PNO - PNO - Từ khi bắt đầu bấm máy đến khi công chiếu, bộ phim thứ hai của đạo diễn Quang Huy nhận được nhiều ý kiến khen chê trái chiều từ giới chuyên môn lẫn khán giả.
Sau bốn ngày công chiếu, bộ phim Chàng trai năm ấy đã đạt mốc doanh thu phòng vé 30 tỉ đồng. Sức hút nào đã làm nên thành công này?
Trong ngày đầu công chiếu chính thức trên toàn quốc - 31/12, Chàng trai năm ấy nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ khán giả khi "cháy vé" tất cả suất chiếu tại các hệ thống rạp lớn nhỏ. Theo thống kê, lịch chiếu Chàng trai năm ấy dày đặc tại các rạp chiếu, gần như cứ 30 phút - 1 giờ là có một suất chiếu của phim này. Ở các hệ thống rạp "hot" nhất như CGV, Galaxy, BHD, Lotte Cinema... Chàng trai năm ấy luôn là phim hàng đầu được khán giả chọn lựa cho kỳ nghỉ đầu năm 2015, bỏ xa nhiều phim ngoại "bom tấn" khác cũng ra mắt dịp này.
Các ngày tiếp theo, lượng khán giả đổ ra rạp thưởng thức bộ phim Chàng trai năm ấy ngày một tăng cao. Theo thống kê, sau ba ngày khởi chiếu, bộ phim chính thức thu về hơn 20 tỉ đồng. Một ngày sau, doanh thu của phim đạt mức trên 30 tỉ đồng và con số này vẫn đang tăng khi khán giả tiếp tục ủng hộ bộ phim.
Khán giả chờ xem Chàng trai năm ấy
Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ phim tạo được sức hút và thành công ngay những ngày đầu công chiếu vì scandal âm nhạc của diễn viên nam chính Sơn Tùng MTP. Bên cạnh đó sẽ là thiếu sót nếu thiếu đi câu chuyện về cuộc đời thật của nam ca sĩ Wanbi Tuấn Anh.
Trước khi xem phim, có lẽ, nhiều khán giả sẽ nhớ như in lời của đạo diễn Quang Huy nhất mực khẳng định, phim chỉ lấy cảm hứng từ câu chuyện của Wanbi để xây dựng nên một câu chuyện hoàn toàn mới. Khán giả yêu mến đạo diễn của Thần tượng mong mỏi những điều hấp dẫn thú vị cùng những góc máy đẹp của Quang Huy. Riêng fan của Wanbi Tuấn Anh từng tuyên bố tẩy chay phim nhưng đến lúc phim chiếu lại rủ nhau đến rạp xem để có thể so sánh giữa phim và đời thật.
Có lẽ, chỉ đến khi xem phim, mọi cảm xúc hỉ nộ ái ố mới bắt đầu “hỗn chiến” cùng nhau. Những ai là người thân, bạn bè, đồng nghiệp của Wanbi hẳn sẽ có phần hụt hẫng vì chuyện phim bị “lố” đôi chút so với đời thật.
Sơn Tùng MTP hoàn toàn không có điểm nào giống với nam ca sĩ quá cố Wanbi Tuấn Anh từ ngọai hình đến tính cách. Mở đầu phim khá sơ sài, mang đến cảm giác như đang xem một thước phim truyền hình được cắt ghép kém tinh tế hơn là một phim điện ảnh. Có lẽ, đạo diễn Quang Huy đã bị" rối’ và không biết nên chọn lọc sự kiện, tình tiết đắt giá nào trong đời thực của Wanbi Tuấn Anh vào phim, khiến câu chuyện phim thiếu logic và không có đoạn cao trào nào để đẩy cảm xúc thăng hoa.
Mãi đến cuối phim, bi kịch câu chuyện mới diễn ra, khi nam chính Đình Phong đứng trên sân khấu và thú thật tình trạng bệnh tình của mình. Thế là khán giả xem Chàng trai năm ấy có không ít người bật khóc. Họ khóc không hẳn vì câu chuyện phim hay mà đa phần nhớ đến hình ảnh nam ca sĩ quá cố Wanbi Tuấn Anh tài hoa nhưng bạc mệnh.
Nhưng sau tiếng khóc, lại là lời trách. Bởi lẽ, khán giả bắt đầu so sánh. Họ cho rằng, từ khi bệnh đến lúc tình trạng nặng hơn, Wanbi Tuấn Anh chưa từng đứng khóc trên sân khấu như nhân vật Đình Phong của Sơn Tùng MTP. Giả sử Wanbi hành động như thế liệu có xứng đáng với tình cảm khán giả dành cho anh vì sự kiên cường, lạc quan và sự hi sinh thầm lặng vì những người thân của mình.
Ê kíp làm phim Chàng trai năm ấy hẳn có ý tốt muốn làm một bộ phim để nhớ về người đồng nghiệp với nhiều đức tính tốt. Thế nhưng, họ không ngờ, mình đang vô tình xoáy vào nỗi đau mất con, nỗi đau mất anh, nỗi đau mất đi người bạn thân thiết của khá nhiều người đang ngồi ở hàng ghế khán giả. Dù cho đạo diễn Quang Huy có khẳng định phim khác với hình mẫu của đời thực thì cả khán giả lẫn người thân của Wanbi Tuấn Anh đều ít nhiều liên kết giữa phim và đời, để rồi thất vọng và bất bình.
Nam diễn viên chính Sơn Tùng MTP nhận nhiều ý kiến khen chê từ phía khán giả
Với những khán giả không biết nhiều về cuộc đời Wanbi Tuấn Anh thì sức hút của phim chính là là dàn diễn viên điển trai xinh gái. Đặc biệt, nam ca sĩ Sơn Tùng MTP đã làm tốt hơn những gì mọi người kì vọng ở anh. Dù lần đầu chạm ngõ điện ảnh, Sơn Tùng diễn tự nhiên và nhập vai. Những đoạn hài cần sự dễ thương, lém lĩnh, anh khiến khán giả cười ra nước mắt vì quá “bựa”.
Nhưng đến những đoạn nội tâm, nhất là đoạn kết, Sơn Tùng khóc thật nhiều, khóc bằng chính cảm xúc của bản thân. Anh lấy nước mắt của khán giả bởi lối diễn chân phương. Hỗ trợ cho Sơn Tùng phải kể đến các bạn diễn đáng yêu như Hari Won, Ngô Kiến Huy, Phạm Quỳnh Anh, Hứa Vĩ Văn. Họ đều diễn rất tròn vai và khó có thể chê trách điều gì. Fan của Sơn Tùng hẳn sẽ thỏa mãn lắm khi chứng kiến thành công mới của thần tượng.
Chàng trai năm ấy cũng là một thử thách và giằng xé nội tâm của đạo diễn Quang Huy khi đặt anh vào vị thế của người chiến bại trong nghệ thuật nhưng thành công trong kinh doanh. Sở dĩ nói anh thất bại, vì so với Thần tượng, câu chuyện phim không có tính sáng tạo thú vị. Xuyên suốt cả phim, khán giả hầu như không tìm được một góc máy đẹp, điều đã phần nào làm nên thành công của Thần tượng. Bên cạnh đó, bỏ qua yếu tố nghệ thuật thì Quang Huy đã viết tiếp thành công về mặt doanh thu phòng vé cho phim thứ hai của mình. Thành công này, một lần nữa, phải kể đến sức hút từ sự cộng hưởng của hai cái tên Wanbi Tuấn Anh và Sơn Tùng MTP.