“Chàng rồng” liệt tứ chi chinh phục thử thách

23/02/2024 - 17:09

PNO - Bị bại liệt toàn thân nhưng anh Phạm Sỹ Long quyết không đầu hàng số phận. Anh dùng miệng thay tay để làm nhiều việc, trong đó có vẽ tranh, làm thơ, viết truyện, viết hồi ký.

Tôi muốn nhắn gửi đến độc giả, nhất là giới trẻ, rằng cuộc sống ngày nay có vô vàn khó khăn nhưng đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ. Chỉ cần mình có quyết tâm và nghiêm túc thực hiện thì dù kết quả ra sao, cũng không còn nuối tiếc” - anh Long tâm sự. 

 

Vẽ tranh, viết sách bằng miệng

Dùng miệng nắn nót viết từng chữ vào cuốn sách mới xuất bản, anh Phạm Sỹ Long - 36 tuổi, ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - nói, anh ký tặng vào tất cả sách trước khi đến tay bạn đọc như một lời tri ân chân thành đến những người luôn đồng hành và ủng hộ anh trong thời gian qua.

Anh Phạm Sỹ Long nắn nót ký tặng sách trước khi giao cho độc giả
Anh Phạm Sỹ Long nắn nót ký tặng sách trước khi giao cho độc giả

Việc viết lách không chỉ giúp anh có thêm thu nhập mà còn giúp anh tìm được niềm vui, mục tiêu cho cuộc sống. “Tôi rất vui vì sách viết ra được nhiều người đón nhận. Cũng không biết tôi gắng được đến bao giờ, nhưng chắc đến khi mòn hết răng thì phải nghỉ viết thôi” - anh cười hóm hỉnh, để lộ 2 chiếc răng cửa đã bị bào mòn gần nửa.

Năm lên 16 tuổi, anh bị gãy dập cổ sau tai nạn ngã từ cây cao. Dù được gia đình đưa đến nhiều nơi chữa trị nhưng anh chỉ giữ được tính mạng, toàn thân bị liệt, mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào người thân. Cảm thấy mình trở thành gánh nặng của gia đình, anh đã nhiều lần tìm đến cái chết nhưng bất thành. “Mẹ tôi khóc suốt đêm, nói rằng mẹ sống là vì con, nếu con chết thì mẹ cũng chết theo. Thế là tôi nghĩ, mình không được làm mẹ buồn phiền” - anh kể. 

Từ bỏ ý định tự tử, anh bắt đầu tập làm những việc đơn giản như mở ti vi, điện thoại, sách… bằng miệng. Năm 2007, anh bắt đầu tập viết, tập vẽ tranh bằng miệng. “Họ làm được, tại sao mình không thử?” - anh nói về quyết tâm của mình khi so sánh với những tấm gương vượt lên tật nguyền khiến cả thế giới nể phục. 

Người cụt mất 2 tay tập viết bằng chân đã khó, nhưng anh Long lại liệt cả 2 tay, 2 chân, phải tập viết bằng miệng, khó gấp vạn lần. Thời gian đầu, do miệng chưa quen nên các cơ căng cứng, lở loét, anh Long phải húp cháo loãng nửa tháng trời. Khi đã viết được bằng miệng thuần thục, anh bắt đầu sáng tác thơ theo thể tự do. Anh cũng dùng miệng vẽ hàng trăm bức tranh hoa lá, tĩnh vật đầy màu sắc.

Đến nay, anh đã viết được hơn 370 bài thơ, nội dung chủ yếu xoay quanh chủ đề tình mẫu tử, tình yêu đôi lứa, thân phận. Năm 2013, anh xuất bản tập thơ kể về cuộc đời mình, nay đã tái bản lần thứ hai. “Đó là cuốn sách đầu tiên của tôi. Cảm xúc rất khó tả. Khi đó, tôi mừng vì ước mơ đã thành hiện thực, nhưng vẫn lo không biết độc giả đón nhận thế nào. Sau đó, tôi bất ngờ nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn của học sinh hỏi thăm sức khỏe và nói thơ anh dù viết không theo khuôn khổ nhưng đọc rất cảm xúc” - giọng anh hồ hởi. 

Năm 2020, anh tiếp tục xuất bản thêm một tập truyện dài hơn 100 trang viết về tình yêu đôi lứa. Anh còn tham gia các khóa luyện giọng nói, MC, đào tạo diễn giả qua mạng, sau đó thành lập Câu lạc bộ “Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn” trên mạng xã hội để truyền lại các kỹ năng này cho người có nhu cầu, đặc biệt là những người cùng cảnh ngộ. Câu lạc bộ này không chỉ là nơi giao lưu, học hỏi dành cho những người khuyết tật mà còn có những người không khuyết tật đang là học sinh, giáo viên, công chức cũng xin tham gia để học thêm kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và đặc biệt là muốn được nghe anh truyền cảm hứng, nghị lực sống. 

Không dang cánh, bạn sẽ không biết bay

Cắn chặt chiếc bút tự chế, anh Long liên tục thao tác trên điện thoại, iPad để trò chuyện cùng độc giả. Anh nói, thứ giam cầm, trói buộc anh suốt 20 năm qua không phải là cơ thể tật nguyền mà là niềm tin giới hạn của mình. Khi đã không còn niềm tin, anh nghĩ rằng mình vô dụng. 

Anh Phạm Sỹ Long kể cho mẹ nghe những trải nghiệm khi một mình đi phượt bằng xe lăn
Anh Phạm Sỹ Long kể cho mẹ nghe những trải nghiệm khi một mình đi phượt bằng xe lăn

“Nếu không có ước mơ, mình chẳng khác gì cái xác sống”. Với suy nghĩ đó, anh quyết tâm hoàn thành những giấc mơ dang dở thời trẻ, một mình đi phượt khám phá đất nước, điều mà đến nay nghĩ lại, anh vẫn cho là điên rồ. 

Để có thể độc hành bằng xe lăn vào Nam ra Bắc, anh Long nói dối người thân rằng mình đi dự các sự kiện, đã có bạn bè hỗ trợ. Anh bảo: “Nói dối không hẳn là xấu nếu sử dụng với mục đích tốt”. Đó cũng là cách để anh bước ra khỏi “vùng an toàn”, chinh phục thử thách. 

“Phải vất vả lắm, tôi mới về được đến nhà. Lúc đó, cả trong lẫn ngoài cơ thể tôi chẳng khác nào cục thịt nướng trên lò than đang hừng hực cháy. Có lẽ, nhờ ông bà, tổ tiên phù hộ, che chở, tôi mới không bị sốc nhiệt mà chết” - anh Long kể về lần một mình đi xe lăn ngắm cầu Cửa Hội cách nhà 10km trong cái nắng bỏng rát. Chuyến đi đó khiến mẹ anh Long phát hoảng vì lo cho sự an toàn của con, nhưng nhờ đó, anh biết được sức chịu đựng của cơ thể, lấy đó làm thước đo cho những chuyến đi mới.

“Nếu cất cánh, có thể bạn sẽ rơi, nhưng nếu không dang rộng đôi cánh, dũng cảm tiến về phía trước thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ biết bay”. Đó là thông điệp mà anh muốn gửi đến độc giả qua cuốn sách Chàng rồng phiêu lưu ký vừa được xuất bản, dày gần 500 trang. Sách xoay quanh những chuyến phiêu lưu đầy thú vị, hấp dẫn mà có thể với nhiều người là điên rồ, nhưng với tác giả thì đó lại là kỳ tích. Mỗi chuyến đi với một người nằm bất động như anh đều là một kỷ niệm khó quên. Những khó khăn, trở ngại trong các chuyến đi đều được anh kể một cách hóm hỉnh, rồi từ đó chia sẻ cách mình đã chiến thắng niềm tin giới hạn, vượt qua vùng an toàn để theo đuổi giấc mơ. 

Ngoái nhìn cậu con trai duy nhất điều khiển xe lăn đi giao sách cho khách, bà Trần Thị Hà - 65 tuổi, mẹ anh Long - không kìm được giọt nước mắt hạnh phúc. “Nó vui một thì tui vui mười” - người mẹ có gương mặt khắc khổ khá kiệm lời khi nhắc đến kỳ tích của con trai. Điều bà Hà lo lắng nhất bao năm qua là sức khỏe của mình ngày một yếu. Không phải bà sợ chết, mà bà sợ khi không còn mẹ, con trai bà biết nương tựa vào đâu. Chỉ khi chứng kiến con trai ngày một mạnh mẽ, tự lập trong nhiều việc, bà Hà mới dần trút bỏ được gánh lo: “Vậy là mừng lắm rồi. Nếu tôi có bề gì thì cũng không còn phải quá lo lắng”.

Song song với việc làm thơ, viết truyện, anh Long còn viết hồi ký về cuộc đời mình dài gần 1.000 trang giấy. Đến nay, tập hồi ký cơ bản đã hoàn thành, đang được anh chuyển từ bản viết giấy lên máy tính để tiếp tục hoàn thiện để sớm xuất bản. 

Nói về dự định sắp tới, người đàn ông tuổi rồng này cho hay, chỉ cần “còn đi được”, anh sẽ tiếp tục chinh phục những thử thách mới để truyền cảm hứng đến những bạn trẻ, đặc biệt là những người khuyết tật vốn luôn cảm thấy tự ti, giúp họ vượt qua nghịch cảnh. 

Năm 2022, anh Phạm Sỹ Long được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” và là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

Anh thường đến thăm, tặng sách cho các trường nhằm lan tỏa nghị lực sống đến học sinh. Anh cũng thường trở thành nhân vật chính chia sẻ động lực, thắp lửa nhiệt huyết và lan tỏa lối sống tích cực trong chương trình ngoại khóa của nhiều trường học ở huyện Nghi Xuân. 

Phan Ngọc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI