Chàng trai bán trà sữa và cú liều làm nhạc kịch 'Những người khốn khổ'

26/11/2017 - 13:25

PNO - Vở nhạc kịch hoành tráng này là bài thi tốt nghiệp của sinh viên khoa Đạo diễn, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM: Trần Minh Tuấn.

Chang trai ban tra sua va cu lieu lam nhac kich 'Nhung nguoi khon kho'
Trần Minh Tuấn và các diễn viên trong một buổi tập nhạc

Với dàn diễn viên gần sáu mươi người, vở nhạc kịch Những người khốn khổ phiên bản Việt Nam, ra mắt vào đầu tháng 11/2017, khiến không ít người “choáng”. Hơn hai mươi ca khúc được các diễn viên hát thật với sự phối hợp của dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp.

Càng bất ngờ hơn khi vở nhạc kịch hoành tráng này là bài thi tốt nghiệp của sinh viên khoa Đạo diễn, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM: Trần Minh Tuấn.

Thích làm điều khác biệt

“Gan” và “liều” là nhận xét của nhiều người làm nghề có mặt trong suất diễn đặc biệt dành cho Trần Minh Tuấn. Ở thời điểm khó khăn của sân khấu hiện nay, việc đầu tư cho một vở nhạc kịch hoành tráng gần như nằm ngoài tầm với của không ít nhà quản lý sân khấu chuyên nghiệp. Đến mức, nhiều khán giả có mặt trong đêm thi tốt nghiệp của Tuấn thì thầm: “Chắc đạo diễn phải là con đại gia mới dám chơi sang cỡ đó”. Nghe kể lại, Tuấn bật cười: “Đại gia của tôi là… chủ nợ”. 

Cha mẹ làm nông ở Bà Rịa, ước mơ trở thành diễn viên của Tuấn thật... xa xỉ. Để được ba mẹ cho lên Sài Gòn học Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, Tuấn thẳng thắn đề nghị: “Ba mẹ chỉ nuôi con học hết cao đẳng. Con đường tiếp theo con sẽ tự đi bằng đôi chân của mình”. Chỉ được xem vài chương trình văn nghệ ở trường do Tuấn làm “thủ lĩnh”, không hiểu con trai mình có năng khiếu nghệ thuật đến đâu, nhưng ba mẹ vẫn tin vào sự lựa chọn của con mình.

Chang trai ban tra sua va cu lieu lam nhac kich 'Nhung nguoi khon kho'
Trần Minh Tuấn và diễn viên nhí của vở "Những Người khốn khổ"

“Tôi cũng chỉ hơn ba mẹ ở điểm biết mình mê nghệ thuật, mê ánh đèn sân khấu chứ không biết thực sự khả năng của mình là gì, có lợi thế ở lĩnh vực nghệ thuật nào. Mãi đến năm thứ hai cao đẳng, tôi mới được một giảng viên gợi ý nên chọn trở thành đạo diễn hơn là theo đuổi công việc diễn xuất”, Minh Tuấn nhớ lại “đường dẫn” đưa anh về đúng với “lối đi” nên bước tiếp.

Trúng tuyển khoa Đạo diễn - khóa 2, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, dường như nỗi lo lấn át niềm vui của chàng tân sinh viên. Giữ đúng lời hứa với ba mẹ, anh sẽ phải đi tiếp bằng đôi chân mình. Nhờ có khả năng cảm nhạc tốt, Tuấn tập tành chọn, chỉnh nhạc cho các sân khấu Tâm Ngọc, Thế Giới Trẻ, Thuần Việt… và một số gameshow truyền hình. Thu nhập khá ổn, đủ để Tuấn tự trang trải học phí và chi phí sinh hoạt. 

Những tưởng anh chỉ thử thách mình bằng những điều không tưởng: dựng nhạc kịch, hát thật, dàn nhạc sống và cả những điều nhỏ bé trong cuộc sống... Nào ngờ, công việc chọn nhạc, chỉnh nhạc đang ngon trớn, bỗng một ngày Tuấn ngẫm nghĩ: “Không lẽ từ đây đến hết đời mình làm công việc này? Phải khác chứ”. Tuấn quyết định bỏ ngang công việc mà không ít bạn bè trang lứa mơ ước, để ở nhà… bán trà sữa.

Khi đó anh đang học năm thứ hai. “Tôi không ngại khó khăn, không ngại cực khổ. Với nghệ thuật, tôi nghĩ mình phải làm được điều gì đó khác biệt. Tôi không mặc cảm hay coi thường công việc chọn nhạc, chỉnh nhạc, nhưng khi đã được học hành bài bản, tôi thấy cần phải làm được điều gì đó để không phí hoài những kiến thức đã có, không uổng công lao của thầy cô”, Tuấn lý giải lý do “chuyển nghề” của mình.

“Cú liều”

Tác giả chuyển ngữ Những người khốn khổ lại không biết nhạc lý, không giỏi tiếng Anh, chuyện thật như đùa được chính Tuấn thú nhận. “Không giỏi Anh văn thì nhờ bạn gái và “anh Google”. Không giỏi nhạc lý thì nhờ bạn bè là những người hoạt động âm nhạc “tiếp sức”, Tuấn hóm hỉnh. Khi lên Internet tìm thông tin về vở nhạc kịch Những người khốn khổ, Tuấn đã kết nối được với nhiều bạn mới.

Chang trai ban tra sua va cu lieu lam nhac kich 'Nhung nguoi khon kho'
Vở nhạc kịch "Những người khốn khổ"

Họ là những người làm nghề chuyên nghiệp, sinh viên các trường nghệ thuật hoặc đơn thuần chỉ là những khán giả yêu thích vở nhạc kịch này. Tuấn cho biết, anh học được từ họ những ý tưởng mới, cách phối hợp cho các diễn viên ca chồng và khá nhiều kỹ thuật dàn dựng nhạc kịch ở bản dựng Những người khốn khổ của mình. 

Nhưng không thể áp dụng mọi hướng dẫn của những người bạn nước ngoài, bởi mỗi đất nước có những khác biệt trong văn hóa thưởng thức nghệ thuật, điều kiện kỹ thuật… Với Việt Nam còn là sự khác biệt trong các thanh âm của ngôn ngữ. Lần mò mãi phần lời của kịch bản cũng xong, nhưng Tuấn bị ách lại ở phần lời các bài hát. “Có những lúc tôi thấy bế tắc trong việc chuyển ngữ bởi tiếng Việt với các dấu sắc, huyền, ngã, nặng như những thể điệu của ngũ âm, khác hoàn toàn với âm ngang trong phát âm tiếng Anh theo bản gốc.

Có những lần loay hoay cả ngày với vài câu hát, nhưng hễ cất giọng ca thử với nhạc thì âm nhạc và từ ngữ lại “đường ai nấy đi”. Rồi việc luyện tập, phối bè, phối hợp giọng ca của các diễn viên trong từng cảnh diễn, tập luyện với dàn nhạc cũng rất công phu. Có lúc tôi tưởng mình ngã quỵ vì trăm ngàn lý do từ kinh phí đến công tác dàn dựng. Nhưng nhìn các diễn viên tham gia vở, từ những anh chị đã có tên tuổi đến các bạn diễn viên trẻ, nhận được sự hỗ trợ về vật chất vô điều kiện của họ, tôi thấy xấu hổ nếu không đủ ý chí để thực hiện ước mơ của mình”, Tuấn chia sẻ. 

Ý chí của Tuấn mạnh mẽ đến mức có thể thuyết phục cả những diễn viên tên tuổi. Không ít show diễn chuyên nghiệp muốn mời cũng khó vì họ quá bận rộn với lịch làm việc dày đặc, nhưng Đại Nghĩa, Vân Trang, Hoàng Mèo, Lâm Vỹ Dạ… đã đồng ý tham gia với Tuấn. Họ chấp nhận gác nhiều việc riêng trong một thời gian dài để “đeo bám” tập Những người khốn khổ, dù đó chỉ là vở tốt nghiệp của một sinh viên.

Cũng có người nói sao Tuấn tự mua dây buộc mình. Con đường nghệ thuật không chỉ là một vở tốt nghiệp. Những người khốn khổ có chất liệu kịch bản quá tốt, có thể có một bản dựng hay, thậm chí xuất sắc mà  không nhất thiết cứ phải là nhạc kịch.

“Mỗi người có một cách nghĩ khác nhau. Tôi biết mình đã lao vào con đường khó khăn, thử thách, nhưng chỉ có một sự lựa chọn bởi tôi đã trót yêu nhạc kịch đến mê đắm. Dựng nhạc kịch tốt nghiệp như một cách để tôi tự kiểm tra lại khả năng: liệu mình có đủ sức làm nhạc kịch, vở diễn do mình dàn dựng có đủ sức hút đối với người xem? Một lý do nữa, tôi không bao giờ quên lời dạy của thầy, cố nghệ sĩ ưu tú Đoàn Bá: “Cái gì quá dễ, quá giản đơn thì không phải là nghệ thuật. Nghệ thuật phải là một quá trình lao động, sáng tạo nghiêm túc”, Tuấn lý giải cho sự lựa chọn đầy “chông gai” của mình. 

Tiền ba mẹ phụ, tiền dành dụm từ công việc bán trà sữa, viết kịch bản cho các chương trình hài, gameshow… gói ghém kiểu nào cũng không đủ chi phí cho một vở diễn với ê-kíp cả trăm con người, tập luyện ròng rã mấy tháng trời. Con số tạm tính giờ đã hơn gấp đôi “vốn liếng” có được.

Giọng Tuấn run run xúc động khi nhắc lại những “chủ nợ” tự mang tiền đến cho Tuấn mượn kèm lời nhắn nhủ: “Không cần phải gấp, bao giờ có thì trả, lâu cũng không sao, chỉ cần em cố gắng làm cho tốt vở tốt nghiệp”. Những ân tình đó càng buộc Tuấn phải quyết tâm, mạnh mẽ hơn, không được phép bỏ cuộc.

Chưa thể đánh giá nhạc kịch Những người khốn khổ là một vở diễn xuất sắc. Nhưng lòng đam mê, thái độ làm nghề nghiêm túc và những yếu tố mới lạ trong sáng tạo nghệ thuật của một người trẻ đủ để nhiều người đặt kỳ vọng về một gương mặt mới nhiều triển vọng của sân khấu thành phố.

“Làm nhạc kịch không dễ, tôi biết mình phải đối mặt với khó khăn. Nhưng tôi vẫn không thôi mơ về một Nhà hát nhạc kịch Bốn Mùa, nơi đó, mỗi mùa trong năm sẽ có một vở nhạc kịch theo chủ đề. Đặc biệt là những vở nhạc kịch mùa hè đầy màu sắc dành cho thiếu nhi. Tôi không biết mình sẽ bay với giấc mơ ấy bao lâu. Nhưng tôi vẫn tiếp tục bán trà sữa, viết kịch bản… để vừa trả nợ, vừa tiếp tục tích lũy cả kinh nghiệm lẫn vốn liếng cho dự án nhạc kịch tiếp theo” - Trần Minh Tuấn khẳng định chắc nịch.

Huy Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI