm suốt 10 năm qua. Tôi biết ơn mẹ đã luôn bên cạnh, biết ơn em trai đã “nhường mẹ” cho anh hai. Tôi tin ba tôi sẽ yên tâm hơn khi canh giữ biển đảo cho quê hương. Hơn hết, tôi cảm ơn các bác sĩ đã cho tôi biết, cuộc sống vẫn có phép mầu”, Xuân An chia sẻ.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI