Bỏ phố về quê
Thị trấn Cát Tiên một ngày cuối năm, tiếng máy cưa vang lên xé toang không gian tĩnh mịch, át cả tiếng người. Những âm thanh này không hề dễ chịu nhưng đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của Nhân - chàng trai 23 tuổi với gương mặt sáng, nụ cười hiền.
Thời điểm COVID-19 bùng phát dữ dội khiến cuộc sống như ngưng trệ, chính những thanh âm này đã nhắc nhớ về sự sống, lao động vẫn còn hiện diện. Sau công đoạn cắt xẻ, qua thêm một số khâu khác, tre sẽ trở thành ống hút, ly, vỏ bút máy, bình chứa nước… Dịch bệnh khiến việc xuất khẩu sản phẩm bị đình trệ trong lúc thương hiệu đang trên đà phát triển tốt. Nhưng thiệt hại không quá lớn nên cũng xem như an ủi khi nền kinh tế có quá nhiều doanh nghiệp khó khăn.
“Còn tương lai là còn hy vọng. Còn sức người thì còn có thể thay đổi mọi thứ” - Nhân nói với chất giọng trầm ấm, đầy niềm tin. Sau bữa cơm tối, Nhân lại lao vào xử lý đơn hàng, nghiên cứu sản phẩm mới. Cuộc sống của anh cả ngày cứ quẩn quanh với tre nứa. Nhân, ngày 18 tuổi, ôm giấc mơ trở thành luật sư, chưa bao giờ hình dung đến viễn cảnh thế này.
|
Từ người yêu thích sáo trúc, Nhân đã làm và bán sáo, xuất khẩu sang Nhật |
Nhân từng theo học luật tại Trường đại học Đà Lạt. Hỏi vì sao không chọn Sài Gòn như bạn bè, Nhân cười bảo có lẽ không phù hợp. Anh lớn lên nơi thị trấn có rừng cây, những khu vườn xanh mát, nhịp sống không quá nhanh, xô bồ. Vì thế, Đà Lạt là điểm đến thích hợp.
Nhân vẫn nhớ như in khoảnh khắc xem đoạn clip một nhóm cứu hộ cố gắng rút chiếc ống hút nhựa ra khỏi mũi của chú rùa được chia sẻ trên mạng xã hội. Cảm giác đau đớn, bất lực của một sinh vật nhỏ bé trước rác thải nhựa từ con người ám ảnh anh mấy ngày liền. Từ ý “muốn làm một điều gì đó”, Nhân bắt tay nghiên cứu tre nứa, cùng bạn bè trong câu lạc bộ sáo trúc (Nhân chơi sáo khá cừ) làm và bán sáo, xuất khẩu sang Nhật. Nhưng làm sáo thì chỉ tận dụng được phần giữa của cây, gốc và ngọn đều phải bỏ. Nhân nghĩ như vậy là quá lãng phí…
Với chút vốn ít ỏi dành dụm từ học bổng, một số công việc làm thêm, Nhân vẫn bước đi đầy tự tin. Tuổi trẻ không có nhiều thứ, nhưng sự liều lĩnh lại thừa. Năm 2020, dịch COVID-19 lan tràn, Nhân tốt nghiệp. Trong khi bạn bè vẫn hướng về Sài Gòn, Nhân về quê.
Thay đổi quê nhà
Thực tế, Nhân đặt những viên gạch đầu tiên vào năm 2019. Anh tìm về những rừng tre, tìm cách tạo ra những sản phẩm đầu tiên với chiếc cưa nhỏ xíu làm bạn đồng hành. Rồi anh tìm đến những bạn trẻ đang theo học các ngành kỹ thuật để nhờ chế thêm máy móc. Những sản phẩm ưng ý ra đời, áp lực vơi đi đôi chút. Nhân bắt tay sản xuất ống hút. Hàng ngàn ống ra đời, nhưng không bán được. Anh cũng không có kỹ thuật để xử lý chống mốc tốt, nên đành phải bỏ. Cuối năm 2019, Nhân thiệt hại số vốn không hề nhỏ. Buồn, thất vọng, cộng thêm sự lo lắng của phụ huynh khiến anh trăn trở. Nhưng cuối cùng sự quyết liệt của chàng trai vẫn được mẹ ủng hộ.
|
Những sản phẩm gia dụng thân thiện với môi trường được chàng trai 23 tuổi tạo ra |
Khó ở đâu, gỡ ở đó. Anh nhận ra rằng mình chưa đủ hiểu tre, dẫu chúng vẫn ở bên anh từ thuở ấu thơ. Nhân tìm đến những người nông dân để học hỏi. Tre phải là loại từ 1 - 3 năm tuổi, nếu quá non sẽ còn phấn bên trong, dễ mốc; còn tre già lại cứng, dễ vỡ khi gặp nước nóng hoặc môi trường nhiệt cao. Các công nghệ chống mốc Nhân được các giảng viên tại Trường đại học Đà Lạt giúp sức. Nhân chọn sấy tiệt trùng, hấp tinh dầu để đảm bảo sản phẩm xanh, sạch.
Do máy móc tự chế, khâu sản xuất thời gian đầu mất nhiều thời gian, sản phẩm không đồng đều về chất lượng. Nhân không nhớ phải cải tiến, thay đổi bao nhiêu lần để máy có thể hoạt động nhanh hơn, thao tác mượt hơn… “Đó là thời điểm tôi áp lực nhất vì thời gian cứ kéo dài, còn tôi lại mong khâu sản xuất hoàn thiện sớm để thực hiện phép thử lần nữa”.
Cú ngã đầu đời khá đau mang lại bài học lớn cho chàng trai gen Z: Hãy bán những gì thị trường cần, đừng bán những thứ chúng ta có. Nhân bắt đầu đưa tre bước vào cuộc sống đời thường, qua các sản phẩm gia dụng phổ biến như: muỗng, nĩa… và anh thành công. Sau đó không lâu, anh nhận được đơn hàng xuất khẩu sản phẩm đi Úc. Đêm đó, Nhân mất ngủ. Anh không dám tin là thật.
Bước qua được điểm nghẽn, công việc của Nhân trôi chảy hơn. Anh không quảng bá hay tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm. Nhờ chất lượng sản phẩm tốt, mọi người giới thiệu nhau tìm đến Nhân. Trung bình mỗi tháng, anh sản xuất 1.000 - 3.000 sản phẩm tre các loại, 50.000 ống hút tre, thu về 300 - 500 triệu đồng. Đôi khi, có những đơn đặt hàng lên đến hàng triệu ống. Năm 2020, dịch COVID-19 khiến nhiều công ty gặp khó thì cơ sở kinh doanh của Nhân vẫn hoạt động tốt.
Châu Âu là thị trường đầy hứa hẹn khi một số quốc gia đã cấm sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Thị phần tại Việt Nam cũng lớn dần lên. Nhưng điều khiến Nhân vui hơn là tư duy của người dân với môi trường ngày một thay đổi. “Theo định hướng, đến khoảng năm 2025, Việt Nam sẽ cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Vì thế, tôi tin rằng triển vọng phát triển sản phẩm sẽ còn lớn hơn nữa trong tương lai” - Nhân chia sẻ.
Hiện xưởng của Nhân có khoảng 20 nhân công. Từ khi quyết định về quê, anh xác định phải sử dụng nhiều nhất lực lượng lao động địa phương, tạo cơ hội việc làm cho họ. Nhiều người trong số đó trước nay chỉ quen đi rừng, khi hái măng, lúc thu hoạch mật ong, rau củ có sẵn… nên đời sống khá bấp bênh. Nhân không muốn điều đó tiếp diễn trên quê hương mình. Họ cần có những trang đẹp hơn trong đời, mà anh sẽ tiếp sức.
Chú Bốn, người đàn ông gần bước qua nửa con dốc cuộc đời, không nhớ đã trải qua bao nhiêu chuyến lên rừng, lội suối để kiếm cơm đắp đổi qua ngày. Chú cười, bảo nhờ công việc tại xưởng nên vợ chồng chú có cuộc sống ổn định, không còn phải lo lắng nhiều như thời điểm trước. Với tổng thu nhập khoảng 11,5 triệu đồng/tháng, họ có thể lo cho hai con đến trường.
Đợt dịch thứ tư ập đến, quy trình sản xuất bị đứt gãy vì giãn cách xã hội. Nhân quyết định chuyển giao công nghệ sản xuất phần thô về cho người dân làm tại nhà. Xưởng sẽ thu về, kiểm định chất lượng và thực hiện các khâu hoàn thiện. Hiện anh đã phát triển mô hình này đến một số hộ dân sống ở Đồng Nai, khu vực giáp huyện Cát Tiên. Nhân tin đây sẽ là chìa khóa tháo gỡ khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn hiện diện.
Luật quy định khai thác tre nứa chỉ có thể diễn ra theo mùa, với số lượng giới hạn. Nhân khuyến khích người dân trồng tre, tạo thêm nguồn thu nhập. Anh cũng phát triển thêm mảng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Đơn hàng nhiều hơn, cơ hội việc làm cho bà con quê nhà lại nhiều hơn.
Đất sinh ra người, để rồi người về lại phụng sự cho sự phát triển của đất. Trái tim yêu đất, yêu quê hương mãnh liệt của Nhân đã được quê hương đáp đền.
Thành Lâm