Chàng trai 9X và xúc cảm, trăn trở với văn hóa dân tộc

24/11/2020 - 06:57

PNO - Nói về đất nước, nếu không khéo sẽ sáo rỗng và khoa trương. Với Trần Lê Trọng Nghĩa (Khoa Chim) và dự án Vietnamme, Việt Nam truyền thống và hiện đại dung hòa trong từng tác phẩm.

"Ủa'', "Việt Nam trong tim tôi''

Chữ yêu dễ nói nhưng để thực hiện thì không hề dễ. Bắt đầu con đường nghệ thuật với câu hỏi mình muốn gì và lý tưởng làm những điều tốt đẹp, Vietnamme - dự án nghệ thuật của Trần Lê Trọng Nghĩa (hay còn gọi là Khoa Chim) ra đời. Theo Khoa Chim, ban đầu đây chỉ là một cuộc dạo chơi của anh giữa kho tàng văn hóa rộng lớn của dân tộc. Nhưng rồi lần lượt hai triển lãm Việt Nam trong tim tôi và  Ủa ra đời khiến anh ngày càng hào hứng với hành trình này. Bên cạnh đó, việc khán giả tìm thấy mình trong từng tác phẩm là động lực khiến anh đầu tư cho dự án.

Khoa Chim, nghệ sĩ sáng lập dự án Vietnamme
Khoa Chim, nghệ sĩ sáng lập dự án Vietnamme

Việt Nam trong tim tôi là dự án solo đầu tiên của Khoa Chim. Bắt đầu từ câu hỏi “Chúng tôi yêu nước như thế nào và ra làm sao?”, sau quá trình thai nghén, các tác phẩm ra đời.

Để gọi Việt Nam thật nhất và thể hiện tình yêu ấy nồng nàn nhất, Khoa đã chọn những đồ vật vô cùng thân thuộc đối với mọi người. Đó là chanh muối với thắc mắc dân dã “Hiếm có dân tộc nào lại dùng muối để giải khát như Việt Nam mình”. Hay là hũ kẹo mạch nha mà bất kể đứa con nít hảo ngọt nào cũng thích thú. Việt Nam trong tim tôi còn là cao Sao Vàng đắt hàng ở trời Tây, chú heo đất của lũ trẻ con để dành tiền, là đèn dầu hột vịt lè tè cháy, hay dép tổ ong màu vàng huyền thoại…

Các tác phẩm trong triển lãm Việt Nam trong tim tôi (lần lượt là Chanh muối, Cao sao vàng, Kẹo mạch nha)
Các tác phẩm trong triển lãm Việt Nam trong tim tôi (lần lượt là Chanh muối, cao Sao Vàng, Kẹo mạch nha)

Nếu như triển lãm đầu tiên là niềm tự hào đây là Việt Nam thì dự án thứ hai lại là một lời tự vấn. “Mình có cần phải như vậy khi mình nói về Việt Nam không. Nếu là một công dân toàn cầu thì mình có cần những cái đó không” - anh chia sẻ.

Ủa không chỉ là một từ để bộc lộ cảm xúc, đôi lúc Ủa còn là để nói rằng “Mình vẫn còn Việt Nam dữ lắm”. Là một ngày bạn nhận ra rằng trên những gian hàng bánh kẹo, món bánh hũ không còn nữa. Câu chuyện nhắc nhớ về thời kỳ mà bánh kẹo ngoại nhập chưa nhiều như bây giờ, các món bánh hũ là thứ quà tuyệt vời. Là một ngày bạn ngộ ra một điều từ những chiếc ly bi. Đó là những chiếc ly có in những hình tròn nhỏ như viên bi, sắc màu sặc sỡ. Hay câu chuyện ly nước mía độc đáo, rằng người làm sáng tạo không được uống nước mía vì sẽ bị tổ trác, làm việc không suôn sẻ; uống nước mía mà cho thêm tí muối là ngọt lạ lùng.

Trải qua 2 triển lãm Việt Nam trong tim tôi và Ủa cùng với các dự án khác, chàng trai Quảng Nam cho rằng đó là thành công ngoài mong đợi.

“Nhiều người tìm thấy họ trong mỗi tác phẩm. Mình rất vui vì điều đó. Ban đầu mình chỉ làm vì bản thân thôi nhưng đâu ngờ cũng có những tâm hồn đồng điệu như vậy” - anh bộc bạch.

Bây giờ không làm thì bao giờ làm

Vietnamme, tên gọi của dự án bắt đầu từ hai chữ Việt Nam và tôi. Đó là sự khẳng định tấm căn cước văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, việc khẳng định ấy sẽ dễ đi vào những lối mòn thừa nhận. Khoa Chim cho rằng người Việt Nam có thói quen quên đọc âm đuôi trong tiếng Anh và phải chăng chính cái đuôi ấy mới là dấu ấn cần lưu giữ. Cách đọc “Vietnamese” và “Vietnamme” tuy giống nhau nhưng nghĩa của chúng là khác nhau.

“Ban đầu, mình chỉ muốn nuông chiều những xúc cảm, trăn trở của mình đối với văn hóa dân tộc. Chính sự đón nhận nồng nhiệt của mọi người đã thôi thúc mình tiếp tục với những dự án sau này” - anh cho biết.

Các tác phẩm trong triển lãm Uả (lần lượt là Bánh hũ, Nước mía, Ly bi)
Các tác phẩm trong triển lãm Ủa (lần lượt là Bánh hũ, Nước mía, Ly bi)

Với Khoa Chim, công việc sáng tạo liên quan đến văn hóa khá gian nan. Hơn nữa, đã có nhiều nghệ sĩ thực hiện, làm sao có được những sáng tạo mới và để lại dấu ấn riêng cuả mình là một thử thách. Tuy nhiên, cái nguyên bản và vẫn còn nhiều nhất chính là yếu tố con người. Đây là điều mà anh hướng tới.

Điểm thú vị trong quá trình sáng tạo của Khoa Chim chính là việc kiếm tìm ý tưởng. Anh cho rằng bản thân không quá quan trọng vấn đề ý tưởng. Điều cần thiết nhất cho mỗi dự án của anh chính là thôi thúc mình phải làm gì và lý tưởng cống hiến của mình. Với anh, làm nghệ thuật trước hết là làm cho bản thân, sau mới là khán giả.

"Không phải lúc nào làm về Việt Nam cũng phải là truyền thống này, truyền thống nọ. Còn Việt Nam đương thời thì đã là nó rồi. Quan trọng là sau mỗi tác phẩm, mọi người nhìn thấy gì ở trong đó" - anh chia sẻ.

Ngoài Việt Nam trong tim tôiỦa, Mealive là một trong những hoạt động nổi bật của Vietnamme với các hoạt động về nghệ thuật trình diễn sân khấu ở Việt Nam. Theo Khoa Chim, mỗi chương trình có một đặc điểm riêng. Nếu triển lãm hướng đến cộng đồng, thì workshop hay talk hướng đến những nhóm cụ thể.

Vietnamme không làm vì lợi nhuận. Ngoài việc đưa văn hóa đến với số đông, hoạt động của Vietnamme  còn muốn mọi người ý thức được việc phải trả tiền khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Lợi nhuận thu được sẽ là những khoản đầu tư cho những ấp ủ nghệ thuật của tụi mình”, anh chia sẻ. 

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI