Chưa một lần nhìn thấy ánh sáng trong cuộc đời, chưa được biết gương mặt mẹ cha, với nhiều người, hẳn đó là nỗi buồn vô tận. Nhưng Ngọc Thịnh thì khác. Chàng trai khiếm thị đam mê âm nhạc nói rằng, nếu không thể thay đổi tạo hóa, thì hãy lạc quan sống cùng, vì ngoài kia, cuộc đời còn nhiều người bất hạnh hơn mình...
Ngôi nhà trong “bóng tối”
Như bao đứa trẻ khác, Bùi Ngọc Thịnh lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ, chỉ có điều, trong gia đình nhỏ ấy, không ai nhìn thấy ánh sáng. Ba Lộc, mẹ Thủy của Ngọc Thịnh đều khiếm thị bẩm sinh. Anh Lộc kể, ban đầu hai vợ chồng đều hy vọng Thịnh chào đời sẽ may mắn hơn cha mẹ, được sở hữu đôi mắt sáng. Nhưng trớ trêu thay, Thịnh sinh thiếu tháng, vừa yếu hơn những đứa trẻ khác, lại không thể nhìn thấy gì. Thương cho tương lai của đứa trẻ không lành lặn, anh Lộc, chị Thủy chỉ biết vùi đầu vào công việc để con có cơm ăn, áo mặc, có sữa uống qua ngày. Trong ngôi nhà nhỏ, cả ba đùm túm yêu thương, cưu mang và kết nối với nhau bằng thứ thanh âm đặc biệt, đó là âm nhạc.
|
Ngọc Thịnh tham gia chương trình Sô diễn cuộc đời |
Từ bé, Thịnh đã sớm thể hiện niềm đam mê với các loại nhạc cụ. Khi nghe tiếng trống, tiếng guitar vang lên, cậu chỉ muốn học theo ngay. “Ba mẹ kể hồi tôi còn nhỏ, khi được nghe các loại nhạc cụ, tôi đều tỏ ra thích thú và luôn muốn tạo ra được âm thanh đó. Ba mẹ cũng chiều, cho tôi đi học. Nhưng vì nhỏ quá, lại khiếm thị, nên thầy không nhận dạy. Sau nhiều lần nài nỉ, lên sáu tuổi, tôi mới được học”, Ngọc Thịnh chia sẻ.
Cho đến hiện tại, chàng trai sinh năm 2000 có thể chơi 18 loại nhạc cụ khác nhau, đạt Kỷ lục gia châu Á với nội dung Ý chí kỷ lục - Cậu bé mù chơi được nhiều nhạc cụ nhất. Ngọc Thịnh nói số nhạc cụ mình chơi được (ở mức đàn hát - PV) có thể trên con số 20, nhưng vì chỉ biết cơ bản, không sử dụng thành thạo các kỹ thuật khó, nên Thịnh không liệt kê thêm.
Ngọc Thịnh cho biết, cậu không phải tài năng thiên bẩm, cũng không phải thần đồng như nhiều người nói, mà ở cậu, chỉ có niềm đam mê bất tận với âm nhạc. “Không biết vì đâu mà tôi thích rất nhiều loại nhạc cụ. Nghe nhạc cụ nào, tôi cũng muốn chinh phục. Đương nhiên, để chơi được thành thạo một nhạc cụ nào đó, tôi đều phải trải qua quá trình tập luyện nghiêm túc, nhưng với những loại giống nhau về cách điều khiển, tôi có thể tập rất nhanh”, Ngọc Thịnh nói thêm.
Không thể nhìn thấy ánh sáng, Thịnh nói mọi cảm nhận của cậu với cuộc sống đều bằng thanh âm và xúc giác là chính. Trong thế giới của Thịnh, mọi thứ vẫn đẹp dù nhiều khi, cậu vẫn hay nghe những xót xa từ mọi người xung quanh. “Học nhiều loại nhạc cụ, tôi nghĩ đến việc tự mix (hòa trộn) các âm thanh để cho ra được một ca khúc hoàn chỉnh. Nhưng việc học hòa âm với người khiếm thị rất khó khăn, vì vừa không có phần mềm chuyên biệt, vừa không có thầy nhận dạy.
Lắm lúc, tôi buồn vì số phận của mình, nhưng thay vì ngồi một chỗ hờn trách, tôi tìm cách để thay đổi. Từ những suy nghĩ này, tôi thấy mình già hơn tuổi nhiều lắm, nhưng không sao, sống là phải lạc quan, yêu đời và không ngừng cố gắng”, Ngọc Thịnh chia sẻ.
Ước mơ của chàng trai giàu nghị lực
Cuộc trò chuyện với Ngọc Thịnh diễn ra không hề dễ dàng, khi cậu vừa tất bật đến phòng thu học hòa âm, vừa tự tập luyện tại nhà, và thỉnh thoảng cũng có những buổi biểu diễn. Thịnh cười giòn tan, tự nhận bản thân hơi tham lam khi có tới ba ước mơ trong cuộc sống. Đầu tiên, Thịnh mong được nhiều người biết đến trong mảng hòa âm, tiếp đến là được đi biểu diễn ở các sô vừa sức, và sau cùng, là mở lớp dạy lại cho những bạn cùng hoàn cảnh.
Thịnh nói ai làm công việc liên quan đến nghệ thuật đều mong muốn bản thân được nhiều người biết đến. Nhưng Thịnh thích và cũng sợ sự nổi tiếng, bởi khi được quan tâm nhiều, đồng nghĩa với việc cậu sẽ nhận về những lời bình phẩm, cả tích cực lẫn tiêu cực. Nếu chỉ liên quan đến chuyên môn, Ngọc Thịnh nói mình sẵn sàng lắng nghe, không chút e ngại, dù đó là lời chê bai. Cậu chỉ sợ những bàn tán xung quanh hoàn cảnh của mình, và tỏ ý xót thương cậu.
“Cuộc sống của tôi vốn thầm lặng, một phần do hoàn cảnh nên mọi mong cầu cũng chỉ vừa sức mình. Tôi vẫn đang cố gắng từng ngày để khẳng định tài năng. Tôi mong mọi người công nhận sản phẩm âm nhạc của tôi, mà không bị chi phối bởi hoàn cảnh khiếm thị. Chỉ khi nói lời công bằng, tôi mới biết năng lực chính xác của bản thân để còn tiếp tục phấn đấu”, Ngọc Thịnh khẳng định.
Bên trong Ngọc Thịnh, một nguồn năng lượng tích cực, sự yêu đời lan tỏa đến bất kỳ ai tiếp xúc với cậu. Thịnh kể phải mất tới hai năm để cậu mò mẫm sử dụng phần mềm hòa âm của Nga, nhưng hành trình khó khăn này lại hóa thành câu chuyện hài qua giọng kể biết pha trò của Thịnh. Chàng trai ham học cũng mất đến bảy năm nghiên cứu đàn bầu tại trường đại học, cũng chẳng dễ để chơi được đàn cò, đàn sến, đàn tranh, đàn kìm... nhưng dù có nhiều chông gai, thử thách thì với Thịnh, khi đạt được cũng là lúc cần quên để hướng đến các cột mốc cao hơn.
So với những nhạc sĩ trẻ chuộng cách làm nhạc điện tử, Ngọc Thịnh nói bản thân có thế mạnh với các nhạc cụ dân tộc, nên muốn tạo ra màu sắc riêng ở các bản phối. Kể từ năm 2016, khi làm việc như “lính đánh thuê” tại các studio, giờ đây, Thịnh đã có các dụng cụ để thu âm tại nhà, tự sáng tác và phối khí cho sản phẩm âm nhạc của một số ca sĩ.
Ngọc Thịnh trong chương trình Sô diễn cuộc đời:
“Tôi biết con đường của mình phía trước sẽ rất khó khi nhiều giọng ca trẻ có thể tự sáng tác, tự hòa âm - phối khí, nhưng tôi tin, so với cách sản xuất âm nhạc điện tử đang thịnh hành, việc thu âm trực tiếp cũng như kết hợp các nhạc cụ truyền thống của tôi sẽ đặc biệt, tạo ra hướng đi riêng. Tôi vẫn lao động thầm lặng và suy nghĩ thoáng về mọi chuyện. Tôi mong âm nhạc của mình làm ra không chỉ để bản thân, ba mẹ nghe, mà một ngày nào đó, chúng tìm được nhiều khán giả hơn nữa”, Ngọc Thịnh cho biết.
Diễm Mi