Chàng trai đậu đại học, lấy vợ sau 9 năm chiến đấu với bệnh tâm thần

10/06/2017 - 12:00

PNO - Đây là một trong những bệnh nhân nghị lực nhất mà các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tiếp nhận.

Đang học dược sĩ trung cấp, anh Đ.V.T. 20 tuổi thấy mình có nhiều suy nghĩ kỳ cục, anh cảm nhận được đây là triệu chứng bệnh tâm thần nhưng ngại đi khám. 

Vài tháng sau, anh T. luôn căng thẳng, mệt mỏi, tính tình nóng nảy và có những lời nói, hành động mất kiểm soát. Anh giấu gia đình, tự đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM để tìm câu trả lời cho riêng mình.

Chang trai dau dai hoc, lay vo sau 9 nam chien dau voi benh tam than
Bệnh tâm thần phân liệt dễ tái phát.

Sau một buổi trò chuyện, các bác sĩ nhận thấy anh mắc bệnh tâm thần phân liệt nhưng may mắn vẫn còn ý thức.

Bác sĩ Trần Duy Tâm, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết anh T. là bệnh nhân nghị lực nhất mà bệnh viện từng điều trị. Khi tinh thần ổn định, bệnh nhân vẫn muốn tiếp tục học liên thông lên dược sĩ đại học, dù biết rằng chương trình học nhiều áp lực, các môn học khó dễ khiến bệnh bộc phát.

“May mắn khi biết chuyện, gia đình bệnh nhân đã cùng các bác sĩ thiết lập chương trình điều trị hiệu quả nhất. Sau 3 năm điều trị bằng nhiều “tuyệt chiêu” như: nhắc nhở uống thuốc đúng giờ, trò chuyện, giải tỏa tâm lý căng thẳng... bệnh nhân đã ổn định hơn”, bác sĩ Tâm kể. 

Quyết tâm của anh T. quá lớn khiến các bác sĩ cảm động và quyết định đồng hành, điều trị bệnh cùng anh suốt những năm tháng học đại học. 

Chương trình học quá sức, cơ địa không đáp ứng nổi, nhiều lần anh T. phải thi lại nhiều môn. Áp lực, mệt khỏi khiến bệnh tái phát. Ý nghĩ bị bạn bè ganh ghét, làm hại cứ chi phối anh.

Chang trai dau dai hoc, lay vo sau 9 nam chien dau voi benh tam than
Bác sĩ Trần Duy Tâm cho rằng, người bệnh tâm thần sẽ ổn định nếu gia đình luôn ở bên.

Những lúc lên cơn tâm thần, anh T. lại dùng ý chí khống chế. Anh cứ lảm nhảm trong miệng “đó là bệnh”. Nhờ nỗ lực cố gắng kiểm soát hành vi, cắt ngang những suy nghĩ tiêu cực, anh đã vượt qua được những tháng ngày vất vả nhất ở giảng đường. Cứ bệnh thì tạm dừng, hết bệnh lại tiếp tục học cho kịp bạn bè.

“Nói chung, tôi bị “lên bờ xuống ruộng” mấy năm trời, cuối cùng cũng tốt nghiệp. Vui hơn nữa là hai tháng trước tôi đã cưới vợ”, anh T. kiệm lời khi chia sẻ với bác sĩ.

Sau 9 năm kiên trì ra vào Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, anh T. giờ đây đã thực hiện được ước mơ của mình, có một gia đình nhỏ sớm tối vui vầy. Hiện tại, anh đã ngưng sử dụng thuốc, sống vui vẻ bên người thân

Tuy nhiên, bác sĩ Tâm cho rằng anh T. cần phải tự ý thức tầm soát bệnh của mình. Vì một người đã mắc bệnh tâm thần phân liệt sẽ dễ tái phát nếu bị đả kích, rơi vào khủng hoảng tâm lý hay mệt mỏi, lo âu kéo dài.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI